Xem xét, xử lý bác sĩ tiếp tayĐường dây mang thai hộ, đẻ thuê
Phóng to |
Thẩm phán Huỳnh Ngọc Ánh - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP |
Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số ý kiến liên quan đến vấn đề này.
Chị H.N.X.M. (TP Nha Trang, Khánh Hòa): Không mang thai được: rất khổ!
Vợ chồng tôi lấy nhau năm năm vẫn chưa có con, đi khám bác sĩ bảo chồng tôi bị yếu, phải làm thụ tinh nhân tạo mới có con được. Vợ chồng dành dụm rồi cùng nhau khăn gói vào TP.HCM để kiếm con. Tôi đã trải qua năm lần đặt phôi nhưng đều bị hỏng, cứ mỗi lần đậu thai tôi lại nằm suốt trên giường, mọi sinh hoạt đều do mẹ đẻ và chồng phục vụ. Mẹ tôi, sau nhiều lần tôi đậu thai lại hỏng, thở dài: “đậu hoài mà chẳng tốt nghiệp được”. Tôi cảm thấy chán nản khủng khiếp, mỗi lần như thế tôi chỉ muốn buông xuôi tất cả và ước giá như có người đẻ giùm mình.
Sự mệt mỏi, đau đớn, chán nản trong những ngày làm thụ tinh ống nghiệm khiến tôi chẳng thiết tha điều gì khác. Nhưng cũng chính những ngày thuê phòng trọ gần Bệnh viện Từ Dũ để kiếm con, tôi thấy mình vẫn còn rất may mắn hơn nhiều phụ nữ khác khi bản thân vẫn có khả năng được mang nặng đẻ đau ra đứa con của mình. Tôi đã gặp một chị ở Hà Tĩnh, tử cung có vấn đề nên chẳng có thai được, hai vợ chồng cũng khăn gói vào Sài Gòn chữa bệnh nhưng đành dắt nhau về vì không đủ tiền thuê người mang thai hộ. Chị ấy tâm sự với tôi: chắc về quê phải để chồng đi lấy vợ khác kiếm một đứa con, rồi òa khóc nức nở.
Bây giờ tôi may mắn đã có một bé gái hơn 1 tuổi, mỗi lần thơm nựng con tôi hiểu rằng những người phụ nữ không có con đang để vuột mất niềm hạnh phúc không gì sánh nổi trên đời. Bản thân tôi thấy việc mang thai hộ rất cần, đó là giải pháp để những người không thể mang thai có một đứa con. Điều này sẽ đem lại niềm hạnh phúc cho những người mẹ không may mắn và theo đó những bất hòa trong gia đình cũng sẽ được giải quyết, chứ vợ chồng sống với nhau không có con thì nhiều bi kịch lắm.
Phóng to |
Tiến sĩ Vũ Bá Quyết - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP |
Ông Huỳnh Ngọc Ánh (phó chánh án TAND TP.HCM): Phải suy xét kỹ về hành vi trục lợi khi mang thai hộ
Tôi không nói ủng hộ hay không ủng hộ việc mang thai hộ, bởi vấn đề ở đây không chỉ là câu chuyện của những người hiếm muộn mà còn là chuyện nhân đạo trong xã hội và phụ thuộc nhiều vào văn hóa, phong tục tập quán của mỗi quốc gia khác nhau. Nhưng nhu cầu cần người mang thai hộ là có thật.
Việc kết luận hành vi mang thai hộ có trục lợi hay không cần phải xét ở nhiều khía cạnh và nguyên nhân, ví dụ người hiếm muộn vì muốn con mình khỏe mạnh nên người ta có thể bồi dưỡng cho người mang thai hộ nhiều tiền, để người mang thai có thể sống thoải mái, ăn uống đủ chất để thai nhi khỏe mạnh nhất. Và cũng tùy tình hình tài chính của từng gia đình mà có người này bồi dưỡng nhiều, hoặc việc đưa nhiều hay đưa ít, ăn uống sinh hoạt thế nào họ đâu cần nói thật với những người xung quanh nên khó gọi đây là hành vi trục lợi. Còn những người môi giới mang thai hộ để kiếm tiền chênh lệch là những người đáng bị lên án và cần ngăn chặn. Tuy nhiên, để khẳng định việc trục lợi này phải diễn ra nhiều lần và lặp lại thì mới có thể kết luận được.
Tiến sĩ Vũ Bá Quyết (phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương): Rất ít người sẵn sàng mang thai hộ người thân
Thực tế, tại Bệnh viện Phụ sản trung ương có rất nhiều bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo (ung thư) phải cắt đi tử cung nhưng trứng vẫn còn và thật sự họ có nhu cầu có một đứa con, nhưng không phải ai là người thân trong gia đình họ cũng sẵn sàng mang thai hộ. Trong khi đó, có những người sẵn sàng mang thai hộ và tôi biết hiện đã có đội ngũ chuyên nghiệp làm việc này, cũng từ đây sinh ra đội ngũ “cò” chuyên nghiệp.
Dưới góc độ y học, tôi khẳng định mang thai hộ là nhu cầu có thật, và cần phải có người mang thai giúp những người không thể mang thai được. Khi ở Việt Nam chưa được công nhận thì đã có người ra nước ngoài để nhờ người mang thai và họ sẵn sàng trả giá lên tới hàng tỉ đồng.
Cũng có thực tế là có những người rất nhiều tiền cần có con nhưng khi tìm người mang thai hộ họ không muốn tìm người quen để nhờ, chỉ đơn giản họ sợ sau này sẽ phiền phức. Những người này thường nhờ qua rất nhiều người khác nhau để có được một kết quả như ý muốn. Tuy nhiên chưa có chuẩn mực nào cho việc mang thai hộ cả. Còn về mặt xã hội, cần phải tuyên truyền để người thân của những người không thể mang thai có thể hỗ trợ họ có con. Đó là điều mà biết bao bệnh nhân đang cần.
Phóng to |
Luật sư Phạm Công Út - Ảnh: CHI MAI |
Luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM): Cần làm rõ để xử phạt Pháp luật hiện hành vẫn chưa cho phép mang thai hộ nên việc mang thai hộ, làm môi giới cho những người có nhu cầu, bác sĩ dùng chuyên môn kỹ thuật của mình để thực hiện việc này bị xem là vi phạm pháp luật. Theo nghị định 96/2011 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thì hành vi mang thai hộ được xếp vào nhóm những vi phạm có mức xử phạt cao nhất: 30-40 triệu đồng. Sở Y tế cũng cần phải kiểm tra, xử lý hành vi của phòng mạch và bác sĩ đã tiếp tay cho đường dây thụ tinh nhân tạo, mang thai hộ trái quy định của pháp luật này, xử phạt hành chính thật nặng và có thể rút giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề của người vi phạm. Hiện nay, dự thảo sửa đổi Luật hôn nhân và gia đình tuy có cho phép việc mang thai hộ nhưng cũng chỉ là cho phép đối với các trường hợp vì mục đích nhân đạo, nghiêm cấm việc mang thai hộ vì mục đích thương mại: mang bầu, đẻ thuê để lấy tiền, thuê người khác đẻ thuê vì không muốn mang thai dù vẫn có khả năng mang thai. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận