06/07/2012 06:06 GMT+7

Học để làm việc hay làm việc để học?

DIỆP VĂN SƠN
DIỆP VĂN SƠN

TT - Trong phiên họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 4-7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã phê bình việc chủ tịch UBND quận Hải Châu vi phạm chỉ thị 15 của Thành ủy Đà Nẵng về việc nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức đi học trong giờ hành chính.

oleZsfXs.jpgPhóng to
Một đợt thi tuyển công chức ngạch chuyên viên, ngành hành chính tổ chức tại Trường Cán bộ TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Bởi trong khi diễn ra kỳ họp HĐND thì ông chủ tịch quận này lại đang đi học. Theo ông Thanh, “ai muốn đi học trong giờ hành chính phải trả lại chức vụ để TP bổ nhiệm người khác”.

Hậu quả của quy trình ngược

Ở nhiều nước, nền công vụ của họ quy định công chức bắt buộc một năm phải đi cập nhật kiến thức 10 ngày, chỉ 10 ngày mà thôi. Chính phủ ta cũng quy định công chức mỗi năm được đi học 40 giờ nhưng không quy định tối đa là bao nhiêu! Chính vì thế mới có não trạng bỏ bê công việc, đi học tùy tiện để tân trang bằng cấp cho đủ tiêu chuẩn trong một nền công vụ quá đề cao bằng cấp mà không chú trọng thực chất.

Từ lâu, trong nhân dân thường so sánh một cách mỉa mai rằng muốn lái xe gắn máy trên 50 phân khối phải học, đi thi để có bằng lái, xe bốn chỗ có bằng lái xe bốn chỗ, xe tải có bằng lái xe tải, xe khách có bằng lái xe khách..., thế nhưng “lái chính quyền” các cấp nhiều khi không cần có bằng! Đó là hậu quả một quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ công chức ngược. Thay vì học hành đầy đủ, trang bị kiến thức, kinh nghiệm đầy đủ mới bổ nhiệm thì lại bổ nhiệm đề bạt trước.

Đối với loại cán bộ công chức này, họ có ba cách lựa chọn. Thứ nhất, mặc kệ cứ làm việc đến đâu hay đến đó, lo gì. Cách này không tránh khỏi những sai sót, vấp váp trong thi hành công vụ. Thứ hai, xếp việc cơ quan lại, tranh thủ đi học cho bằng chị bằng em. Cách này xem ra có vẻ tích cực nhưng phần thiệt thòi lại rơi vào công dân, tổ chức, doanh nghiệp có việc đến chốn công đường phải chờ đợi, được nghe trả lời “cán bộ bận đi học, lúc khác đến”. Thứ ba, bằng mọi cách chạy thầy, chạy bà, thậm chí cho cấp dưới học giúp, thi hộ... như nhiều trường hợp đã từng bị phát hiện, phanh phui. Cách này xem ra quá tiêu cực nhưng lại khá hấp dẫn với nhiều người. Ba cách ứng xử như vậy cuối cùng tựu trung lại, Nhà nước và nhân dân đều thiệt.

Vừa qua, một số địa phương trong chính sách nhân sự đòi hỏi công chức phải có bằng cấp cao để hợp thức hóa việc đề bạt, bổ nhiệm, vô hình trung làm bùng nổ vấn nạn mua bằng, bằng giả hay “học giả bằng thật”. Rất nhiều bằng cấp này được “tậu” thêm trong khi đang làm việc. Thật tình mà nói, các bằng cấp “tậu” thêm này nhiều khi chẳng gắn gì với nhiệm vụ đang thực thi. Thực trạng này đang là một tấm gương xấu cho thế hệ trẻ bắt chước, góp phần làm băng hoại truyền thống văn hiến của dân tộc, cản trở nỗ lực của sự nghiệp chấn hưng giáo dục nước nhà.

Phải đào tạo trước

Một trong những truyền thống văn hiến của nước ta là những người muốn ra làm quan phải được học bài bản và qua thi cử nghiêm túc. Nước ta ngay từ thế kỷ 11 đã tổ chức những cuộc thi để lấy người ra làm quan - vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ thấy rõ điều đó. Việc học tập thi cử để ra làm quan trở thành như một truyền thống có đến nghìn năm. Thậm chí ngay khi ở chiến khu Việt Bắc, trong thời kháng chiến chống Pháp với trăm ngàn gian khổ, thiếu thốn, vào năm 1950 Bác Hồ đã ký sắc lệnh 76 ban hành quy chế công chức Việt Nam. Thực hiện nghiêm chỉnh sắc lệnh này, tại chiến khu Việt Bắc lúc bấy giờ đã có những kỳ thi tuyển công chức rất bài bản.

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng, Chính phủ rất quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức để đủ sức quản lý xã hội, hội nhập, mở cửa phát triển đất nước, nhất là khi có pháp lệnh cán bộ, công chức (năm 1998), nghị quyết về tiêu chuẩn hóa cán bộ của Đảng, công việc này càng được quan tâm, xúc tiến tích cực và đi vào nề nếp. Tuy tiền của, công sức, số người được đào tạo nhiều, nhưng đi đến đâu cũng nghe nói “trình độ cán bộ công chức bất cập”. Có lẽ sự bất cập nằm ở khâu tổ chức đào tạo, giáo trình lạc hậu, đào tạo tràn lan trùng lắp, không gắn với công việc, không gắn với quy hoạch...

Để xây dựng cho được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt giỏi là nhân tố quan trọng, quyết định sự phát triển của nhiều địa phương, đòi hỏi phải thực hiện một quy trình thuận, đào tạo trước rồi mới nghĩ đến đề bạt bổ nhiệm, áp dụng thi tuyển cạnh tranh vào những chức danh lãnh đạo. Hơn 80 triệu dân Việt ta không lúc nào thiếu hiền tài có học sẵn sàng gánh vác việc nước.

DIỆP VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên