22/01/2014 05:04 GMT+7

Đừng tự tay đánh mất ước mơ

LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)
LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)

TT - Trong phiên tòa xử vụ án “Hai bảo mẫu hành hạ trẻ em” diễn ra ngày 20-1 tại quận Thủ Đức, TP.HCM, có một câu nói của bị cáo Đông Phương có lẽ sẽ khiến nhiều người trong chúng ta phải suy nghĩ: “Bị cáo đã làm những việc không đúng với lương tâm của mình, từ đó bị cáo đã tự tay đánh mất ước mơ lớn nhất cuộc đời bị cáo” (Tuổi Trẻ ngày 21-1-2014).

Sau phiên tòa, đợi nhiều nhà trẻ Dân đập cửa nơi xét xử 2 bảo mẫu hành hạ trẻ mầm nonHàng ngàn người "bao vây" hai bảo mẫu hành hạ trẻ Tòa tuyên phạt hai bảo mẫu hành hạ trẻ em 3 năm tù

Có lẽ ai trong chúng ta cũng có ước mơ, ước mơ của bị cáo Đông Phương là có được một ngôi trường mầm non của riêng mình và cũng cần ghi nhận bị cáo Phương đã có những bước chuẩn bị cho việc thực hiện ước mơ đó như đã học đại học chuyên ngành mầm non, đã cố gắng mở một ngôi trường cho riêng mình dù chưa đúng quy định... Nhưng rồi mọi nỗ lực để biến ước mơ của cô ta đã tan thành mây khói khi thực hiện những hành động mà chính cô ta gọi là “trái với lương tâm”. Từ câu chuyện của bị cáo Phương, chúng ta có thể thấy rằng việc có ước mơ, có hoài bão là điều rất quan trọng vì ước mơ, hoài bão chính là định hướng giúp con người biết phải làm gì trong cuộc sống. Thế nhưng có lẽ điều quan trọng hơn không phải chỉ biết ước mơ mà là làm sao thực hiện ước mơ đó bằng những cách thức phù hợp với lương tâm, phù hợp với đạo lý làm người trong xã hội.

Hiện thực xã hội ngày nay không thiếu những trường hợp chà đạp lương tâm, chà đạp lên chuẩn mực xã hội để đạt được mục tiêu của bản thân. Đã có nhiều người bất chấp tất cả, kể cả nhân phẩm của mình, để đạt được tiền tài, danh vọng. Khi người ta thực hiện hành vi tham nhũng, khoe thân để nổi tiếng, lừa đảo, mua bán điểm, nhận phong bì từ bệnh nhân... đều có thể xem như là những hành động xuất phát từ việc con người đã đánh mất lương tri của mình. Và cũng có thể nói việc đánh mất lương tâm đang là một trong những nguyên nhân cội rễ của những vấn nạn xã hội.

Lương tâm hay lương tri hiện diện trong lòng người và ra lệnh đúng lúc cho con người làm lành lánh dữ. Lương tâm giúp con người biết phán đoán và đưa ra các lựa chọn cụ thể bằng cách ủng hộ những lựa chọn tốt, tẩy chay những lựa chọn xấu. Khi con người không còn lương tâm cũng có nghĩa họ đã không còn biết phân biệt giữa cái xấu với cái tốt, giữa cái nên làm và cái không nên làm và từ đó mọi hành động của họ chỉ còn được dẫn dắt bởi lợi ích cá nhân trước mắt, để rồi sẽ lầm đường lạc lối.

Do đó con người hãy có ước mơ và phải có ước mơ, nhưng điều quan trọng trước hết là phải luôn làm mọi việc dưới ánh sáng của lương tri, bởi khi không còn lương tri, khi không còn biết phân biệt phải trái thì ước mơ và mọi thứ khác cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì.

LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên