1. Người dân xóm tôi từ bao đời nay sống bằng nghề nông trồng lúa. Điều may mắn là đất đai ở đây khá màu mỡ nên năng suất lúc nào cũng cao nhất huyện, được xem là vùng lúa cao sản. Kinh nghiệm trồng lúa chủ yếu là truyền miệng từ đời này qua đời khác nên phương thức canh tác giữa các ruộng đều giống nhau. Những năm 1980, 1990, khi rầy nâu, rầy cám, sâu bệnh xuất hiện nhiều, cứ cách vài ngày gần như nhà nhà đều ra đồng phun thuốc.
Và cũng từ lâu người dân trong xóm ra đồng phun thuốc đơn thuần chỉ mặc chiếc áo dài tay, quần ngắn, đội nón lá là xong. Cứ 10 nông dân thì có đến chín người không đeo khẩu trang, không mang ủng, găng tay khi xịt thuốc trừ sâu. Thuốc cấm như Monitor dùng để trừ sâu bệnh hại lúa cũng đưa vào sử dụng. Có những thanh niên cởi trần, hút thuốc, không ăn sáng hay vừa nhậu xong là xịt thuốc ngay. Do hiếm khi gặp trường hợp bị ngộ độc nên ai cũng lơ là. Sau khi xịt xong có người súc bình tại ruộng, có người mang về nhà, đổ nước súc bình xuống kênh mương gần đó.
Một thói quen khác là vỏ chai hay bao bì đựng thuốc đã hết không ai mang về nhà chôn hoặc xử lý cho an toàn mà vứt bừa vào bụi chuối hoặc gốc cây ven đường. Có lẽ đó chính là lý do mà cá sặc, cá rô dưới kênh thưa dần, ngay cả loài đỉa cũng biến mất. Khi mật độ sâu bệnh ngày càng cao thì mọi người tự ý tăng liều lượng thuốc trong mỗi lần xịt, pha chế đủ loại, và từ đó lác đác vài trường hợp ngộ độc thuốc trừ sâu xuất hiện. Vậy mà không ai nghĩ rằng mình xịt thuốc không đúng cách, chỉ đổ lỗi vì “yếu trong mình” trong khi phun thuốc.
2. Cho đến đầu năm 2000, Phòng nông nghiệp huyện chọn xóm tôi làm nơi thí điểm chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM. Cùng với việc tập huấn, nông dân được huấn luyện cụ thể cách thức sử dụng các chất hóa học có độ an toàn cao để bảo vệ giống cây trồng; học phương pháp pha chế hóa chất tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ với nông dân và người sử dụng cũng như được tập huấn cách bảo quản thuốc bảo vệ thực vật. Lần đầu tiên nhiều nông dân được “học lại” cách phun thuốc trừ sâu sao cho hiệu quả, đảm bảo an toàn. Sau khi nghe các báo cáo viên phân tích tác hại của việc phun thuốc không đúng cách, nhiều nông dân ngồi bên dưới cứ ngẩn người, có người “sởn da gà” trước việc lâu nay mình quá chủ quan với sức khỏe mà hiệu quả mang lại không cao.
Ba tôi tham gia đầy đủ các buổi học và ghi chép khá cẩn thận. Về nhà, ông “tập huấn” lại cho gia đình và buộc tôi phải xem hết những tờ bướm mang về. Không chỉ ba tôi, những ai đã dự lớp tập huấn này đều trở thành tuyên truyền viên tích cực trong việc sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật. Hiệu quả thấy ngay ở mùa vụ đầu tiên áp dụng chương trình IPM. Năng suất lúa bằng hoặc cao hơn trước kia. Dần dần, bà con trong xóm ai cũng có ý thức trong việc sử dụng, bảo quản thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình IPM nông dân cũng hạn chế phun thuốc khi không cần thiết, vừa đỡ tốn kém, an toàn cho sức khỏe vừa bảo vệ được thiên địch. Đặc biệt khi phun thuốc mọi người phải tự giác mang khẩu trang loại chuyên dùng chống độc, đeo kính, mặc áo nilông dài tay, quay lưng đi lùi lại với chiều gió không để thuốc tạt vào người...
Trên bờ ruộng, nhiều nông dân còn trồng các loại hoa có màu sặc sỡ để thu hút thiên địch diệt sâu bọ. Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng hết được chôn sâu dưới đất, xa nguồn nước, có người cẩn thận còn rắc tro, rải vôi. Tại trường tiểu học của ấp, thầy cô cũng lưu ý học sinh về nhắc nhở gia đình trong việc giữ gìn môi trường, thu gom vỏ bao bì thuốc rơi vãi. Những việc không phải mất nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả mang lại rất lớn.
Không thể có một nền nông nghiệp nào lại không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vấn đề là làm sao sử dụng thuốc hợp lý, đảm bảo cây trồng cho năng suất cao, an toàn sức khỏe cộng đồng và môi trường mới là điều cốt lõi. Nước ta là nước nông nghiệp với khoảng 80% dân số sống bằng nghề nông. Nếu như ai cũng ý thức được như xóm tôi thì sống xanh đâu phải là chuyện gì to tát.
Cuộc thi “Sống xanh” với tổng giải thưởng 62 triệu đồng, bao gồm cuộc thi viết và cuộc thi ảnh. Cuộc thi viết sẽ kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7, cuộc thi ảnh kéo dài đến ngày 7-8. Cảm ơn các bạn và mong nhận thêm nhiều tác phẩm dự thi qua địa chỉ thisongxanh@gmail.com (thi viết) và http://tuoitre.vn/song - xanh/(thi ảnh). Ban tổ chức |
Đơn vị phối hợp tổ chức
Phóng to
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận