24/07/2013 09:56 GMT+7

Coi chừng thất thoát nước sau đồng hồ

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - Hàng trăm khách hàng sử dụng nước máy tại TP.HCM té ngửa khi nhận được hóa đơn tiền nước tăng gấp nhiều lần so với những tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do đường ống cấp nước phía sau đồng hồ bị bể ngầm.

t9QEDCxE.jpgPhóng to
Phao nước bị kẹt khiến nước sạch nhà ông Nguyễn Quang Thông chảy tràn ra ngoài - Ảnh: Q.Khải

Theo quy định, hệ thống ống cấp nước phía sau đồng hồ do khách hàng đầu tư và chịu trách nhiệm quản lý. Vì vậy khi đường ống bị xì bể, lượng nước thất thoát khách hàng vẫn phải trả tiền cho ngành cấp nước.

“Choáng” với hóa đơn tiền nước

Nhận hóa đơn tiền nước tháng 6-2013, ông Nguyễn Quang Thông (ở đường Lê Đức Thọ, P.13, Q.Gò Vấp) choáng váng vì số nước tiêu thụ đến 521m3, tương đương số tiền phải trả hơn 6,6 triệu đồng, gấp 20 lần so với những tháng trước.

Theo ông Thông, trước nay gia đình ông sử dụng mỗi tháng 30-35m3 (chưa tới 300.000 đồng) nên ông đề nghị Công ty TNHH một thành viên cấp nước Trung An (gọi tắt là Công ty cấp nước Trung An) cử nhân viên xuống hiện trường kiểm tra đồng hồ nước.

Hàng trăm trường hợp thất thoát nước sau đồng hồ

Những trường hợp nêu trong bài thuộc hàng trăm trường hợp thất thoát nước phía sau đồng hồ trên địa bàn TP.HCM trong bảy tháng năm nay. Tại Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định có 74 trường hợp với tổng lượng nước qua đồng hồ hơn 54.000m3 (hơn 776 triệu đồng). Trong đó, có những khách hàng sử dụng trung bình 28-30m3/tháng nhưng nước sạch thất thoát lên đến 1.900m3, tương đương số tiền 35 triệu đồng. Tương tự, tại Công ty cấp nước Trung An có 43 trường hợp với tổng lượng nước qua đồng hồ là 24.099m3, tương đương số tiền 309 triệu đồng. Tại Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn cũng có đến 83 trường hợp thất thoát nước sau đồng hồ.

Hệ thống cấp nước (sau đồng hồ nước) nhà ông Thông nối vào bồn chứa được âm sâu trước sân nhà. Bồn nước này được cài phao tự động, khi nước đầy bồn phao tự động khóa lại.

Bồn chứa nước có dung tích chỉ 500 lít nhưng khi nhân viên Công ty cấp nước Trung An cho nước chảy qua đồng hồ hơn 1.000 lít mà đồng hồ vẫn quay liên tục. “Hệ thống đường ống hoặc bồn nước sau đồng hồ bị xì, bể” - các nhân viên kiểm tra kết luận.

Chưa tin kết quả kiểm tra, ông Thông kêu thợ đến đào tung bồn nước âm dưới đất lên thì phát hiện hệ thống phao trong bồn bị kẹt khiến nước cứ chảy vào bồn chứa rồi tràn ra ngoài. Lúc này ông Thông mới chấp nhận đóng tiền nước.

Gia đình ông Trần Ngọc Chương (ở đường Lê Văn Sỹ, P.14, Q.3) cũng phải trả tiền nước “oan” với gần 11 triệu đồng/tháng vì đường ống nước sau đồng hồ bị bể ngầm lâu ngày không được phát hiện.

Người nhà ông Chương cho biết sau khi nâng nền, sửa nhà thì thấy áp lực nước máy yếu đi nhưng cứ nghĩ mùa khô mọi người trong khu vực sử dụng nước nhiều làm áp lực nước yếu, đến khi hóa đơn tiền nước lên đến 826m3, cả nhà mới té ngửa. Sau đó nhân viên Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định hướng dẫn kiểm tra thì phát hiện đường ống cấp nước bị bể...

Tháng 3-2013, anh Hải (đường Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh) sửa lại nhà với gần chục phòng định cho thuê. Thời gian đầu chưa có người ở, còn gia đình anh Hải đóng cửa đi suốt nhưng đồng hồ nước báo trong tháng nhà anh dùng đến 1.444m3 (tương đương số tiền gần 19 triệu đồng)... Trường hợp này cũng do đường ống nước trong nhà bị bể.

Nhiều nguyên nhân

Theo các công ty cấp nước, tình trạng thất thoát nước sạch sau đồng hồ gia tăng trong thời gian gần đây do nhiều nguyên nhân nhưng đường ống bị xì bể dẫn đến thất thoát nước là phổ biến nhất. Có thể do quá trình lắp đặt, khách hàng không mua đúng vật tư chất lượng, quá trình đấu nối đường ống, dán keo không đều dẫn đến các mối nối không kín nên nước bị rò rỉ. Một nguyên nhân khác thường thấy nữa là do đường ống ngầm dưới nền nhà và kết cấu căn nhà bị lún không đều đè lên khiến đường ống bị xì bể.

Xem xét giảm tiền nước thất thoát

Các công ty cấp nước cho biết đều có xem xét giảm một phần tiền nước bị thất thoát cho khách hàng, đặc biệt đối với khách hàng có hoàn cảnh khó khăn. Nguyên tắc xem xét giảm là tính giá thành theo giá bình quân chứ không tính theo giá lũy tiến bậc thang.

Theo một cán bộ Công ty cấp nước Trung An, các phao của bồn chứa âm dưới đất không kín, bị hỏng, kẹt... nhưng không được phát hiện kịp thời cũng là nguyên nhân gây thất thoát nước.

Do hệ thống ống nước thường âm dưới đất, ít được kiểm tra, bảo dưỡng nên khi có sự cố khách hàng không hay biết, chỉ đến khi nhận được hóa đơn tiền nước mới “tá hỏa” và đi kiểm tra. Những trường hợp có lượng nước qua đồng hồ quá lớn, chênh lệch nhiều lần với các tháng trước đó, khách hàng còn có thể kiểm tra, xử lý sự cố.

Còn những trường hợp rò rỉ nhỏ, lượng nước thất thoát không nhiều do các van nước trong nhà, phao bồn cầu... không kín, lắp đặt sai khiến nước sạch rò rỉ liên tục lúc không sử dụng, khách hàng rất khó phát hiện...

Theo ông Nguyễn Quốc Thái - giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định, cách đơn giản nhất để khách hàng biết được hệ thống cấp nước trong nhà có bị rò rỉ hay không là chỉ cần khóa tất cả van nước trong nhà (tạm thời không sử dụng nước) rồi quan sát đồng hồ nước. “Nếu không sử dụng nước nhưng đồng hồ vẫn quay, tùy tốc độ quay chậm hay nhanh là biết được mức độ rò rỉ của hệ thống cấp nước trong nhà. Khi đó nên kêu thợ đến sửa chữa càng sớm càng tốt” - ông Thái lưu ý.

Trường hợp phát hiện đồng hồ quay “như chong chóng” khi không sử dụng nước nên khóa van nước trước đồng hồ để giảm lượng nước thất thoát trước khi kêu thợ sửa chữa.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên