Có thể xem đây là tín hiệu lạc quan cho thấy sự thay đổi quan điểm của cơ quan nhà nước về vấn đề mại dâm. Từ xưa đến nay, xã hội và cộng đồng vẫn kỳ thị mại dâm bởi việc làm đó vốn trái với đạo đức truyền thống, những ai sử dụng “vốn tự có” để kiếm sống thường bị gán cho “nhãn xã hội” với các tên gọi khác nhau không lấy gì làm hay ho.
Quan niệm và cách ứng xử tiêu cực này của cộng đồng với nhóm mại dâm càng được củng cố khi cơ quan chức năng coi đó là một loại tệ nạn xã hội. Những phụ nữ làm nghề này khi bị các cơ quan chức năng bắt đều được đưa lên các trung tâm giáo dưỡng, phục hồi chức năng. Bộ LĐ-TB&XH có hẳn Cục Phòng chống tệ nạn xã hội và các cấp sở LĐ-TB&XH quản lý các trung tâm 05-06 (trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội).
Chính cách đối xử như vậy với nhóm mại dâm cùng nỗi sợ hãi bị bắt, bị kỳ thị khiến họ không dám tiếp cận với các dịch vụ dự phòng như xét nghiệm, hỗ trợ điều trị, cung cấp bao cao su. Điều này vô hình trung đẩy họ vào thế bị cô lập và cảm thấy bị khinh bỉ, đã đánh thức lòng tự ái, làm tăng sự chán đời của họ.
Các cô gái hành nghề này trở nên bất cần và nguy hiểm hơn, không ít người trong số họ có ý định trả thù cuộc đời, trở thành tác nhân gieo rắc rủi ro, nhân lên các trường hợp mắc bệnh lây qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS. Theo thống kê, tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS trong gái mại dâm đường phố ở Hải Phòng là 23%. Ở TP.HCM và Hà Nội, tỉ lệ này tương ứng là 20% và 16%.
Thay đổi cách nhìn về mại dâm sẽ góp phần giảm thiểu những nguy cơ về sức khỏe đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng. Khi giảm sự kỳ thị với người bán dâm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục, có hành vi tình dục an toàn.
Khi không coi mại dâm là tệ nạn xã hội, sự thay đổi quan điểm của Nhà nước cần được tuyên truyền sâu rộng để cộng đồng có sự nhận thức và ứng xử đúng với mại dâm. Theo chúng tôi, không chỉ mại dâm mà các hiện tượng khác như: nghiện hút, cờ bạc, nghiện rượu bia... cũng không nên xem là tệ nạn xã hội. Chỉ nên coi đó là “những vấn đề xã hội” cần giải quyết. Trên thế giới, rất hiếm tìm thấy quan điểm coi những vấn đề xã hội này là tệ nạn xã hội.
Tại hội nghị trên, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhìn nhận vấn đề này với quan điểm mới: “Thế giới kỵ việc gom chị em vào các trại tập trung cải tạo, bởi những biện pháp hành chính cưỡng bức chủ quan sẽ không có hiệu quả. Ngay ở Việt Nam, mọi người đã nhìn nhận người có HIV/AIDS với cái nhìn tích cực, khách quan hơn và với phụ nữ bán dâm cũng như vậy”.
Trong cuộc sống, những vấn đề xã hội luôn tồn tại và nó tăng hay giảm tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế - xã hội, năng lực quản lý xã hội ở những thời kỳ khác nhau. Điều này có thể thấy những vấn đề xã hội nói trên có mức độ nhiều hay ít giữa các vùng miền, địa phương.
Những vấn đề như mại dâm, cờ bạc, nghiện hút đã tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử nhân loại, như một quy luật cung - cầu, chẳng có quốc gia nào không có những vấn đề xã hội này. Cũng chưa có quốc gia nào giải quyết triệt để mại dâm, nghiện hút, cờ bạc. Vấn đề ở đây là cần có cách quản lý xã hội như thế nào để hạn chế sự gia tăng, phòng ngừa những tác động tiêu cực của những vấn đề xã hội. Có như vậy mới hi vọng ngăn chặn và giảm bớt các vấn đề xã hội trong quá trình phát triển với nhiều biến động.
Giúp sinh kế để sống, phát triển cùng cộng đồng Một điều quan trọng là chính sách phát triển kinh tế của các địa phương, các ngành cần quan tâm đến những nhóm người nói trên, giúp họ có những phương thức sinh kế để sống và phát triển cùng cộng đồng. Như trường hợp của nhóm Biển Xanh (TP Hạ Long, Quảng Ninh) có 67 thành viên nòng cốt, trước đó hầu hết đều là phụ nữ bán dâm. Sau ba năm tham gia sinh hoạt nhóm, được tuyên truyền kiến thức về bệnh xã hội, về HIV/AIDS, được khám sức khỏe định kỳ hằng năm, đã có 20 chị thôi nghề cũ. Một số người được vay vốn ổn định buôn bán nhỏ, chăn nuôi tại gia đình, mở tiệm may... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận