Thủy điện Đăk Đrinh: dự kiến di dời dân trước 31-7
Phóng to |
Dãy nhà tái định cư chưa có đường dẫn vào khu nhà nên chưa có người ở - Ảnh: B.D. |
Đến tháng 3 này, trung tâm xã Đắk Nên đã ngập trong lòng hồ thủy điện, hơn 1.000 người dân đã chuyển lên các khu tái định cư. Tuyến đường dẫn dài khoảng 10km từ suối Đắk Nên dẫn vào trung tâm xã san sát những dãy nhà mới, nhưng trái ngược với hình ảnh này, cuộc sống của người dân ở đây hết sức khó khăn.
Cuộc di dân vội vàng
"Quá nhiều công trình thủy điện lớn được quy hoạch, xây dựng ở địa phương chúng tôi đã sinh ra những hệ lụy như: rừng bị thu hẹp, công tác di dân tái định cư chưa biết đến bao giờ mới giải quyết xong" Ông Đào Duy Thế(phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông) |
Giữa trưa nắng, bốn cha con ông A Thanh ở thôn Xô Thác, xã Đắk Nên cùng nhau dựng căn nhà bằng gỗ để làm chỗ ở. Đối diện với căn nhà gỗ này là những dãy nhà bêtông của khu tái định cư. Chúng tôi hỏi vì sao không vào nhà mới ở, ông A Thanh thở dài: “Nhà nước xây cho nhà mà chưa làm đường đi lên nhà, nhà thì ở trên đồi không chạy xe lên được. Nước sạch thì khi có khi không nên mình phải đi kiếm gỗ về làm cái nhà gỗ để ở”.
Tháng 7-2013, có mặt tại lòng hồ (thời điểm chưa tích nước), chúng tôi ghi nhận cảnh cả người dân và chính quyền nháo nhào chạy lũ. UBND tỉnh Kon Tum huy động hàng trăm cán bộ, các đơn vị quân đội, công an khẩn cấp di dời dân trước mùa mưa lũ. Nguyên nhân là do chủ đầu tư thủy điện Đắk Đring thực hiện tái định cư quá chậm, trong khi một thân đập chặn dòng thủy điện đã được xây dựng. Ông Trương Văn Minh - phó Ban quản lý dự án di dân tái định cư các công trình thủy điện huyện Kon Plông - cho biết thời điểm di dân các khu tái định cư mới thực hiện được khoảng 50%. Người dân phải lên các khu đồi cao ở tạm bợ, chờ nhà tái định cư xây xong mới có thể vào ở.
Đầu tháng 8-2013, toàn bộ trung tâm hành chính xã Đắk Nên và hơn 200 hộ dân đã được di chuyển lên khu vực an toàn. Lúc này, mùa mưa bắt đầu đổ về khiến nước trong lòng hồ dâng lên. Sau cuộc di dân khẩn cấp, vội vàng, người dân phải vật lộn nhiều tháng để vừa ổn định chỗ ở, vừa thu hoạch hết hoa màu ngập dưới lòng hồ. “Một công trình thủy điện xây đập chắn khi chưa xong tái định cư đã khiến dân khổ, chính quyền vất vả” - ông Đào Duy Thế, phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông, lắc đầu ngao ngán khi nói về việc người dân phải chạy lũ.
Dân mỏi mòn chờ đợi
Đi sâu vào trung tâm mới của xã Đắk Nên, hàng trăm căn nhà mới nằm xếp dãy trên các sườn đồi nhưng nhiều nhà cửa đóng then cài. “Có mấy hộ chuyển vào nhà bêtông ở thì hôm nay họ đóng cửa đi rẫy, nhưng nhiều hộ chẳng nhận nhà mà lại làm nhà gỗ để ở” - một người dân ở thôn Xô Luông nói. Ông Đinh Văn Tang - trưởng thôn Xô Luông - cho biết trong 47 hộ thuộc diện tái định cư của thôn được nhận nhà mới thì đến nay có đến 32 hộ chưa nhận nhà. Giữa chiều, chúng tôi tìm đến những dãy nhà tạm do dân dựng lên thì hầu như tất cả người làng vẫn ngồi trong nhà nhìn ra. Chúng tôi hỏi sao không đi rẫy, ông A Long gãi đầu: “Nương rẫy chưa có lấy gì mà đi rẫy, mấy tháng nay cả nhà mình ăn rồi ngồi đợi Nhà nước cấp đất thôi”.
Ông A Sanh, chủ tịch Hội nông dân xã Đắk Nên, cho biết ông là một trong số ít hộ đã di chuyển lên nhà mới nhưng cuộc sống hiện tại đang thiếu thốn đủ bề. “Mình là cán bộ nên mình gương mẫu chuyển lên tái định cư chứ ở đây nước chưa có, còn đất sản xuất thì Nhà nước có chỉ cho dân đến sản xuất, nhưng dân đi làm thì người làng bên lại không cho. Họ nói Nhà nước thu hồi mà chưa đền bù nên họ không cho làm” - ông Sanh nói.
Quỹ đất sản xuất sau tái định cư đang được khai hoang Theo UBND xã Đắk Nên, dự án thủy điện Đắk Đring - lòng hồ tại xã Đắk Nên đã lấy đi gần như toàn bộ diện tích, làng mạc của người dân Đắk Nên. Có 217 hộ với gần 1.000 nhân khẩu phải bỏ làng cũ để về các khu tái định cư. Ông Trương Văn Minh cho rằng nhiều hộ dân chưa nhận nhà tái định cư là do tập quán của người dân thích sống trong nhà gỗ hơn nhà xây gạch. Ngoài ra, do quỹ đất sản xuất sau tái định cư đang được khai hoang, người dân sốt ruột nên quay về nơi ở cũ tạm bợ để tận dụng đất đai cũ. Theo ông Minh, sắp tới đất đai khai khẩn xong, bàn giao cho dân thì người dân sẽ đến ở ổn định tại nơi tái định cư. Còn ông Đặng Thanh Nam - phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông - cho biết tái định cư là công việc lâu dài, cần có thêm thời gian để người dân đi vào ổn định. Trước mắt, huyện Kon Plông sẽ tiếp tục vận động để người dân nhận nhà tái định cư, đầu tư các hệ thống hạ tầng và tiến hành giao đất sản xuất để người dân dần ổn định nơi ở mới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận