Phóng to |
Bạn đọc Phương Trinh - Ảnh: Minh Trang |
TT vẫn là người bạn đồng hành thân thiết của tôi suốt quãng đời sinh viên. Dạo ấy tôi rất thích những bài phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, nay là Tuổi Trẻ Cuối Tuần, giấy đen thui và chưa có bìa màu như bây giờ.
Năm 1989, tôi lập gia đình và chuyển về miền Tây sinh sống. Khi ấy nơi tôi ở chưa có điện, đêm đêm vẫn phải đốt ngọn đèn dầu leo lét, cả xóm chỉ vài đứa học sinh đang học cấp ba, người lớn tuổi mù chữ nhiều hơn biết chữ. Tôi đặt mua TT ngày, Tuổi Trẻ Chủ Nhật và Tuổi Trẻ Cười ở bưu điện huyện, mới biết mình là trường hợp hiếm hoi đặt mua TT. TT đã làm tôi vơi bớt nỗi nhớ thành phố thân yêu của tôi, cho tôi thấy mình không bị lạc hậu với thời cuộc dù sinh sống ở nơi vùng sâu vùng xa nghèo nàn, hẻo lánh.
Nói dài dòng như vậy để thấy rằng “mối tình” của tôi với báo TT rất lâu dài và sâu đậm.
Từ khi về nông thôn sống như người nông dân, tôi mới thấy TT ít viết về những vấn đề của nông dân, mà nếu có viết cũng hời hợt và đôi khi chưa chính xác. Vì “mối tình” với TT nên tôi hay viết thư cho báo để bày tỏ ý kiến này nọ nhưng thường không được hồi đáp. Tôi nhớ kỹ rằng năm nào báo TT cũng đưa tin “Lúa được mùa, rớt giá”, kêu khổ cho nông dân và kết luận (đại ý) nếu các cấp hữu trách có chính sách tốt hơn để lúa “được mùa được giá” thì nông dân sẽ có thể... giàu.
Tôi đã gởi những bài viết có số liệu chứng minh giả sử nhờ chính sách gì đó mà giá lúa có tăng gấp đôi (ở thời điểm đang xét) thì nông dân cũng không thể thoát kiếp nghèo, bởi vì cái nghèo của người nông dân trồng lúa là do rất nhiều nguyên nhân chứ không chỉ riêng do giá lúa.
Khoảng năm 2000, trên báo chí và phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về “lũ lụt” ở miền Tây và đề ra các biện pháp “sống chung với lũ”. Báo TT cũng có bài viết về “mùa lũ”.
Tôi với tư cách là người ở “vùng lũ” viết một bài dài, phản đối việc dùng từ “mùa lũ” để gọi mùa nước nổi hiền hòa ở miền Tây. Mùa nước nổi kéo dài chừng bốn tháng, nước lên rất từ từ, mỗi ngày dâng lên chừng vài phân, lúc nhiều nhất cũng chỉ một tấc nước, hai ba tháng nước mới dâng tới mức cao nhất thì làm gì có chuyện “chạy lũ”.
Tôi viết rằng dân miền Tây từ xưa tới giờ vẫn sống thuận theo tự nhiên, vui vẻ thoải mái trong mùa nước nổi, thậm chí lúc đó họ còn kiếm được nhiều tiền hơn nhờ nguồn lợi thủy sản. Họ đã biết cất nhà sàn để đối phó với mùa nước nổi từ thuở “mang gươm đi mở cõi” chứ không phải tới bây giờ mới lo tìm cách “sống chung với lũ”, và ngôi nhà tôi đang ở cũng là nhà sàn, hơn 30 năm nay chưa từng bị ngập nước dù trải qua nhiều năm nước lớn như năm 2000.
Tôi viết rằng những người năm nào cũng “chạy lũ” là những người nghèo không tấc đất cắm dùi, nhà cửa tạm bợ. Họ phải “chạy lũ” mỗi năm là vì nghèo, và nếu không giúp họ thoát nghèo thì có xây bao nhiêu cụm tuyến dân cư vượt lũ cũng không giải quyết được vấn đề. Bài viết này tuy không được hồi đáp nhưng tết năm đó (2002) tôi rất vui vì nhận được một thiệp chúc tết của TT, thì ra “mối tình” của mình cũng không đến nỗi là “tình đơn phương”.
Nhiều lần tôi viết bài về nông dân, như hồi đầu năm 2009 nhân có đề án “Đào tạo nông dân chất lượng cao” của Bộ NN&PTNT, tôi băn khoăn: “Nông dân nghèo không phải vì họ “chất lượng thấp”. Cho một anh kỹ sư trồng trọt đi về làm ruộng mà anh ấy làm giàu được mới là chuyện lạ. Cho dù anh ấy là nhà giàu, có 10 công ruộng (diện tích ruộng bình quân của người làm nông ở tỉnh tôi là 1,5 công/người), anh ấy nuôi vợ con không đói rách là may. Đào tạo người nông dân chất lượng cao có thể bằng được người kỹ sư nông nghiệp hay không, trong khi đội ngũ kỹ sư có sẵn thì ngành nông nghiệp không biết tận dụng, sử dụng sai chỗ, không hiệu quả...”. Bài viết rồi tôi giữ lại làm kỷ niệm, vì không gởi cho TT thì tôi cũng chẳng có ý định gởi cho báo khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận