Phóng to |
“Bán lúa non” người mẫu nhíXem bản tin tiếng Anh
“Hành nghề” đúng với lứa tuổi
Ở lứa tuổi thiếu niên mà làm người mẫu, các em thường chưa ý thức được hoàn toàn những gì mình đang làm. Cộng với khả năng tự chủ kém, trẻ dễ rơi vào một số trường hợp sau:
Một là, các em dễ ảo tưởng về vị trí của bản thân, nghĩ rằng mình đã lớn và có đẳng cấp. Do đó dễ cư xử lệch lạc, xem nhẹ việc học và dễ mất đi động lực hoàn thiện nhân cách bản thân.
Hai là, các em đang ở giai đoạn định hình giới tính. Sự phô bày cơ thể trước nhiều người làm các em mất đi sự e ấp, ngượng ngùng tự nhiên của lứa tuổi, vốn là “rào cản” an toàn giúp những đứa trẻ đang lớn ý thức việc bảo vệ cơ thể và phẩm giá giới tính của mình sau này.
Ba là, những “tai nạn nghề nghiệp” (mà ngay cả những người mẫu có nghề cũng gặp như cơm bữa) rất dễ ám những vết đen khó phai trong tâm hồn và nhân cách mới hình thành của con trẻ. Nếu nghiêm trọng, đứa trẻ dễ trở nên trầm cảm hoặc trở nên chai lì trước những xìcăngđan mà cả hai điều này đều không tốt.
Con đường người mẫu không xấu, xấu hay không là ở cách mà mỗi người đi trên con đường ấy. Trong trường hợp này, trách nhiệm không phải thuộc về các em mà thuộc về những “người cầm cương”, những người đưa trẻ vào và dẫn dắt trẻ trong nghề.
Nên nhớ các em vẫn còn ở lứa tuổi học sinh, việc học hành để có nhân cách phát triển toàn diện vẫn là nhiệm vụ hàng đầu, cần đầu tư quỹ thời gian và tâm trí xứng đáng. Song song đó, cần cho các em “hành nghề” đúng với độ tuổi của mình từ trang phục cũng như phong cách trình diễn phù hợp với tâm lý của tuổi mới lớn, tránh bắt các em “chín ép”.
Đặc biệt, vì các em chưa hoàn toàn tự chủ, do đó cha mẹ phải là người giúp trẻ điều tiết giữa việc học và việc nghề, cũng như phải là người bảo vệ con trước những cám dỗ và động cơ lợi dụng những người mẫu trẻ vì mục đích vụ lợi mà các em chưa đủ sức nhận ra và tự vệ.
Riêng những lò đào tạo và sử dụng người mẫu trẻ em, cần dạy cho trẻ biết trân trọng giá trị tốt đẹp của nghề, cũng như dạy cách giữ mình trước những nguy cơ tiềm ẩn và những nguy cơ do hào quang thành công sớm mang lại. Đồng thời phải chịu trách nhiệm trước bất cứ “tai nạn nghề nghiệp” nào xảy đến cho những thiên thần áo trắng của xã hội chúng ta.
* Có khắt khe quá không? Nếu lấy một “tai nạn” trong một buổi diễn để lên án thì quá khắt khe với các tài năng trẻ. Không lẽ chỉ vì một tai nạn như vậy mà cấm tất cả các em nhỏ thể hiện tài năng của mình như ca hát, biểu diễn... Ngay cả các diễn viên người lớn đôi khi cũng có những sơ suất nhất định, vì thế nên có cái nhìn rộng mở hơn và tạo điều kiện cho các em thể hiện tài năng của mình một cách trọn vẹn.Nguyen Nam (namnh2901@...) * Coi chừng ân hận về sau Hãy để các cháu hồn nhiên, trong sáng, tự chọn con đường vào nơi nổi tiếng nhanh thì hậu quả sẽ vậy thôi. Tôi thấy em B.T. xinh đẹp thật, nhưng nếu gia đình em không đồng ý con mình vào con đường người mẫu thì em có bị tai tiếng như thế không (như việc lộ ảnh sexy)... Hãy để con trẻ vui đùa hồn nhiên, học tập, đừng đưa cháu vào chốn nhạy cảm thế kia, cuối cùng phải “bán lúa non”, gia đình sẽ ân hận lắm. Ngô Tấn Thủy Tiên (ngotanthuytien@...) * Đừng để cô bé bị tổn thương Lên các trang báo mạng nhìn hình em ấy mình vừa buồn, vừa giận mà vừa thương, vì dường như tuổi thơ của cô bé ấy bị đánh cắp. Không chỉ lỗi của những người gây ra mà còn chính gia đình cô bé ấy nên nhìn lại, đừng để sau này còn có những việc lớn hơn để cô bé lại tổn thương. M.L. (loncon_ankem9493@...) * Sợ các em kiệt sức và tàn lụi sớm Sự cố này một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh. Mong các vị hãy tỉnh táo hơn nữa để tìm hướng đi đúng cho con em mình, đừng để việc kiếm tiền sớm giết chết tuổi thơ và tương lai của các em. Nếu có tài năng thật sự thì việc giáo dục đúng hướng sẽ giúp tài năng của các em tỏa sáng nhiều hơn và lâu dài hơn. Ngược lại, nếu tài năng của các em không được bồi dưỡng mà còn bị khai thác tối đa từ tuổi quá nhỏ sẽ làm các em kiệt sức và tàn lụi sớm. Trang Nguyễn (emnoemnai@...) |
ThS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU (khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM) - V.T.B. ghi
_______________________
Rủi ro về sức khỏe
Là người công tác trong lĩnh vực y khoa, tôi xin phân tích một số nguy cơ về sức khỏe khi bước lên sàn diễn ở tuổi vị thành niên.
1. Tâm thần: Học hành có thể sa sút vì tinh thần căng thẳng do gò ép luyện tập và không có nhiều thời gian. Hậu quả là trẻ dễ chán nản, xa lánh bạn bè, nặng hơn là tự kỷ hay trầm cảm; căng thẳng và áp lực kéo dài, trẻ thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, nóng nảy...; khi thất bại hoặc gặp sự cố trong lúc biểu diễn (và bị tung hình ảnh lên mạng), trẻ có thể bị sốc, hoảng sợ...
2. Sức khỏe: Da mặt ảnh hưởng nhiều dưới lớp phấn son, tiềm tàng một số bệnh lý về da sau này; tác hại của việc dùng giày cao gót thường xuyên như dễ vấp ngã gây chấn thương. Khi dùng giày cao gót 3cm, trọng lực dồn đến các đầu ngón chân, một thời gian hiện tượng phồng rộp sẽ xuất hiện gây đau, các ngón chân chai sần biến dạng. Mạch máu ở các ngón chân bị ảnh hưởng, thiếu máu nuôi. Về lâu dài, các ngón chân cụp xuống, dễ có tình trạng móng chân mọc ngược vào trong da, gây nấm móng.
Để giữ thăng bằng, lưng phải ưỡn ngược ra sau, các cơ cạnh sống lưng căng bất thường làm đau lưng. Đến một giới hạn, hình dáng cột sống thay đổi, các đốt sống gây chèn ép hai mạch máu cột sống. Phần sau của não thiếu máu nuôi, dễ bị tình trạng hoa mắt, chóng mặt.
Khớp gối cũng bị ảnh hưởng bởi trọng lực cơ thể, gây viêm hoặc thoái hóa; cơ bắp chân to ra, dẫn đến hiện tượng chuột rút; hai bàn chân phù nề do tư thế hoặc suy giãn các tĩnh mạch, tạo huyết khối gây tắc nghẽn mạch.
Ngoài ra, khung chậu nhỏ lại và nghiêng theo dáng đi, ảnh hưởng vấn đề sinh nở sau này. Thiếu máu nuôi vùng khung chậu (tiểu khung), gây lãnh cảm khi lập gia đình.
BS NGUYỄN QUANG VY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận