Thủ quân Kim Hồng chấn thương nặng
Điều thật đáng mừng là sau khi bài: “Nao lòng với ước mơ của Kim Hồng” chị đã nhận được tài trợ từ VFF, HFF và nhiều nhà hảo tâm. Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn với một số kinh nghiệm điều trị tôi có vài ý kiến sau:
- Chấn thương đứt dây chằng chéo trước (DCCT) là nỗi ám ảnh của cầu thủ trước đây, tuy nhiên với sự phát triển của nội soi khớp cũng như tiến bộ về vật liệu, phẫu thuật tái tạo DCCT đã đem lại tỉ lệ thành công rất cao.
Theo các nghiên cứu mới nhất trên thế giới tỉ lệ thành công lên đến 95%. Kết quả này là kết quả của cuộc phẫu thuật và quá trình tập luyện lâu dài với chương trình tập khắt khe để phục hồi tầm độ khớp (ROM), sức mạnh cơ bắp, phản xạ tự thân, sức bền như các bài tập: close chain (chuỗi đóng), open chain (chuỗi mở), isometric (đẳng trường), polymetric (phối hợp)... Cộng với một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, cầu thủ có thể trở lại thi đấu trong vòng 6-10 tháng.
- Chính vì vậy, trong giới chuyên môn khi nghe tỉ lệ thành công gần như chắc chắn (99%) mà một số nơi đã nêu ra, thậm chí ngay sau mổ thì đối với họ quả là đáng kinh ngạc. Con số này có đáng mừng không hay thật sự là một gánh nặng cho cầu thủ vì trách nhiệm “phải phục hồi” sau mổ?
Bao nhiêu phần trăm cầu thủ trên thế giới trở lại sân cỏ với phong độ 100% sau mổ tái tạo DCCT dù họ không thiếu tiền bạc và điều kiện? Sự kiện cầu thủ ngoài hành tinh Ronaldo chấn thương lại sau bốn tháng phẫu thuật năm 2000 vẫn còn là minh chứng điển hình trong lịch sử nền y học thể thao thế kỷ 21!
- Trở lại tình hình trong nước, phẫu thuật tái tạo DCCT qua nội soi hiện trong tầm tay của các phẫu thuật viên. Nhiều báo cáo và nghiên cứu cho thấy tỉ lệ thành công 90-95% với thời gian theo dõi trên một năm. Nhiều kỹ thuật phức tạp đã được thực hiện như tái tạo DCCT hai bó (double bundle), tái tạo phức hợp nhiều dây chằng cùng lúc...mà không phải BS nước ngoài nào cũng làm được.
Nhiều cầu thủ đã được phẫu thuật và trở lại thi đấu chuyên nghiệp, và ngược lại một số cầu thủ đã đi nước ngoài điều trị hoặc được bác sĩ nước ngoài phẫu thuật nhưng vẫn không chơi bóng trở lại được (do tính chất cá nhân nên không tiện nêu tên). Nói như vậy không phải để biện minh những sai sót trong điều trị, bất cập trong quản lý và thiếu chuyên nghiệp trong phục vụ hiện đang làm mất lòng tin đối với người chơi thể thao trong nước đang cần phải khắc phục.
- Để chữa trị một tài năng như Kim Hồng thì xã hội không ngại tốn kém, chỉ mong sao cho Kim Hồng trở lại sân cỏ được. Nhưng nhìn lại biết bao cầu thủ khác không được may mắn như vậy số phận của họ sẽ ra sao nếu bị chấn thương?
Với một tỉ lệ chấn thương DCCT rất cao trong thể thao (0,063 tổn thương/1.000 giờ thi đấu, hay 60,9/100.000 dân số mỗi năm) thì con số phải phẫu thuật không nhỏ. Do đó cần một cách làm khác dựa vào nội lực là chính, không thể cứ mãi lệ thuộc vào ngoại lực và tốn kém một cách quá mức như hiện nay.
Mong rằng phẫu thuật DCCT không còn là “ước mơ nao lòng” như trường hợp Kim Hồng mà là một chuyện bình thường trong tầm tay mọi vận động viên với nghiệp cầu thủ để mưu sinh nhưng cũng là tài năng đang cống hiến cho nền thể thao VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận