26/08/2010 11:36 GMT+7

Tiếng Việt trên nhiều bài báo cũng đang khá "lạ"

NGHĨA KB (Đại học Erasmus Rotterdam - Hà Lan)
NGHĨA KB (Đại học Erasmus Rotterdam - Hà Lan)

TTO - Thời gian gần đây, báo chí đã đề cập rất nhiều đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nổi cộm là những đoạn văn “ngu ngơ”, lủng củng của các sĩ tử và ngôn ngữ “chat” hết sức “đặc biệt” của các em trong độ tuổi mới lớn.

RhtQSujs.jpgPhóng to
Ảnh chỉ mang tính minh họa - Ảnh: M.C

Thế nhưng, ngay chính lối viết của một số bài báo cũng thiếu sự trong sáng của tiếng Việt, nhất là trong những bài báo được dịch từ các bài báo nước ngoài.

Đọc những bài viết này, độc giả có thể nhận thấy một thứ tiếng Việt rất lạ và tối nghĩa. Đó là kết quả của cách dịch ngô nghê, thiếu cẩn thận. Hiện tượng này ảnh hưởng không nhỏ đến việc giữ gìn cái hay, cái đẹp và cả “cái thần” của tiếng Việt.

Theo kiến thức chủ quan của mình, tôi xin được góp ý một số lỗi thường gặp:

1. Lỗi sử dụng các câu bị động: các câu dạng bị động thường được sử dụng rất thường xuyên trong tiếng Anh - nhất là khi chủ thể của hành động không cần được nhắc tới. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, các câu dạng chủ động phổ biến hơn. Vì thế việc dịch quá sát nghĩa sẽ làm cho câu văn rất chói tai và tối nghĩa.

Trong những ngày đầu, đất đai ở miền trung Brasilia, nay là một địa điểm được Unesco công nhận là di sản thế giới, bắt buộc phải mua và được giao cho các bộ của chính phủ.” [1]

“Không có hành động nào được thực thi cho tới ngày 10 của tháng này, khi quan tài được quật lên để chuyển tới khu chôn cất của gia đình tại hạt Henderson” [2]

“Không có con phố nào là ít được đi ở khu vực này” [3]

2. Lỗi sử dụng giới từ

Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tìm ra một con gà Lôi Lam, hiện đang nằm vào sách đỏ của thế giới” [4]

3. Lỗi sử dụng từ:

“Sau gần 10 ngày rực sáng tại Sân vận động Trung tâm Lào, lúc 19 giờ 10 phút tối nay (18.12), ngọn lửa SEA Games 25 - ngọn lửa của tinh thần thể thao Olympic, của tình hữu nghị các nước Đông Nam Á - đã chính thức khép lại, đánh dấu một mùa đại hội thể thao khu vực đầy thành công” [5]

Trong tiếng Việt, cách nói “ngọn lửa chính thức khép lại” là cách nói không chuẩn.

“Họ đã thể hiện lòng dùng cảm cao độ khi định xông lên. Xe rất đông người và chỉ có một đường đi ở giữa. Nhưng một khi bạn đã lên xe, không có gì ngạc nhiên nếu bạn bị bắn. Đội xông lên như thế phải là những người rất đặc biệt, được đào tạo đặc biệt và được tuyển chọn vì đức tính dũng cảm, quyết đoán, cộng với sự hiếu chiến. Trong trường hợp này, họ lại hành động như 99% dân chúng làm, đó là quay đầu trở ra. Họ có vẻ như không có sự quyết đoán, hiếu thắng cần thiết để theo vụ việc đến cùng” [6]

“Hiếu chiến” và “hiếu thắng” ở đây mang nghĩa tiêu cực. Liệu một người hiếu chiến và hiếu thắng sẽ được chọn vào “đội xông lên”? Hơn nữa, độc giả sẽ ngạc nhiên vì cách dịch “đội xông lên” của người viết.

“Bẻ khóa điện thoại nội: 'Đơn giản như...đan rổ'” [7]

Cách so sánh này rất khập khiễng. Trước giờ chưa ai nghĩ việc “đan rổ” là chuyện đơn giản cả.

4. Lỗi diễn đạt

“Với 56.500 foot vuông, chưa tính gác mái, căn nhà quá rộng tới mức Candy Spelling không chắc là nó có bao nhiêu phòng” [8]

Quy tắc luôn phải là nếu trong quá trình đàm phán, có một cơ hội nổi lên để chấm dứt tình hình, phải chớp ngay lấy”, ông Shoebridge nói (…) Charles Shoebridge nói. “Một lời hứa được đưa ra vì sức ép không phải là một lời hứa mà bạn cần phải bảo toàn danh dự” [6]

“Quy chế mới, thể lệ mới. Nội quy mới lần đầu quy định cho thí sinh từ vòng thi sơ khảo khu vực, chặt chẽ nghiêm ngặt cho cả thí sinh và liên quan giám khảo. Nội quy thí sinh phục vụ kết quả khảo thí (…) Thời điểm kỷ niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội gợi nguồn cảm hứng cho cuộc thi qua chủ đề Nghìn năm hương sắc. Vừa bản sắc vừa hiện đại trong con người phụ nữ và cảnh sắc quê hương” [9]

Độc giả rất khó hiểu thông tin người viết (hay người dịch) các câu trên muốn truyền tải.

“Giáo viên và các quản lý trường học cho biết trong cuộc phỏng vấn rằng: Ricks đến nhờ sự giới thiệu và một hồ sơ không có vết nhơ. Tuy nhiên, một số cho biết riêng họ đã lo ngại về sự gần gũi của ông với học sinh và có tin đồn về sự lạm dụng, nhưng họ cảm thấy bất lực để làm bất cứ điều gì” [7]

Tiếng Việt chưa từng có một chức danh nào là “quản lý trường học”, và cách nói “cảm thấy bất lực để làm bất cứ điều gì” cũng không phải là cách nói của người Việt.

“Tuy nhiên, nếu Tây Tạng là một Đài Loan mới, thì vấn đề trên đòi hỏi chiến lược ngoại giao cực khéo léo. Phương Tây thường đánh giá thấp sự sẵn sàng chống lại phong trào độc lập nào ở Đài Loan của Trung Quốc, nhưng thực tế, nước này đã phóng tên lửa cảnh báo như trong năm 1996, và điều tương tự giờ đây cũng có thể xảy ra ở Tây Tạng”

“…Nhưng Ấn Độ cần thận trọng để không hành động quá đáng: nước này coi là báo động với hàng chục nghìn lính Trung Quốc được triển khai ở biên giới kể từ cuộc bạo động Lhasa năm 2008, nhưng hầu hết những động thái này là nhằm đòi lại quyền kiểm soát Tây Tạng. Tiến sĩ Taylor Fravel, chuyên gia MIT về tranh chấp biên giới Trung - Ấn, cho hay, nhiều lính Trung Quốc được triển khai tại Tây Tạng là lực lượng an ninh bên trong, thiếu vũ trang hạng nặng hay pháo binh, cho thấy nó không đe dọa Ấn Độ như cánh diều hâu tại Ấn Độ vẫn nghĩ” [10]

Các cụm danh từ, câu phức thường được sử dụng rất nhiều trong tiếng Anh. Vì thế, nếu không khéo léo, người dịch có thể tạo ra một thứ tiếng Việt rất khó hiểu.

5. Lạm dụng tiếng Anh, độc giả không khỏi khó chịu khi đọc một bài báo với “lổn nhổn” từ tiếng Anh trộn với tiếng Việt.

“Khi hỏi muốn unlock điện thoại nội tại một số cửa hàng ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), đa số các chủ cửa hàng đều yêu cầu để máy lại (…) Muốn bẻ khóa phải có account của hãng mới can thiệp được (…) Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu thì thật khó, bởi hacker cũng sẽ có đủ "ngón nghề, giải pháp" để đối phó” [11]

__________

[1] Báo Dân Trí: http://dantri.com.vn/c36/s36-359851/iran-va-ke-hoach-chuyen-thu-do-ra-khoi-tehran.htm[2] Báo VietnamNet: http://www.vietnamnet.vn/thegioi/201002/Rung-ron-nhung-vu-chon-song-nguoi-893844/[3] Báo VnExpress: http://vnexpress.net/GL/The-gioi/Nguoi-Viet-5-chau/2010/07/3BA1E463/?p=3[4] Báo Dân Trí: http://dantri.com.vn/c20/s20-367271/phat-hien-ga-loi-lam-trong-sach-do-the-gioi.htm[5] Báo Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/thethao/Pages/200951/20091218194421.aspx[6] Báo Dân Trí: http://dantri.com.vn/c36/s36-417968/10-sai-lam-dan-den-vu-giai-cuu-con-tin-dam-mau-cua-philippines.htm[7] Báo VietnamNet http://203.162.35.99/cntt/200910/Be-khoa-dien-thoai-noi-Don-gian-nhu-dang-gion-876201/[8] Báo VietnamNet: http://vietnamnet.vn/kinhte/201004/Rao-ban-ngoi-nha-dat-nhat-the-gioi-gia-150-trieu-USD-906763/[9] Báo VietnamNet: http://vietnamnet.vn/thegioi/200910/Trung-Quoc-muon-kim-chan-An-Do-873902/[10] Báo Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/Page/PrintView.aspx?ArticleID=508608[11] Báo VietnamNet: http://vietnamnet.vn/giaoduc/201008/Thay-giao-lam-dung-tinh-duc-be-trai-suot-30-nam-926768/

NGHĨA KB (Đại học Erasmus Rotterdam - Hà Lan)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên