09/06/2014 01:00 GMT+7

Được tiếp sức, càng vững tin bám biển

V.HÙNG - T.TRUNG - T.THÀNH
V.HÙNG - T.TRUNG - T.THÀNH

TT - Ngày 8-6, chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” của báo Tuổi Trẻ đã về quê hương hải đội Hoàng Sa (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) trợ vốn tiếp sức cho 100 ngư dân xã An Hải, An Vĩnh bám biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Tiếp sức ngư dân Lý Sơn gặp khó khăn bám biểnXúc động buổi lễ hỗ trợ vốn cho ngư dân Ninh Thủy

nV0ec0We.jpg
Ngư dân Lê Văn Hường - thuyền trưởng tàu QNg 66029 (trái) - nhận hỗ trợ vốn từ ông Phan Đức Hơn - chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát điện 2 - Ảnh: Tiến Long

Cùng ngày, chương trình cũng đã tiếp sức cho 50 ngư dân khó khăn tại phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Mức trợ vốn cho mỗi ngư dân chỉ 10 triệu đồng, nhưng như lời bà Phạm Thị Hương - phó chủ tịch huyện đảo Lý Sơn, đây là sự khích lệ kịp thời để ngư dân vượt qua khó khăn, tiếp tục bám biển giữ ngư trường.

Chúng tôi vẫn ra khơi

Sáng sớm, hội trường xã An Hải đã đông kín bà con, phần lớn là phụ nữ vì những người cha, người chồng là ngư dân Lý Sơn đã cùng tàu ra khơi. Làm xúc động cả hội trường là nhân chứng sống: ông Lê Văn Hường lên sân khấu với khuôn mặt còn băng vết thương do tàu kiểm ngư Trung Quốc gây ra.

Ông Hường là thuyền trưởng tàu QNg 66029. Đêm 3-6, ông cùng 10 ngư dân khác đang hành nghề ở Hoàng Sa thì lù lù hai tàu sắt của Trung Quốc tiến tới. Không kịp thu dọn đồ đạc, tàu ông nổ máy tránh.

Từ đêm 3-6 đến rạng sáng 4-6, tàu ông Hường ba lần bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng làm vỡ kính cabin buồng lái. Kính vỡ găm vào má phải khiến mặt ông đầy máu nhưng ông vẫn tiếp tục đứng lái cho đến khi thoát khỏi nguy hiểm từ hai con tàu hung tợn.

“Dù Trung Quốc có hung hăng, làm căng thì chúng tôi vẫn vươn khơi mưu sinh, giữ biển bởi đó là ngư trường cha ông để lại và là đất của chúng ta”, ông Hường nói trong tiếng vỗ tay cả hội trường.

Chị Phạm Thị Thành (xã An Vĩnh) dẫn theo đứa con nhỏ chưa đầy 6 tuổi đến nhận hỗ trợ thay cho chồng là anh Trần Hữu Thọ, máy trưởng tàu QNg 96197, đã ra khơi.

“Ảnh đi miết, nhưng tôi cũng biết nghề của ảnh là vậy. Số tiền 10 triệu đồng được hỗ trợ này gia đình sẽ trả nợ, mua thêm vài tấm tôn lợp lại căn nhà trước mùa mưa”, chị Thành chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Cúc, vợ ngư dân Phạm Mỹ đi trên tàu QNg 96197, thành thật: “Rất cảm ơn đã tài trợ đúng lúc cho người đi biển hiện chuyến được chuyến mất. Số tiền 10 triệu đồng này chúng tôi sẽ mua sắm lương thực mùa biển động và đóng học phí, mua sách vở cho con vào năm học mới”.

Bà Phạm Thị Hương cho biết năm 2013 toàn huyện có 21 trường hợp tàu cá bị Trung Quốc tấn công, đập phá tài sản. Đầu năm 2014 đến nay, riêng Lý Sơn có 13 trường hợp bị thiệt hại với 14 tàu. Và từ ngày 1-5 đến nay Lý Sơn có 7 tàu bị Trung Quốc quấy phá, tấn công, tịch thu tài sản.

Ông Ngô Việt Hải - tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 2, đơn vị đã đóng góp tiền hỗ trợ cho ngư dân Lý Sơn thông qua chương trình của báo Tuổi Trẻ - xúc động nói rằng công ty muốn gửi những tấm lòng, sự sẻ chia của hơn 4.000 cán bộ, nhân viên ngành điện để giảm bớt những tổn thất của bà con ngư dân.

“Đơn vị sẽ tiếp tục cùng báo Tuổi Trẻ hỗ trợ vật chất và tinh thần cho những ngư dân can trường, dũng cảm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa làm ăn và góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Việt Nam” - ông Hải nói.

Vững tin bám biển

Từ 8g30, hội trường UBND phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa chật cứng người tới dự. Tiết mục múa Tổ quốc nhìn từ biển do thanh niên của phường trong trang phục “Hướng về biển Đông” màu đỏ tạo ấn tượng mạnh cho người xem. Nhưng chỉ vài phút, không khí hội trường bỗng lắng xuống khi phóng sự “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” được trình chiếu.

Những hình ảnh tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, đâm va vào các tàu của ngư dân, tàu của cảnh sát biển và tàu kiểm ngư Việt Nam gây xúc động mạnh. Phía cuối hội trường, một vài phụ nữ thay chồng tới dự lễ đã không cầm được nước mắt...

Ấn tượng trong số 50 hộ ngư dân tới dự buổi lễ hỗ trợ vốn là ngư dân Hồ Lá và Hồ Văn Nước, cả hai thân hình đều không lành lặn nhưng vẫn bám biển từ nhiều năm nay, và đều là thuyền viên của tàu câu cá mập vừa trở về từ Hoàng Sa. Anh Hồ Lá cho biết cánh tay anh bị tai nạn trong một lần đi biển nhưng anh không hề có ý định từ bỏ nghề.

“Ba năm nay tụi tui bị tàu Trung Quốc tấn công liên tục. Nhưng biển của mình thì mình phải giữ. Nay được báo Tuổi Trẻ tiếp sức, tụi tui càng vững tin bám biển” - anh Hồ Lá nói.

Chọn hàng ghế cuối cùng trong hội trường, từ đầu đến cuối chương trình anh Đỗ Quề (38 tuổi) tỏ vẻ sốt ruột. Hỏi ra mới biết anh mong nhận vốn sớm để về chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi biển Hoàng Sa vào sáng 9-6. “Từ sáng nay các bạn tàu đều đang bốc đá lạnh ở cảng Ninh Hải, tui sốt ruột chờ đi”. Anh Quề cho biết thêm mẹ anh - bà Nguyễn Thị Rơi đã 70 tuổi nên số tiền hỗ trợ vốn sẽ dành để phụng dưỡng mẹ.

Ở tuổi 59, mái tóc đã điểm bạc nhưng lão ngư Cao Minh Đức vẫn toát lên vẻ quắc thước của một thuyền viên dày dạn sóng gió. Theo ông Minh, đã từ lâu ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa là nơi ngư dân Ninh Thủy bám trụ. Bởi thế, từng bãi rạn san hô đến những ngọn hải đăng đều đã như in trong tâm trí và hành trình mưu sinh của ông và ngư dân Ninh Thủy. “Chúng tôi, những người con của biển, đã thề với lòng mình có khó khăn, nguy hiểm như thế nào và dù cho bất cứ thế lực nào đi nữa tìm đủ mọi cách xua đuổi đánh phá chúng tôi thì chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển ra khơi, giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - lão ngư Cao Đức Minh dõng dạc.

“Chung sức bảo vệ chủ quyền biển đông” hỗ trợ ngư dân Lý Sơn - Nguồn: TVO
zzyKs9u6.jpgPhóng to
Ảnh: Tiến Thành

Bước tập tễnh lên sân khấu khi nhận tiền hỗ trợ, ngư dân Hồ Văn Nước (trái) luôn nở nụ cười trên môi. Anh kể đã bén duyên với nghề lặn biển từ năm 15 tuổi và gần chục năm nay gắn bó với nghề lặn bắt mồi để câu cá mập. “Dù mất một chân, đi lại khó khăn thật nhưng ra biển tui có thể lặn đến 25m ở vùng biển Hoàng Sa đấy nhé!” - anh Nước cười tươi.

V.HÙNG - T.TRUNG - T.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên