14/02/2014 07:30 GMT+7

Tài xế vừa lái xe khách vừa "tám" điện thoại

LÊ DÂN
LÊ DÂN

TT - Một bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ bài viết phản ảnh nỗi lo ngại cho an toàn của hành khách khi đi trên một chuyến xe khách mà tài xế liên tục vừa lái xe vừa nói chuyện qua điện thoại.

Vừa nhắn tin vừa lái xe: hậu quả khôn lường Gọi điện thoại khi lái ôtô sẽ bị phạt 500 ngàn đồng

kMEVk6E8.jpg
Tin nhắn của hành khách Mai Ngọc Châu đến Hãng xe Phương Trang phản ảnh việc tài xế vừa lái xe vừa nghe điện thoại - Ảnh: T.T.D.

Khoảng 6g chiều mồng 4 tết, xe khách Phương Trang lăn bánh khỏi bến Châu Đốc thẳng tiến về Cần Thơ. Chuyến xe cuối cùng trong ngày chở theo hơn 10 hành khách. Trời tối nhanh. Khi xe chạy khoảng 40 phút, tivi đang mở chương trình ca nhạc - hài phía trên gần ghế tài xế tự dưng mất tiếng. Và hành khách phía sau nhìn thấy bác tài vừa cầm lái vừa cầm điện thoại trò chuyện. Lúc ấy, anh nhân viên phục vụ ngồi trên băng ghế trống đầu tiên tay cũng bận bấm điện thoại.

Cuộc điện đàm của bác tài kéo dài 10 phút, 20 phút và hơn 30 phút vẫn không có dấu hiệu dừng, bất chấp dòng xe trên đường ngày càng đông do xe chuẩn bị vào cửa ngõ TP Long Xuyên. Lo ngại an toàn của bản thân và các hành khách, tôi đã gọi đường dây nóng của nhà xe liên tục để phản ảnh nhưng không ai bắt máy nên đành để lại tin nhắn thông báo tình trạng “nấu cháo” điện thoại khi đang lái xe của tài xế.

Tài xế thừa nhận có nghe điện thoại

Ngày 12-2, ông Phan Đình Bảo - điều hành tuyến nhánh bến xe Cần Thơ (Công ty cổ phần vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang) - cho biết tài xế vừa lái xe vừa nghe điện thoại mà hành khách phản ảnh là tài xế N.V.C. chạy tuyến Cần Thơ - Châu Đốc (An Giang).

“Nội quy của công ty là cấm tài xế nghe điện thoại đi động (cầm tay) mà chỉ được phép nghe qua tai nghe khi đang lái xe. Chúng tôi đã lập biên bản, tài xế cũng thừa nhận có nghe điện thoại trong lúc lái xe và đã làm tường trình. Bản tường trình đã được chuyển đến phòng hành chính - nhân sự của công ty. Thẩm quyền xử lý trường hợp tài xế C. thuộc về phòng hành chính - nhân sự công ty” - ông Bảo cho biết.

Bác tài chỉ thôi nói chuyện điện thoại khi xe cách bến xe Bình Khánh (TP Long Xuyên, An Giang) khoảng 1km. Sau khi thả khách xuống Long Xuyên và lấy thêm khách về Cần Thơ, xe tiếp tục hành trình và ngay lúc ấy bác tài cầm điện thoại lên nói chuyện tiếp. Màn hình tivi trên xe vẫn trong tình trạng chiếu “phim câm” bất chấp lời kêu gọi mở lại âm thanh của hành khách trên xe.

Hơn 10 phút trôi qua, lái xe vẫn điện đàm giữa dòng xe đông đúc trong thành phố. Trong tôi lại dâng lên nỗi lo ngại cho sự an toàn của chuyến xe nên đã gọi lại đường dây nóng của nhà xe Phương Trang nhưng lúc này máy báo tín hiệu bận. Tôi đành gọi cho số tổng đài đặt vé xe ở Châu Đốc nhờ can thiệp. Ít phút sau, điện thoại của nhân viên phục vụ trên xe đổ chuông (khi ấy điện thoại của bác tài vẫn bận “nấu cháo”). Bác tài chỉ buông tay điện thoại sau khi anh nhân viên phục vụ nhận cú điện thoại đó. Đồng hồ trên xe khi ấy đang tiến gần đến 20g.

Khoảng 30 phút, sau khi xe rời trạm dừng chân ở ngã ba Lộ Tẻ (Cái Sắn - Cần Thơ) được một đoạn, hành khách trên xe bị một phen ngã chúi nhào về trước trong khi giày dép của họ văng từ sau ra trước do một cú thắng gấp của bác tài. Lúc xảy ra chuyện, anh nhân viên phục vụ đang ngồi bấm điện thoại trên ghế trống ở hàng thứ hai.

Trước đó một ngày, tôi đã đi xe khách từ Cần Thơ về Châu Đốc (chuyến 13g45). Khi đến bến xe Châu Đốc lúc 17g50, trong lúc ngồi chờ người nhà đến đón, tôi nghe cuộc trò chuyện của bác tài xe khách với nhân viên bảo vệ thì được biết chính bác tài ấy sẽ lái chuyến xe sau cùng trở lại Cần Thơ khởi hành lúc 18g, nghĩa là bác tài chỉ được nghỉ ngơi chừng 10 phút giữa hai chuyến xe.

Tôi không biết có phải tình trạng lái xe với mật độ quá dày trong những ngày tết là nguyên nhân khiến bác tài trên chuyến xe tôi đi vào cuối mồng 4 tết phải “nấu cháo” điện thoại để duy trì sự tỉnh táo sau tay lái? Và có phải khi bác tài không còn nói chuyện điện thoại thì sự tỉnh táo đã kém đi, dẫn đến cú thắng gấp gây lo sợ cho hành khách khi xe vừa rời ngã ba Lộ Tẻ?

Dễ gây tai nạn giao thông

Việc vừa lái xe vừa nghe điện thoại là hành vi nguy hiểm dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Tài xế ôtô vừa lái xe vừa nghe điện thoại vì quá tự tin vào tay lái của mình nhưng thực chất là chủ quan. Bởi khi lái xe không chỉ cần tập trung tối đa cho việc điều khiển xe, quan sát đường sá mà còn xử lý nhanh những tình huống bất ngờ có thể xảy ra như: người, xe, thậm chí súc vật băng ngang đường bất ngờ hoặc những xe phía trước có va chạm...

Khi điều khiển xe một tay, đầu lại đang bận suy nghĩ, nói chuyện khác thì rất khó xử lý những tình huống đột xuất như vậy. Thời gian qua nhiều vụ va quẹt, tai nạn giao thông xảy ra cũng xuất phát từ nguyên nhân tài xế vừa lái xe vừa nghe điện thoại. Khi xảy ra tai nạn giao thông, người điều khiển xe không chỉ gây tai nạn cho mình mà còn gây bao nhiêu hệ lụy khác cho người đi đường, đặc biệt các chuyến xe chở khách đường dài. Nhiều người nghĩ rằng vừa lái xe vừa nghe, thao tác trực tiếp trên điện thoại mới nguy hiểm, thật ra khi lái xe mà đeo tai nghe để nghe điện thoại cũng dễ làm người điều khiển phân tâm, khó xử lý tình huống đột xuất.

Điều đáng nói hành vi nguy hiểm này hiện nay còn khá phổ biến trong giới tài xế xe khách, taxi chở khách trên đường phố. Thời gian qua Ban An toàn giao thông TP đã cảnh báo nguy cơ gây tai nạn từ các trường hợp này. Để đảm bảo an toàn, không đợi đến các cơ quan chức năng tuyên truyền mà mỗi tài xế cần nâng cao ý thức, tốt nhất không nghe điện thoại trong lúc điều khiển xe trên đường.

LÊ DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên