Sinh viên Trường đại học Công nghệ TP.HCM chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông - Ảnh: Q.Định |
Thầy trò ĐH Công nghệ TP.HCM hướng về biển Đông Gần 130 triệu đồng là số tiền mà thầy trò Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) ủng hộ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” sáng 27-5. Trong đó, sinh viên góp hơn 14 triệu đồng, còn các thầy cô, cán bộ nhân viên góp một ngày lương được gần 114 triệu đồng. Bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐQT HUTECH - TS Kiều Tuân - chia sẻ: “Ngoài đóng góp để ủng hộ, nhà trường góp sức bằng cách dạy và học thật tốt để tạo ra những sản phẩm giáo dục tốt nhất phục vụ đất nước. Chúng tôi mong các chiến sĩ kiên cường với trái tim thép, bằng mọi cách, mọi biện pháp hòa bình giữ được chủ quyền và buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi lãnh thổ Việt Nam”. Q.LINH |
Trong lá thư gửi đến chương trình cùng với số tiền 312.000 đồng để đóng góp, chị Hồng Tư (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM) kể về câu chuyện gom ve chai dành tiền góp vào chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” của xóm nghèo nơi chị sống.
Trong một tuần cả xóm gom góp chai lọ, phế liệu mang ra vựa bán. Chị Tư kể hơn tuần nay giá ve chai giảm nhiều nên chỉ thu được số tiền nhỏ. Nhưng mọi người trong xóm vẫn vui vì thấy mình đang hòa vào hàng triệu người VN cùng hướng về biển Đông.
“Cả xóm sẽ tiếp tục gom ve chai đóng góp cho đến khi đuổi được giàn khoan của Trung Quốc ra khỏi biển của mình” - chị nói chắc nịch.
Đón chuyến xe khuya từ Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) để kịp có mặt ở TP.HCM vào sáng sớm, cụ Nguyễn Văn Lũy (76 tuổi) mang theo 3 triệu đồng - là tấm lòng của 20 thành viên trong Câu lạc bộ Thơ huyện Mỏ Cày Bắc gửi đến các chiến sĩ.
Cụ ứa nước mắt kể: “Theo dõi báo Tuổi Trẻ thấy nóng ruột quá, rất lo cho chủ quyền biển đảo và căm giận Trung Quốc đặt giàn khoan trên biển của mình. Chúng tôi quanh năm với ruộng, với vườn, đóng góp chỉ như muối bỏ biển nhưng là tình cảm mặn mòi của người dân chúng tôi với những người chiến sĩ đang dũng cảm bám biển”.
Đến báo Tuổi Trẻ lần thứ hai kể từ khi chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” được phát động, cô Khương (quận 3) kể rằng hai tuần qua, tuần nào hai vợ chồng cô và con gái đang đi làm cũng cố bớt tiền chi tiêu gom đủ 1 triệu đồng “để cùng với mọi người chia sẻ những hiểm nguy, mất mát của các kiểm ngư viên, cảnh sát biển và ngư dân”.
Dẫu tin rằng chân lý thuộc về mình nhưng cô không khỏi lo lắng: “Đâu biết sẽ kéo dài bao lâu, nhưng ngoài biển ráng, trong này mình cũng ráng. Mỗi lần góp một ít vậy thôi nhưng làm dài”.
“Tui cứ nghĩ đóng góp mấy trăm ngàn thì kỳ quá. Hôm rồi, xem trên báo thấy chị “ve chai” gom góp từng đồng tiền lẻ ủng hộ, mà còn ủng hộ rất nhiều lần, tui mới đủ can đảm lên đây” - chị Phan Thị Thu nói, dù cứ ngại ngùng mãi về số tiền 500.000 đồng đóng góp của mình.
Từ quê nhà ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), chị Thu vào TP.HCM năm 1991, tảo tần với gánh hàng rong nuôi ba con khôn lớn. Ngày ngày, chị rong ruổi khắp các cung đường ở ngã bảy Lê Hồng Phong, dừng lại ở ven đường, bên cạnh những hàng quán nhộn nhịp để bán từng chiếc bánh phồng, bánh cuốn, nem...
Công việc bận rộn lại chẳng có điều kiện xem tivi, đọc báo nhiều, chị nghe ngóng tin tức về biển Đông qua câu chuyện của những người khách và những người cùng bán hàng rong như chị. Mãi đến một hôm vô tình đọc được tờ báo Tuổi Trẻ cũ, chị thấy hình và bài viết về chị Nguyễn Thị Quý - “Chị “ve chai” nặng lòng với biển đảo” (Tuổi Trẻ, ngày 25-5-2014). Chị Thu kể: “Từ đó mỗi bữa bán hàng về, tui lại dành ra một ít. Đi chợ cũng bớt lại một ít. Mình thiếu một ít cũng không sao, ngoài biển thiếu thốn nhiều thứ”.
Cùng suy nghĩ như chị Thu, rất nhiều người đã trích cả những món tiền lương hưu ít ỏi vốn định dành chữa bệnh, hay những đồng tiền mình được trợ cấp để đóng góp hỗ trợ việc giữ gìn biển đảo.
Đó là các em học sinh vùng sâu, vùng xa đang học tập tại Trường Dự bị đại học TP.HCM, đã không đứng ngoài cuộc khi nhà trường vận động cán bộ giáo viên và những ai có điều kiện ủng hộ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”. Số tiền 17.466.000 đồng được gom về, xếp phẳng phiu vẫn dày đến hơn một tấc.
Đó là anh thợ mộc Nguyễn Thế Thuyên từ Dĩ An (Bình Dương) lên TP.HCM làm mướn, tự động dành ra hai ngày lương của mình (500.000 đồng), tranh thủ giờ nghỉ trưa mang tới báo Tuổi Trẻ. Là cụ ông một tay cầm cuốn sổ khám bệnh chi chít những lời chẩn đoán và đơn thuốc, một tay run run lấy trong túi ra 2 triệu đồng tiền lương hưu, cười hồn hậu: “Mình già rồi tiêu có bao nhiêu, tui có nhiều còn ủng hộ thêm nữa, sống vui thì bệnh tật ắt phải lùi”.
Cựu binh chung sức với biển đảo * Sáng 28-5, Hội Cựu chiến binh phường An Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã trao 21,3 triệu đồng cho chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”. Số tiền trên được đóng góp từ tấm lòng của hơn 500 cựu chiến binh đang sinh sống và làm việc tại phường An Bình. “Chúng tôi là những người lính Cụ Hồ năm xưa muốn đóng góp trong khả năng của mình để giúp các chiến sĩ ngoài khơi xa vững vàng niềm tin bảo vệ vùng biển quê hương trước sự xâm phạm trắng trợn của Trung Quốc. Sau khi trao tặng số tiền đợt đầu tiên, chúng tôi tiếp tục vận động đóng góp cho chương trình trong thời gian tới” - ông Đỗ Hữu Nhuận, chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường An Bình, nói. * Cũng trong sáng 28-5, tại hội trường UBND phường Lê Mao, TP Vinh (Nghệ An) đã diễn ra lễ phát động “Chung sức vì biển đảo quê hương”. Những cụ già cao niên, cán bộ về hưu, chị em phụ nữ, thầy cô giáo, công an cùng tập thể lãnh đạo UBND phường Lê Mao có mặt từ 7g và đã quyên góp được 88.110.000 đồng ủng hộ biển đảo thông qua chương trình của báo Tuổi Trẻ. N.T.PHÚC - V.TOÀN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận