11/08/2010 08:28 GMT+7

Ba vợ tôi trúng số độc đắc

NHẬT VINH (Q.10, TP.HCM)
NHẬT VINH (Q.10, TP.HCM)

TT - Loạt bài “Trúng số độc đắc đời bạn ra sao?”, ngoài luồng ý kiến thông cảm với những cảnh ngộ của nhân vật, cũng có nhiều ý kiến chia sẻ về cách xử lý đồng tiền trong cơ may trúng số. Xin giới thiệu ý kiến dưới đây.

Ba và mẹ của vợ tôi ở miền Tây, nhà hai bên đều nghèo. Ông bà sống trong một căn nhà ván dừa, mái lá, tài sản lớn nhất là chiếc xe Honda Dame mua từ trước giải phóng và bảy công vườn dừa. Mỗi tuần, ông mua chơi vài tờ vé số, mỗi lần mua một vé nhưng chưa bao giờ trúng.

Hôm đó ông ra chợ xã uống cà phê, cậu bé bán vé số năn nỉ hoài, ông mua năm tờ. Chiều tối cậu bé bán vé số chạy vào: “Chú Tư có nhà hôn? Vé số con bán cho chú trúng độc đắc rồi”. Ông nghe mừng quá, luýnh quýnh cả hồi không nhớ mấy tờ vé số cất ở đâu. Chừng nhớ ra thì nó đã nằm trong chậu, mẹ vợ tôi gom đồ giặt, may là chưa giặt.

Cả đêm ông nôn nao không ngủ được, gọi điện lên cho vợ chồng tôi. 250 triệu đồng mười năm trước là số tiền rất lớn, có thể mua 40 lượng vàng. Ông nghĩ sẽ mua xe mới, máy tính cho hai thằng em (thời đó máy tính đắt kinh khủng, xe cũng thế) và xây căn nhà chừng trăm triệu, số còn lại cho vợ chồng tôi lấy vốn làm ăn...

Sáng hôm sau ông đón chuyến xe đò đầu tiên lên Sài Gòn, cả hai cậu em vợ đi theo... bảo vệ. Tôi vừa mừng vừa lo, nói với ông trước mắt tạm gửi ngân hàng, sau đó trích ra mua đất và xây lại căn nhà đang ở. Còn nhu cầu của hai đứa em, trước mắt chỉ mua xe cho thằng lớn đi làm ở quê.

Hôm sau, mấy cha con lên Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM, sau khi trừ thuế còn được 225 triệu đồng, tôi kêu xe qua ngân hàng mở một sổ tiết kiệm mang tên ông, làm thủ tục gửi 200 triệu. Số còn lại ông mang về mua xe cho thằng em vợ, gửi chiếc Dame cà tàng lên cho thằng út đi làm, mua một tấn gạo giúp bà con nghèo trong ấp và khao xóm giềng một bữa, hỗ trợ mấy cô, mấy dì khó khăn mỗi người 1 triệu đồng.

Mẹ vợ tôi thích coi cải lương còn ông thích coi thời sự. Tôi dành tiền tặng ông chiếc tivi. Tôi nói với ông là con biết ba mẹ mua được nhưng sợ thằng út nó còn trẻ. Con muốn nhà mình giữ đúng nhịp sống như trước ngày trúng số.

Mấy tháng sau, ba mẹ vợ tôi lấy ra 100 triệu mua ba nền nhà trên thị trấn. Rồi ông xây nhà. Làm nhà xong, ba mẹ vợ tôi phấn khởi thấy rõ. Thằng em vợ lúc này công việc cũng ổn định, đi làm gần nhà, thời gian rảnh có thể phụ chăm sóc vườn tược. Ba mẹ vợ tôi rút hết số tiền còn lại mua thêm mấy công vườn. Huê lợi đủ cho ông bà sống khỏe mà không nhờ đến con cái.

Năm sau nữa, thằng em út của vợ tôi thi vào ĐH, giờ đã ra trường, có việc làm ổn định ở một cơ quan trên quận và sắp cưới vợ. Ba vợ tôi nói ba nền nhà mua dạo nào giờ có người trả giá gấp mấy lần nhưng ông chưa bán mà để cho ba đứa con, cả khu vườn của ông bà sau này sẽ chia cho cả ba.

Tôi bàn với vợ và hai đứa em rồi thưa với ông: Thằng em kế ở cùng và chăm sóc ba mẹ nên để ngôi nhà và khu vườn cho nó. Còn thằng út làm việc ở thành phố, khi nào nó sắp lấy vợ thì ba mẹ bán đi ba cái nền, vợ chồng con sẽ phụ thêm mua một nền nhà trên này cho nó có chỗ ở ổn định. Tụi con tự lo được nên sẽ không lấy gì cả.

Giờ nghĩ lại tôi thấy vợ chồng tôi đã hành xử đúng. Giả sử ngày đó mua sắm tivi, xe máy, phương tiện sinh hoạt, cho tiền con cái thì số tiền ấy trước sau cũng hết. Chưa kể việc thay đổi cung cách sinh hoạt do bất ngờ có một số tiền lớn có thể sinh ra quán tính tiêu tiền mà không cảm nhận được kết tinh lao động trong đó, có khi còn hư người.

NHẬT VINH (Q.10, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên