31/07/2013 06:11 GMT+7

Sửa luật để xử nghiêm công chức vi phạm

NGUYỄN THỊ DUNG (TP.HCM)
NGUYỄN THỊ DUNG (TP.HCM)

TT - Chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành ngày 26-7, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc tinh giản biên chế, đưa ra khỏi công vụ những người không có đủ năng lực, phẩm chất...

HLRqIUXX.jpgPhóng to
Người dân chấm điểm, đóng góp ý kiến cho cán bộ công chức ở UBND Q.1, TP.HCM. Đây cũng là một biện pháp để chấn chỉnh kịp thời vấn đề cửa quyền, hách dịch... - Ảnh: Thuận Thắng

Yêu cầu tinh giản biên chế đội ngũ công chức đã được đặt ra từ lâu, nhưng thực tế chưa có chuyển biến đáng kể.

Chế tài chưa đủ mạnh

Những vụ việc liên quan đến sai phạm của cán bộ công chức, viên chức có thể thấy xuất hiện ở nhiều lĩnh vực: từ giáo dục, y tế, giao thông, đất đai, xây dựng cho đến hải quan, công an, thuế... Điều khiến dư luận, người dân quan tâm và bức xúc là sau mỗi vụ việc được phát hiện, mặc dù lãnh đạo các đơn vị, cơ quan có cá nhân sai phạm đều khẳng định sẽ điều tra và xử lý nghiêm theo đúng quy định, quy trình, nhưng án kỷ luật mà hầu hết cá nhân sai phạm bị xử lý chỉ là khiển trách, cảnh cáo hoặc thuyên chuyển công tác (trừ những trường hợp bị truy tố trước pháp luật). Hình thức kỷ luật như bị cách chức hay cho thôi việc rất hiếm hoi đối với cán bộ công chức sai phạm.

Đó là vì việc kỷ luật cán bộ công chức viên chức căn cứ vào Luật cán bộ công chức, Luật viên chức và nghị định số 34/2011/NĐ - CP (quy định về xử lý kỷ luật công chức) và nghị định số 27/2012/NĐ - CP (quy định về xử lý kỷ luật viên chức). Trong Luật cán bộ công chức và Luật viên chức, phần quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức vi phạm quá sơ sài, chỉ đưa ra các hình thức kỷ luật mà không kèm theo nội dung vi phạm cụ thể, vì thế khi xét kỷ luật cán bộ công chức, viên chức phải dựa vào nghị định 34/2011/NĐ-CP và nghị định 27/2012/NĐ-CP.

Xem kỹ chi tiết hướng dẫn trong hai nghị định này thì thấy với hầu hết các lỗi vi phạm của cán bộ công chức, viên chức khi áp dụng theo hai nghị định này đều có thể chỉ bị xử lý khiển trách hoặc cảnh cáo, kể cả những vi phạm khá nặng như: sử dụng giấy tờ không hợp pháp để dự thi nâng ngạch, cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện, bị phạt tù cho hưởng án treo, vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng... (cảnh cáo); xác nhận giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện, sử dụng tài sản công trái pháp luật, vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng... (khiển trách). Với quy định như vậy, hầu hết các trường hợp cán bộ công chức, viên chức vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà chưa đủ bằng chứng để xử lý hình sự, hay truy tố trước pháp luật chỉ nhận hình thức kỷ luật khiển trách hay cảnh cáo cũng là điều dễ hiểu.

Cần sửa luật

Như vậy có thể nói chế tài của chúng ta đã có nhưng chưa đủ mạnh trong việc xử lý kỷ luật các sai phạm của cán bộ công chức, viên chức. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới bộ máy công quyền, khu vực hành chính công của nước ta vẫn còn trì trệ với thói quan liêu, vô trách nhiệm, tệ tham ô, tham nhũng... Các biện pháp chế tài kiểu “cảnh cáo”, “khiển trách” hay “thuyên chuyển công tác” sẽ chẳng là gì so với những lợi ích về vật chất, tiền bạc hay quyền lực mà các sai phạm mang lại khiến ngày càng nhiều người “nhúng chàm”. Ranh giới giữa cái xấu và cái tốt ngày càng mong manh khiến những người trong sạch, lương thiện cũng phải băn khoăn tự hỏi: mình như vậy có bất bình thường, có “khác người”, có “dại” quá không?

Để chấn chỉnh và giải quyết vấn nạn trên, cần nhiều biện pháp, giải pháp của Quốc hội, Chính phủ, trong đó việc chỉnh sửa, bổ sung Luật cán bộ công chức và Luật viên chức có vai trò rất quan trọng. Các hình thức xử lý vi phạm trong luật phải nghiêm khắc hơn và loại bỏ được khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, thoái hóa, biến chất. Hình thức kỷ luật nhẹ nhất nên là cảnh cáo. Luật cũng cần phải chi tiết hơn với những nội dung sai phạm cụ thể cho mỗi hình thức xử lý. Ban soạn thảo nên tham khảo những điều luật này ở các nước phát triển cũng như một số nước trong khu vực có quy định rất cụ thể và chi tiết về những chế tài xử lý vi phạm như Luật công chức của Thái Lan, Singapore. Luật công chức của Thái Lan quy định rõ năm mức kỷ luật khi có sai phạm, trong đó chỉ có một mức kỷ luật đầu tiên là cảnh cáo bằng văn bản. Các mức kỷ luật sau đó là chế tài cụ thể và tăng dần theo mức độ vi phạm, như giảm lương, hạ bậc thi đua, cho thôi việc, đuổi việc.

Tuy nhiên, để một đạo luật được chỉnh sửa và Quốc hội thông qua, cần những trình tự, thủ tục và thời gian nhất định. Vậy nên trước mắt, Chính phủ cần điều chỉnh những nội dung của nghị định 34/2011/NĐ-CP và nghị định 27/2012/NĐ-CP theo hướng cụ thể hơn và xử lý nghiêm khắc hơn các sai phạm của cán bộ, công chức viên chức, đặc biệt những sai phạm liên quan tới đạo đức nghề nghiệp và tham ô, tham nhũng.

NGUYỄN THỊ DUNG (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên