18/07/2013 18:20 GMT+7

Tháo dỡ nhà xây không phép: mới xử lý phần ngọn?

TTO
TTO

TTO - Bản tin Xây nhà không phép, tiền thành cát bụi đã nhận được những ý kiến bức xúc từ bạn đọc. Các ý kiến tập trung vào một câu hỏi: chính quyền ở đâu khi để dẫn tới cảnh cưỡng chế những ngôi nhà không phép.

A0B0b3Bo.jpgPhóng to
Tháo dỡ nhà xây dựng trái phép ở xã Vinh Lộc A (Bình Chánh) - Ảnh tư liệu

Xây nhà không phép, tiền thành cát bụiTP.HCM lập "đội đặc nhiệm" xử lý nhà xây trái phép

Bạn đọc Hiếu Nhi (hieu_nhi1602@...) bày tỏ: "Suy cho cùng thì người dân không bao giờ tự ý làm việc gì mà qua mặt chính quyền. Chỉ do những tham quan ăn hối lộ của dân thì mới bỏ qua cho dân làm. Bây giờ xử phạt thì những người nghèo lại càng khốn khổ hơn".

Bạn Hiếu Nhi phân tích: "Các vị cứ đóng giả làm 1 người dân bình thường có nguyện vọng xây nhà thì sẽ biết ngay người đứng sau những cò mồi đó là ai. Nếu cần thì lập đội đặc nhiệm điều tra những tham quan này trước, xử lý, tịch thu những khoản tiền bất chính của họ trước, rồi tìm cách giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả. Như thế mới thỏa đáng và hợp lòng dân. Đằng này cách xử lý lại là làm cho dân khốn đốn, những tham quan đó thành "ngư ông đắc lợi".

"Thử hỏi những người dân khốn khổ sẽ phải làm gì sau khi tất cả tài sản của họ bị mất... mà đa số họ là lao động nghèo và công nhân nghèo. Mong các vị quan chức có thể ngồi lại suy nghĩ cách giải quyết hậu quả của những thực trạng này", bạn đọc Hiếu Nhi viết.

Bạn đọc Võ Tá Luân (vo12luan@...) chia sẻ: "Tôi là một người dân sinh sống tại địa phương nên tôi hiểu rất rõ quy luật ở đây. Đúng như những gì người dân bị tháo dỡ nhà đã phản ảnh, việc chung chi là rất lớn mới được xây, nếu không có chung chi đảm bảo không có căn nhà nào mọc lên mà không bị cưỡng chế ngay. Vì thế các quan chức liên quan bảo không biết là không đúng".

Bạn đọc Tá Luân đề nghị: "Nhà nước nên có giải pháp như vẫn cho phép dân xây nhà để ở. Có thể phải nộp một mức phí nào đó và trong trường hợp khu vực này có quy hoạch, người dân sẽ không được đền bù. Còn như hiện nay, Nhà nước vẫn thất thu, dân phải chung chi lớn để xây nhà (nếu không xây sẽ không có nhà để ở). Nếu làm như thế Nhà nước vẫn có một nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng cho dân. Còn không, số tiền đó chỉ vào túi ai đó, mà ai đó là ai nếu không có chức có quyền cho phép xây dựng".

Bạn đọc Tá Luân mong mỏi: "Hi vọng sớm có chính sách tháo gỡ những khó khăn hiện nay cho dân nhờ mà vẫn đảm bảo lợi ích đôi bên - cả dân và cơ quan quản lý. Mong lắm thay!".

Bạn đọc Nguyễn Long (minhlong@...) bức xúc: "Đọc xong bài viết thấy thật xót xa. Đầu tắt mặt tối, làm việc cật lực để kiếm được đồng tiền, tạo dựng cho mình một nơi chốn định cư của những người con tha phương cầu thực. Nhưng kết cục lại như thế này sao? Lỗi tại ai? Chờ xin ý kiến giải quyết? Chờ... chỉ thị? Hay chờ sự cập nhật kiến thức về điều hành quản lý của các quan?".

Để giải quyết dứt điểm tình trạng xây dựng nhà không phép?

Hiện nay TP.HCM đang tiến hành tháo dỡ và buộc tháo dỡ một số căn nhà xây dựng không phép trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Việc xây nhà không phép trên địa bàn một số quận, huyện tại TP.HCM kéo dài đã nhiều năm nay là một thực tế làm đau đầu cơ quan chức năng. Chính quyền cũng đã phải tốn nhiều công, của để ngăn chặn và xử lý vấn đề này. Nhưng các biện pháp xử lý hiện nay mới chỉ là giải quyết phần ngọn, để giải quyết dứt điểm vấn đề này thì phải tìm ra căn nguyên gốc rễ của nó.

Sở dĩ người dân chấp nhận rủi ro mua đất giấy tay, chịu chung chi để được chính quyền địa phương làm lơ trong việc xây nhà không phép vì có mức giá thấp. Xin đơn cử như ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) - điểm nóng của xây nhà không phép, tiền mua một lô đất khoảng 40m2 ở mức trung bình từ 250-300 triệu đồng, tiền “lo” xây dựng từ 40-60 triệu đồng, chi phí xây dựng nhà cấp 4 khoảng trên 100 triệu đồng, nếu ai chưa có tiền thì có thể làm nhà tôn ở tạm. Với mức giá hơn 400 triệu đồng là có nhà để ở nên khi các đầu nậu mua đất nông nghiệp, làm đường sơ sài rồi phân lô là bán hết ngay trong thời gian ngắn.

Trong khi đó theo quy định của Quyết định 19/2009/QĐ-UBND ngày 25-2-2009 của UBND TP.HCM thì tại các địa bàn này nếu muốn tách được thửa để chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở thì diện tích tối thiểu phải là 120m2. Nếu đáp ứng đúng yêu cầu về diện tích thì để mua được một miếng đất làm nhà phải bỏ ra số tiền lớn hơn nhiều. Điều này vượt quá khả năng của những người có thu nhập thấp.

Đây là nguyên nhân chủ yếu nhất, nếu thành phố không sớm chủ động tháo gỡ vấn đề này thì việc phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, xây nhà không phép sẽ còn kéo dài.

Nên chăng ngoài quy định chung diện tích tối thiểu 120m2 mới cho tách thửa, chính quyền thành phố nên quy hoạch một số khu vực có diện tích tối thiểu nhỏ hơn - ví dụ khoảng 60m2, chỉ khống chế về chiều rộng mặt đường và chiều ngang của thửa đất cho phù hợp, vẫn đảm bảo sự khang trang của khu dân cư, có như vậy thì người có thu nhập thấp mới đủ khả năng mua đất và làm nhà ở một cách hợp pháp.

Hiện tại cơ quan chức năng thành phố có thể lựa chọn một số địa điểm tại các vùng “nóng” về xây dựng không phép để làm thí điểm. Nếu có chính sách hợp lý, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện.

Trong khi các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa có thói quen ở nhà cao tầng và còn tâm lý “sở hữu” một mảnh đất của riêng mình, thiết nghĩ chính quyền thành phố nên có sự điều chỉnh chính sách phù hợp để giải quyết dứt điểm tình trạng xây nhà không phép như hiện nay.

Luật sư Nguyễn Thành Công

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên