16/04/2008 01:53 GMT+7

"Bánh giầy" hay "bánh dầy"?

H.HG.
H.HG.

TT - Nhiều bạn đọc cho rằng báo Tuổi Trẻ dùng từ "bánh giầy" (trong bài viết "Bánh chưng, bánh giầy khổng lồ về đền Hùng", Tuổi Trẻ ngày 15-4) là sai, phải viết "bánh dầy" mới đúng.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Chúng tôi đã liên hệ với nhà ngôn ngữ học Trần Chút (phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến), ông cho biết: "Bánh giầy" là từ biến âm của tiếng Việt cổ "bánh chì” ngày xưa (xưa: "ch" thì sau này biến thành "gi", xưa: âm "i" thì sau này biến thành "ây", ví dụ như: chường Ý giường, bên ni Ý bên nầy). Vì thế, viết "bánh giầy" là chính xác. Cũng nên nói thêm là tiếng Việt ta phát âm "d" và "gi" không khác nhau nên một số người nhầm lẫn "dầy" tức là dày, mỏng nên mới viết là "bánh dầy". Tuy nhiên, theo qui tắc chính tả tiếng Việt hiện tại, viết "bánh giầy" là chuẩn xác nhất.

GS.TS Nguyễn Đức Dân (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng khẳng định: "Dùng từ "bánh giầy" là đúng như hướng dẫn của từ điển tiếng Việt".

Chúng tôi cũng đã tham khảo một số từ điển tiếng Việt. Theo Từ điển tiếng Việt tường giải và liên tưởng của tác giả Nguyễn Văn Đạm, NXB Văn Hóa - Thông Tin, thì bánh giầy nghĩa là: bánh làm bằng xôi giã thật mịn. Từ điển tiếng Việt của tác giả Minh Tân - Thanh Nghị - Xuân Lãm, NXB Thanh Hóa: "Bánh giầy: bánh làm bằng xôi giã thật mịn, nặn thành hình tròn, dẹt, có khi có nhân đậu xanh".

Đại từ điển tiếng Việt của tác giả Nguyễn Như Ý, NXB Văn Hóa - Thông Tin cũng giải thích: "Bánh giầy là bánh có hình tròn khum khum, màu trắng, rất dẻo, mịn mặt, làm bằng xôi trắng giã nhuyễn, khi ăn cặp với giò chả...".

H.HG.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên