Nợ công sắp tới “lằn ranh đỏ”Thủ tướng lo nợ công tăngNợ công và người dân
Kinh nghiệm thế giới chỉ rõ chất lượng điều hành kinh tế vĩ mô chính là yếu tố quyết định ngưỡng an toàn nợ công, chỉ tiêu hàng đầu về giám sát nợ công.
Bất cập, thiếu ổn định
Ngưỡng nợ công nguy hiểm chung cho tất cả các nước là 90% tổng thu nhập quốc dân trong nước (GDP). Các nước phát triển có nền kinh tế vĩ mô ổn định có thể vượt qua ngưỡng này nhiều. Ngược lại, các nền kinh tế đang phát triển hoặc mới nổi với chất lượng quản trị công còn hạn chế như nước ta thì trần nợ công phải thấp hơn mức nói trên nhiều mới an toàn.
Chẳng hạn Nhật Bản có tỉ lệ nợ công năm 2009 cao hơn hai lần ngưỡng nêu trên, còn nợ công của Hi Lạp cùng năm chỉ vượt quá trần nêu trên một chút. Vậy mà khủng hoảng nợ công đã không xảy ra ở Nhật, trong khi Hi Lạp lại bị rơi vào “hôn mê” khủng hoảng nợ công sâu. Đơn giản là do Nhật Bản tuân thủ nghiêm các bài học vỡ lòng về quản lý nợ công. Cụ thể: Nhật ít vay nợ nước ngoài, hầu hết nợ công của Nhật là nợ trong nước. Hi Lạp thì ngược lại, hầu như toàn bộ nợ công là vay nước ngoài. Bên cạnh đó là chất lượng chính sách tài khóa và tiền tệ. Nhật Bản luôn duy trì lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức thấp và ổn định, trong khi Hi Lạp có lãi suất gấp đôi Nhật lại luôn biến động từ năm 2009. Ngoài ra, Nhật đảm bảo công khai minh bạch, còn Hi Lạp che giấu thâm hụt ngân sách nhà nước nhiều năm.
Ở nước ta, điều hành chính sách vĩ mô còn bất cập, thiếu ổn định. Biểu hiện ở chỗ thâm hụt ngân sách cao lại để kéo dài hàng thập niên, trong khi tỉ lệ huy động GDP vào ngân sách thuộc loại cao nhất thế giới; lạm phát cao và biến động lớn; mối quan hệ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ còn lỏng lẻo... Ngoài ra, còn một loại rủi ro tiềm ẩn lớn khác là quản lý nợ công trong nước hiện chưa được chú trọng. Nợ trong nước qua phát hành trái phiếu chính phủ chưa được giám sát chặt chẽ như nợ nước ngoài, mối quan hệ trách nhiệm giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương chưa rõ ràng và chặt chẽ; quản lý còn lỏng lẻo... Một số chuyên gia nước ngoài cho rằng đây là một rủi ro nguy hiểm và ngày một lớn vì hiện nay nợ trong nước đã trên 40% và chủ trương sẽ tiếp tục cho tăng cao hơn. Theo tính toán của chuyên gia, nếu kịch bản điều hành kinh tế vĩ mô xấu nhất xảy ra, tỉ lệ nợ công của nước ta năm 2020 sẽ mấp mé trần nguy hiểm nêu trên.
Ảo giác an toàn
Ngoài quản lý điều hành kinh tế vĩ mô, khuôn khổ thể chế về quản lý nợ công cũng còn nhiều hạn chế và bất cập đáng chú ý.
Một, việc tiếp tục giữ quan niệm về nợ công khác so với thông lệ phổ biến trên thế giới cần được xem xét lại. Cụ thể là hiện nay nước ta không tính phần lớn nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước, phần chi bảo hiểm và chi lương hưu vào nợ công. Điều này làm lệch bức tranh nợ công của Việt Nam và gây ra ảo giác về an toàn nợ công. Về lâu dài khi dân số già hóa nhiều sẽ gây áp lực lớn lên nợ công quốc gia do phải chi trả nhiều cho bảo hiểm xã hội và lương hưu. Điều này có thể làm giảm niềm tin về bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Niềm tin thấp thì lãi suất vay vốn quốc tế sẽ cao. Đây đã là một thách thức rõ rệt khi nước ta phát hành trái phiếu vay vốn nước ngoài cho Vinashin cách đây nhiều năm.
Hai, theo pháp luật về quản lý nợ công, Quốc hội không có vai trò gì trong các quyết sách dài hạn như phê chuẩn chiến lược nợ công. Điều này là trái với các quy định trong Luật về ngân sách nhà nước. Các quy định pháp luật hiện hành về nợ công chỉ mới yêu cầu công bố thông tin về nợ công cho Quốc hội, chưa có quy định về công khai nợ công cho công chúng. Người dân mới là người đóng thuế và trả nợ mà lại không được biết về thực trạng nợ công của quốc gia là không hợp lý.
Ba, pháp luật về nợ công hiện hành không quy định kiểm toán các hoạt động quản lý nợ đối với các cơ quan được giao trách nhiệm này như thông lệ trên thế giới, mà chỉ quy định kiểm toán các đối tượng sử dụng vốn vay (chương trình, dự án). Luật cũng không quy định trách nhiệm cụ thể của Kiểm toán Nhà nước đối với nợ công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận