Từ trái qua: ông Bùi Nguyễn Quý Anh, bà Khúc Thị Kim và ông Nguyễn Xuân Trung - Ảnh: G.T. - N.L. |
Giải thưởng tháng 11-2013 cũng được trân trọng trao đến tác giả bài viết "Câu hỏi sát hạch lái xe môtô: thừa thãi nhưng sơ sài" (TTO ngày 21-11) và bạn đọc báo tin "Cảnh giác chiêu lừa qua điện thoại" (Tuổi Trẻ ngày 15-11).
Từ bức xúc của cộng đồng
Có trong tay nguyên một bộ sưu tập quà của Tuổi Trẻ qua những lần báo tin cho Tuổi Trẻ, dịch nhiều tin tức, mẩu chuyện đăng báo nhưng có lẽ lần chụp hình chiếc xe biển số đỏ cố tình lờ biển cấm vượt cầu tạm bắc qua kênh Nhiêu Lộc (nối Q.Bình Thạnh với Q.1, TP.HCM) là một kỷ niệm khó quên của Bùi Nguyễn Quý Anh.
Quý Anh kể: "Hôm đó, đúng ra mọi việc sẽ không đến nỗi gây bức xúc nếu như chiếc xe mang biển số đỏ kia khi phát hiện đi sai đường thì tự động rút lui theo chỉ dẫn của các nhân viên gác cầu. Thế nhưng, tài xế xe này tiếp tục nhấn ga đẩy lùi một nhân viên phân luồng giao thông để vượt lên ra giữa cầu. Chính điều này đã gây nên sự bức xúc cho những người tham gia giao thông lúc ấy. Và tôi đã dùng điện thoại để chụp lại những hình ảnh giằng co này".
Về đến nhà, Quý Anh còn dùng nghiệp vụ, kiến thức sẵn có của mình thời còn làm ở một tờ báo tại TP.HCM để xác định chủ sở hữu của chiếc xe này và gửi tin ảnh về Tuổi Trẻ. Khi tin đăng lên, đã có 149 lượt bạn đọc gửi ý kiến bày tỏ sự bức xúc trước việc lạm quyền này.
Ðặc biệt, khi chủ sở hữu chiếc xe này - Tổng công ty Thái Sơn (thuộc Bộ Quốc phòng) - đã kỷ luật cán bộ, cho thôi việc tài xế thì bạn đọc lại dấy lên câu hỏi "Cán bộ ngồi trên xe ấy là ai và liệu quyết định cho thôi việc tài xế đã thật sự công bằng hay chưa?".
Và đây cũng chính là những trăn trở, băn khoăn của Quý Anh khi đọc được quyết định này. Quý Anh chia sẻ: "Tôi cứ tự hỏi: Nếu người tài xế làm sai (đi vào đường cấm) thì vai trò của người cán bộ kia là gì? Liệu có phải tài xế cố tình phớt lờ quản lý để làm việc vượt cầu sai trái hay chỉ đang làm theo yêu cầu của cán bộ ngồi trên xe? Tôi nghĩ nếu không điều tra kỹ thì việc kỷ luật này có khi đã khiến một lao động mất việc trong khi cuộc sống bên ngoài đang không dễ chịu".
Cũng từ nỗi bức xúc của cộng đồng, bạn đọc Nguyễn Xuân Trung đã gửi đến Tuổi Trẻ bài viết "Câu hỏi sát hạch lái môtô: thừa thãi nhưng sơ sài".
Ông Trung bày tỏ: "Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy lái môtô, khi nhận thấy 150 câu hỏi trắc nghiệm sát hạch lái môtô có nhiều điểm bất hợp lý tôi đã viết bài để chia sẻ. Sau khi bài được đăng trên TTO, tôi rất vui bởi có rất nhiều người quan tâm, nhiều ý kiến phản hồi đồng tình với cách nhìn của mình. Và hơn hết là từ bài viết này, bạn đọc đã chia sẻ thêm nhiều cảm xúc, đánh giá về những bất hợp lý trong việc sát hạch lái môtô hiện nay, nêu ra những giải pháp tốt cho việc học và sát hạch lái môtô".
Hiện là trưởng phòng khoa học - đối ngoại và đảm bảo chất lượng của Trường trung học Giao thông vận tải Huế, ông Trung cho biết đã yêu thích và gắn bó với báo Tuổi Trẻ suốt hơn 15 năm qua.
"Ngày nào tôi cũng đọc báo Tuổi Trẻ để cập nhật thông tin. Tôi "kết" báo Tuổi Trẻ vì tờ báo luôn có những bài viết với tính phản biện cao, lại gần gũi, thiết thực với đời sống người dân. Khi gặp những vấn đề nóng, bức xúc của dư luận, tôi thường viết bài cộng tác hoặc gọi đến báo Tuổi Trẻ để báo tin" - ông Trung cho biết.
Báo tin để người khác không bị lừa
Từng là cô giáo cấp I, nay công tác ở Hải quan TP.HCM, bạn đọc Khúc Thị Kim Phụng thừa hưởng thói quen đọc báo Tuổi Trẻ mỗi buổi sáng từ cha mình (ông cụ đã 91 tuổi vẫn đọc Tuổi Trẻ đều đặn ở quê nhà Ðồng Tháp). Chính nhờ thói quen này, nên khi bị một số điện thoại lạ gọi đến thông báo bà nợ tiền cước điện thoại của một thuê bao tận Hà Nội, lại còn bị đe dọa sẽ kiện ra tòa, cảnh sát 113 làm việc, đòi cung cấp cả số CMND, điện thoại di động... bà đã đề cao cảnh giác và gọi ngay cho đường dây nóng Tuổi Trẻ báo tin. Và thế là bài viết "Cảnh giác chiêu lừa qua điện thoại" đã như một hồi chuông cảnh báo cho bạn đọc biết những chiêu lừa mới ngày càng tinh vi hơn.
Chia sẻ rằng tuy đã đọc báo Tuổi Trẻ hơn 30 năm nhưng đây là lần đầu tiên gọi báo tin cho Tuổi Trẻ, bà Phụng nói: "Tôi chỉ nghĩ đơn giản là cần báo tin cho Tuổi Trẻ để cảnh báo những người khác không bị lừa như mình". Bà kể trước đó cũng bị một người lạ hoắc gọi điện bảo là người quen với bà, rồi cho số đề để đánh. Nhờ đọc Tuổi Trẻ nên bà biết ngay đó là trò lừa đảo nên mắng cho người ấy một trận rồi cúp máy.
Bà cũng kể thêm là khi thông tin chiêu lừa này đăng trên báo, nhiều bạn bè và người thân của bà đọc tin biết bà là "người trong cuộc" nên hỏi thăm rất nhiều. Nhiều người trong đó cho biết mình cũng là nạn nhân vụ lừa đảo tương tự như thế và rất lo lắng không biết làm sao, nay nhờ đọc tin trên báo mới vỡ lẽ ra sự việc nên thở phào nhẹ nhõm.
ÐỖ QUYÊN - NGUYÊN LINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận