Trước đó đã có vụ chìm đò ở Chôm Lôm, Nghệ An. Trước đó nữa có vụ chìm đò ở Nông Sơn, Quảng Nam. Trước đó nữa...
Sống bên sông, mơ ước của con người bao giờ cũng là những cây cầu. TTO xin đăng tải một số trong rất nhiều ý kiến đã được bạn đọc gửi đến trong ngày Tết Nguyên Đán này. Phút giao thừa, ngày đầu năm, đã có rất nhiều người dành điều mong ước của mình cho đồng bào: một cây cầu cho bà con Quảng Hải (Quảng Trạch, Quảng Bình), như đã từng có cầu Nông Sơn, cầu Chôm Lôm.
Và nhiều cây cầu khác cho hàng triệu những người khác đang mỗi ngày phải lênh đênh trên những con đò, để những cây cầu không phải mọc lên sau một thảm kịch.
Quảng Bình: Tang thương ngày cuối năm
Phóng to |
Chiếc đò bị chìm được vớt lên. Nó chỉ được phép chở 12 người thì đã chở 80 người -Ảnh: Quang Tám |
* Hơn 40 người đã ra đi trong ngày cuối năm tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, bỏ lại sau lưng những người chồng, người cha những đứa trẻ còn thơ dại, đau lòng hơn ngoài những người đã mất nêu trên còn có những đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ! Thật đau thương, một thảm họa không thể lường trước được. Lỗi này do ai! có thể nói là rất nhiều người, trong đó kể cả những người đã mất.
+ Lỗi đầu tiên là do người chủ đò đã quá tham chở nặng đến không thể tưởng tượng được, thuyền chỉ được phép chở 12 người thế mà đã chở đến 80 người.
+ Lỗi thứ hai là do người đi đò. Thấy đò đã chở người vượt quá mức qui định, đò ngấp nghé chìm điều đó mọi người đi đò đều thấy, nhưng vì vội vàng cho ngày cuối năm họ đã vô tình đưa chính mình đến cái chết.
+ Lỗi thứ ba là do chính quyền ở địa phương. Thuyền qui định chở 12 người mà chỉ có 6 chiếc phao là như thế nào, hơn nữa thuyền chỉ chở 12 người nhưng chở đến hơn 80 người, nhất vào thời điểm này. Chính quyền địa phương đã không kiểm tra nhắc nhở chủ đò và có kế hoạch giúp đỡ nhân dân vào cuối năm.
+ Lỗi thứ tư là các các ngành cấp trên từ huyện, tỉnh đến trung ương. Một cây cầu bắc qua sông để giúp cho bao con người khỏi phải đi qua đò nguy hiểm mà bao năm nay không làm nổi. Trên đất nước ta không phải chỉ có xã Quảng Hải mà không biết còn bao nhiêu nơi người dân đang buộc phải coi nhẹ sinh mạng mình mỗi ngày như thế nữa.
Tôi, một người dân quê hương Bến Tre, cách nay mấy ngày vừa mừng rơi nước mắt vì quê hương mình đã có cây cầu Rạch Miễu bắt qua sông Tiền nối một tỉnh đảo chúng tôi với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thoát khỏi cảnh thường xuyên kẹt phà hằng mấy giờ liền mỗi khi về quê. Hôm nay tôi lại phải rơi nước mắt xót thương cho những người dân Quảng Hải , Mọi người ơi nhất là những người có trách nhiệm từ trung ương đến địa phương đừng để cảnh tại Quảng Hải xảy ra nữa. Thật đau xót!
* Một thảm họa quá lớn không chỉ là niềm tiếc thương riêng của tỉnh Quảng Bình mà toàn thể nhân dân trong nước. Mong mọi người hãy đoàn kết, với tinh thần tương thân tương ái chia sẻ nỗi đau mất mát của những người dân xã Quảng Hải - Quảng Bình.
Phóng to |
Người dân Quảng Hải tập trung bên bờ sông trông ngóng tin tức người thân - Ảnh: Lưu Trang |
* Một cái Tết đầy tang thương cho thân nhân những người tử nạn. Cần lắm, một chiếc cầu của lòng nhân ái.
Về nơi nắng gió xa xôi/ Ba mươi, tháng chạp, than ôi kiếp nghèo/ Sáng ni vừa mới nhổ neo/ Bốn mươi số phận, chìm theo con đò/ Các em, các mệ, các o/ Người đi, kẻ ở biết lo răng chừ?/ Ngậm ngùi, thương tiếc, giá như/ Sông Gianh, cầu đã có từ hôm nao!...
Mong các độc giả gần xa hãy chung tay xoa dịu nỗi đau tang thương này.
* Tôi mong sao các cấp chính quyền địa phương có sông mà người dân phải đi qua bằng đò hãy quản lý chặt chẽ và phải phạt thật nặng những người chở quá tải như vậy để không có những việc đáng tiếc xảy ra. Mong các cấp lãnh đạo phải phạt thật nặng những lãnh đạo phường xã thiếu trách nhiệm với người dân nghèo. Cuối cùng tôi xin chia buồn tới những gia đình gặp nạn và mong sẽ có một cầu nối gíup những người muốn chia sẻ nỗi đau như tôi có thể giúp đỡ họ trong những lúc này
* Không từ ngữ nào có thể diễn tả hết nỗi đau tột cùng của bà con Quảng Hải. Hy vọng chính quyền địa phương cũng như lãnh đạo tỉnh Quảng Bình phải biết tự kiểm điểm, nhìn nhận trách nhiệm và có hướng giải quyết để không có trường hợp tương tự nào xảy ra nữa (thuyền chỉ chở được 12 người, nhưng lại chở trên 80 người).
Ngoài ra, điều quan trọng nhất là sớm có phương án triển khai các cây cầu để thoả lòng mong đợi của nhân dân. Mỗi khi xảy ra chuyện đau lòng thì mới hỗ trợ, cứu trợ thì đã quá muộn...
* Thật là đau lòng khi 42 con người ra đi vào ngày cuối năm. Tôi càng đau xót khi đọc thấy 2 cây cầu được xây dựng từ năm 1993 đến nay vẫn chưa xong. Nếu 2 cây cầu này hoàn thành đúng kế hoạch thì sự việc đau xót này sẽ không xảy ra. Lỗi tại ai? Tại bác lái đò? Tại các quan chức xã, huyện, tỉnh Quảng Bình? Còn bao nhiêu cây cầu nữa bị ngâm như vậy? Và còn bao nhiêu tai nạn như vậy nữa sẽ xảy ra?
Phóng to |
Đau thương bên bến đò Quang Hải - Ảnh: Quang Tám |
* Thật đau lòng trước một tin xấu vào cái ngày vui của dân tộc, cái ngày lẽ ra tất cả mọi người đều được đoàn tụ dưới mái nhà hạnh phúc, bên mâm cơm tất niên ấm cúng. Tôi đếm trong danh sách những người tử nạn có hơn 20 người họ Cao. Thật sự bàng hoàng và không thể hình dung nổi nỗi đau của một dòng họ.
Đọc bài của bạn Lan, được biết những những trụ cầu đang xây nằm chỏng trơ cùng tuế nguyệt đã mấy năm nay. Nếu như lời hứa thông cầu cuối năm 2005 được thực hiện nghiêm túc, thì đâu có ngày tang thương hôm nay.
* Tôi bàng hoàng và xót xa trước nỗi đau thương mất mát của người dân xã Quảng Hải. Tôi mong rằng nhà nước có biện pháp khắc phục, giúp đỡ những địa phương gặp khó khăn, nguy hiểm trong việc đi lại như thế này để đừng bao giờ xảy ra cảnh tang thương như vậy.
* Trong một năm những công trình công cộng của những thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn được sửa chữa tốn không biết bao nhiêu tiền của, có khi vỉa hè còn tốt cũng bị lật lên để lát lại, đường đi hôm nay làm mai lại đào lên. Giá như mọi việc đều được làm một cách có trách nhiệm và có quy hoạch hơn, tiết kiệm hơn thì chúng ta có thể làm được hàng chục con đường và những cây cầu cho vùng cao và nơi như ốc đảo xã Quảng Hải. Và hôm nay chúng ta sẽ không có những nỗi đau này.
* Quảng Bình là tỉnh còn nhiều khó khăn, Quảng Trạch cũng như các huyện khác còn nghèo, người dân lam lũ vất vả quanh năm. Tôi đã nhiều lần vào Quảng Bình, cảnh vật và con người nơi đây để lại trong tôi nhiều thiện cảm. Hôm nay nghe tin hơn 40 người dân quê bị nạn, lại đúng ngày 30 Tết, giữa tiết trời lạnh giá, bao gia đình gặp cảnh tang tóc không thể nguôi ngoai. Tôi xúc động và thương cảm vô cùng! Vài năm trước đã có tai nạn chìm đò ở Chôm Lôm, Nghệ An làm chết mấy chục em học sinh, trước nữa là ở Nông Sơn, Quảng nam. Không ngờ sự việc tương tự vẫn tiếp tục xảy đến với người dân Quảng Bình, đau lòng biết bao!
* Tôi là người con của đất Quảng Trạch, quê tôi sống cũng chỉ là một hòn đảo nổi không khác xã Quảng Hải là bao và hằng ngày chúng tôi cũng phải đi qua những chuyến đò ngang. Hôm nay khi biết được tin về vụ đắm đò ở Quảng Hải, tôi chợt giật mình lo sợ cho những người dân quê tôi. Ngày Tết, nào ai nghĩ rằng mình sẽ ra đi không bao giờ có thể trở về với gia đinh. Giá như cây cầu Quảng Hải được xây nhanh hơn, được quan tâm đầu tư để xây dựng sớm hơn thì đâu đến nỗi thế.
Tôi mong các cơ quan chính quyền hãy xây cho dân chúng tôi một cây cầu, xin đừng vì những lý do không ai hiểu mà để những sự việc đáng tiếc như trên lại xảy ra. Cây cầu Quảng Hải được hứa hẹn xây xong năm 2005 vậy bây giờ vì sao vẫn chưa xong?
Phóng to |
Trên đò còn nhiều phao nhưng không cứu được tính mạng hàng chục người - Ảnh: Lưu Trang |
* Như bao người con xa quê hương, những ngày Tết chúng tôi thường tìm đến báo đài để cảm nhận không khí ngày Tết. Nhưng hôm nay, khi đọc những thông tin nổi bật trên Tuổi Trẻ về chuyến đò cuối năm trên sông Gianh gặp nạn tôi không thể kìm được nước mắt.
Chúng tôi đang đón Tết ở xa Tổ quốc, xa người thân, ngày Tết rất thương nhớ, rất buồn lòng. Nhưng với họ, những người con của vùng quê Quảng Hải lại mãi mãi phải xa người thân. Đau thương quá, 40 người đã mất và còn 2 gia đình nữa chưa biết người thân đang trôi dạt nơi nào trong những giờ khắc cuối năm này.
Cầu Cần Thơ đau thương khi đang xây dựng dở, chiếc cầu nối xã Quảng Phong và Quang Hải được khởi công từ năm 1993 chưa kịp hoàn thành làm bao gia đình phải chịu cảnh mất mát vô bờ. Chúng tôi may mắn được học tập tại Nhật Bản, được chứng kiến một trong những đất nước có hệ thống cơ sở vật chất, cầu đường tốt nhất thế giới, và cũng chính là nước cấp nguồn viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam.
Nước ta còn nghèo, còn phải nhận viện trợ để xây dựng đất nước trong đó có hệ thống giao thông. Xin mọi người hãy trân trọng và sử dụng đồng vốn ODA một cách thiết thực và thật hiệu quả để chúng ta không những không phải chứng kiến cảnh đau xót này nữa mà thay vào đó là một đất nước Việt Nam an bình hơn, phát triển hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận