28/09/2013 05:35 GMT+7

Mệt mỏi với nước ngập

T.T.KIỀU (P.5, Q.11, TP.HCM)
T.T.KIỀU (P.5, Q.11, TP.HCM)

TT - Cứ mỗi khi trời đổ mưa, gia đình tôi cùng các hộ dân sống trên đường Hòa Bình đoạn ở P.5, Q.11, TP.HCM lại thấp thỏm với nỗi lo nước cống đen ngòm kèm theo bùn, rác thải bốc mùi hôi thối từ ngoài đường ồ ạt tràn vào nhà.

l61b5a9Y.jpgPhóng to
Nhiều người dân có nhà trên đường Hòa Bình (P.5, Q.11, TP.HCM) phải chuẩn bị bao tải chứa cát để chắn nước mỗi khi trời mưa - Ảnh: Đức Phú

Mấy năm trước dù trời mưa lớn đến cỡ nào, đường Hòa Bình cũng chỉ ngập nhẹ, nước rút rất nhanh. Từ khi có đơn vị thi công dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm thì con đường này mỗi lúc mưa gió lại trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Nước ngập triền miên từ ngoài đường đến trong nhà khiến người dân mất ăn mất ngủ. Nhiều báo đài xuống ghi hình phản ánh nhưng tình trạng trên vẫn không được khắc phục. Nên khi có phóng viên đến chụp hình, hỏi chuyện, có người dân nói vui rằng: “Chụp hình hoài cũng vậy thôi cô chú ơi, cứ mưa là ngập”.

Cơn mưa chỉ cần đổ xuống 15-20 phút, nước từ dưới cống ùn lên kéo theo rác thải tràn vào nhà dân. Gia đình tôi phải kê đồ đạc, kê cao giường ngủ để hạn chế nước làm hư hỏng. Khổ nhất là bố tôi, năm nay đã 79 tuổi, cũng phải khom người co chân, ngồi chồm hổm trên chiếc ghế. Bữa cơm quây quần bên chiếc chiếu trải dưới nền nhà của gia đình tôi lại được thay bằng cảnh mỗi người cầm một tô cơm. Trước tình cảnh đó, tôi mua một xe cát, đóng vào từng bao tải để khi trời mưa, nước dâng tới đâu be bờ tát đến đó. Tuy nhiên cách này cũng chỉ cầm cự với những cơn mưa nhỏ, còn mưa tầm tã thì huy động cả nhà tát nước cũng không kịp, đành nhìn nước cuồn cuộn chảy vào nhà.

Dữ dội nhất là cơn mưa vào chiều tối 3-9 vừa rồi khiến xe tải, xe ba gác... không qua nổi đoạn đường ngập đành nằm im giữa dòng nước, các bác tài loay hoay thuê người đẩy xe lên chỗ cạn. Nước ngập từ chiều đến nửa đêm vẫn chưa rút hết. Nhà tôi có xây năm phòng trọ cho anh em thợ hồ thuê. Đêm, nước ngập khiến họ không có chỗ ngủ (bình thường họ trải chiếu nằm dưới nền nhà), một số người phải ngồi lên ghế, dựa lưng chợp mắt để ngày mai lấy sức đi làm. Có người thức trắng đêm vì nước cống bốc mùi hôi thối không ngủ được. Có người lấy điện thoại quay phim cảnh ăn uống, nghỉ ngơi trong nước ngập để gửi về cho bố mẹ ở quê xem chuyện cười ra nước mắt ở giữa thành phố nhộn nhịp.

Cạnh nhà tôi có Trường tiểu học Hòa Bình, mỗi khi nước ngập lại thấy cảnh học sinh té ngã ướt hết quần áo, sách vở. Nước mắt các em rơi lã chã trên khuôn mặt ngây thơ khiến lòng mình lại nghẹn ngào. Cả sân trường nước ào ạt chảy vào như một cái ao lớn. Khi nước rút, các giáo viên, nhân viên vệ sinh... lại xắn tay hốt bùn, rác để đảm bảo vệ sinh cho trường học. Rồi công việc hốt bùn cũng thành cái lệ sau mỗi cơn mưa.

Nước ngập không chỉ làm hư hỏng đồ đạc, gây mất vệ sinh mà còn làm giảm thu nhập của người dân. Trước nhà tôi có một khoảng sân rộng nên cho người ta thuê với giá 2 triệu đồng/tháng để làm quán ăn. Nhưng rồi những hôm trời mưa, khu vực khách ngồi nước ngập xâm xấp chiếc ghế nhựa khiến họ không chịu nổi đành bỏ đi. Thế là quán ế khách, chủ quán trả mặt bằng, gia đình tôi mất nguồn thu nhập thêm. Vớt vát, tôi mở quán nước giải khát ngoài sân nhưng cứ trời mưa là phải hối hả dọn đồ sớm kẻo ghế nhựa trôi ra ngoài đường, nên cũng chẳng buôn bán được gì nhiều.

Biết rằng dự án cải tạo dòng kênh làm xong thành phố sẽ sạch đẹp hơn, người dân chúng tôi cũng rất hoan nghênh. Nhưng tôi cũng mong đơn vị thi công, cơ quan chức năng có giải pháp làm sao để hạn chế nước ngập, chứ để thế này thì người dân mệt mỏi quá.

Chuẩn bị nâng cấp hẻm và đường

Theo đại diện UBND P.5, Q.11, nguyên nhân nước ngập ở khu vực đường Hòa Bình là công trình thi công dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm làm hạn chế lối thoát nước. UBND phường và quận nhiều lần kiến nghị nhưng tình trạng ngập vẫn cứ xảy ra. Mới đây, UBND phường đã tổ chức lấy ý kiến về việc nâng cấp đường Hòa Bình và các tuyến hẻm thuộc khu phố 6, P.5, kết quả đa số người dân đồng thuận với việc nâng cấp trên. Hiện UBND phường đã chuyển biên bản cuộc họp lên quận, quận sẽ chuyển lên UBND TP để chờ giải quyết.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Cống thoát nước gây ngập đồng ruộngTP.HCM: lại ngập nặng nhiều tuyến đường sau mưaPhát triển đô thị thích nghi với ngập nướcNgập chuyển về vùng venĐường thường xuyên ngập nước

T.T.KIỀU (P.5, Q.11, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên