06/09/2013 14:46 GMT+7

Đồng cảm cách dạy con, em của PGS Văn Như Cương

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Bức thư cũng như phần trả lời phỏng vấn của PGS Văn Như Cương trên Tuổi Trẻ Online đã nhận được nhiều ý kiến đồng cảm. Bạn đọc cho rằng nên chia sẻ lá thư lay động này đến nhiều thầy cô giáo, các bậc làm cha, làm mẹ hơn.

XrqAVfXD.jpgPhóng to

PGS Văn Như Cương - Ảnh tư liệu

PGS Văn Như Cương gửi "tâm thư" bàn về cách dạy conPGS Văn Như Cương: Có một khoảng trống trong việc dạy trẻ...

TTO xin trích đăng một số ý kiến:

Nhà giáo Lâm Minh Trang (Q. Gò Vấp, TP.HCM; mapminh2006@....) viết: "Cũng là một nhà giáo, nhưng bằng vào tuổi đời, tuổi nghề, bằng vào vốn chuyên môn và kỹ năng giảng dạy, quan trọng hơn, cả bằng vào cái tâm, em nhận ra mình chỉ xứng đáng là một học trò của thầy. Kính thưa thầy! Ngày khai giảng năm học mới đã qua 1 ngày, và em thực sự tiếc cho việc mình biết lá thư này quá chậm. Nếu biết sớm hơn, hẳn, bài diễn văn khai giảng nơi đơn vị trường học của chúng em sẽ khác."

"Sẽ không là một văn bản lê thê, lồng ghép nhiều nội dung "tích hợp" nào là phát động thi đua, nào là những phong trào ...sáng tạo, nào là kế hoạch năm học- điều mà phụ huynh và các em học sinh ít quan tâm, hoặc không muốn nói cho tệ đi là người ta không hề thích thú khi "buộc" phải chia sẻ với nhà trường."

"Thay vào đó, bài diễn văn bằng lá thư này chắc chắn sẽ có sức lay động tới hơn 2.000 học sinh trường em và hàng trăm phụ huynh tham dự. Lay động và lan tỏa để mọi người suy nghĩ và cùng chung tay trong sự nghiệp giáo dục trẻ."

"Chúng ta có quá nhiều người trẻ thực sự thành công, nhưng chữ Nhân thì lại có vấn đề, có một lỗ hổng rất lớn. Và đó là điều mà xã hội phải lo ngại. Bởi thưa thầy, em nghĩ rằng, sự thành công chỉ đơn giản dựa vào căn bản tri thức, sẽ chỉ là sự thành công nhất thời. Khi tri thức đã lạc hậu và không cập nhật kịp, thành công đó liệu có còn khi nó không có căn bản nhân cách đỡ nâng?"

"Kính thưa thầy! Muộn nhưng chắc vẫn còn kịp để lay động. Em xin phép được đưa nó vào trong bản tin của trường. Xin phép thầy sẽ động viên các thầy cô chủ nhiệm đọc lá thư này vào buổi họp đầu tiên với phụ huynh, thay vì là một cái sớ những nội quy chán ngắt khác."

"Xin chân thành cảm ơn thầy. Kính chúc thầy trường thọ, gia đình hạnh phúc và trường Lương Thế Vinh ngày càng phát triển."

Bạn đọc Nguyễn Quang Vũ (vuqlhc@...) bày tỏ: "Những lời của thầy Văn Như Cương thật sâu sắc và thấm thía với các phụ huynh chúng tôi. Có thể nhiều người biết rõ những điều như thầy Cương nói nhưng làm thì không được, không trọn vẹn như điều mình vẫn biết. Song, tôi mong tất cả quí vị phụ huynh cố gắng làm tốt hơn trách nhiệm giáo dục con cái của mình, vì chính nhân cách của con em mình và cũng là sự thành đạt của cuộc đời mỗi người làm cha, làm mẹ. Cảm ơn thầy Văn Như Cương và chúc thầy mạnh khỏe."

Bạn đọc Phạm Hải Duyên (duyenmiu203@...) tán thành: "Đúng vậy, việc dạy một đứa trẻ không hề đơn giản tí nào và đó có lẽ là vấn đề mà xã hội hiện nay rất quan tâm. Đó không phải chỉ đơn thuần là việc dạy đạo đức, dạy tính trung thực mà còn nhiều hơn thế nữa."

"Nó là cả một quá trình dạy dỗ đầy gian nan từ khi đứa trẻ mới chào đời cho đến khi lớn, bao gồm việc hình thành cho trẻ những kĩ năng sống đúng và sống tốt. Không ai có thể vạch ra cả một định hướng là sẽ dạy gì cho một đứa trẻ nào đó mà chỉ có thể gọi là đi bước nào hay bước đấy thôi."

"Nhưng nói vậy không có nghĩa là thiếu chú trọng và được quyền sơ suất trong việc dạy một đứa trẻ. Và đúng như những gì mà tác giả đã viết, việc giáo dục cho trẻ không phải chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà đó phải là sự kết hợp nhịp nhàng giữa nhà trường, gia đình và xã hội để đem lại hiệu quả tốt nhất."

"Cảm ơn bài viết của tác giả thật sâu sắc và chạm được đến một vấn đề bức thiết mà xã hội quan tâm!"

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên