Phóng to |
Thu lưới, mở đảy cho hơn 1 tấn cá bé trở lại biển - Ảnh: V.M.Huy |
Ai trên tàu cũng cùng chung một suy nghĩ, chung một hành động rằng “chỉ bắt cá lớn, không bắt cá bé” vì mục tiêu nuôi dưỡng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển đảo Tổ quốc.
Cá bé phải thả
Đầu tháng 6, tôi có dịp đi theo tàu cá QNg-96111TS ra biển. Ngư dân Nguyễn Gia Viên cùng 22 ngư dân đi trên tàu cá này chuyên săn tìm, đánh bắt cá bằng nghề lưới vây rút chì. Sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, đến tối tàu chúng tôi bắt đầu thả neo dò cá cách đảo Lý Sơn chừng 40 hải lý.
Tôi hỏi ông Viên: Nghề lưới vây rút chì lúc buông lưới thì cá lớn, cá bé, hễ con nào chui vào trong lưới đều bắt hết phải không? Ông Viên cười khà khà rồi “phản bác”: “Anh nghĩ thế không đúng! Ngư dân chúng tôi chỉ bắt cá lớn, tuyệt đối không bắt cá bé. Nếu cá lớn, cá bé cũng tận diệt như thế thì vài năm nữa cá đâu mà bắt!”. Nghe thuyền trưởng Viên nói thế, tôi gật gù nhưng cũng nghĩ trong bụng rằng các bác ngư dân nói vậy chứ khi có cá vào lưới mấy ai thả lại ra biển, vừa tốn công nhọc sức lại mất nguồn thu nhập. Nhưng tôi đã sai khi hoài nghi như thế...
Tàu chúng tôi phát hiện một luồng cá. Trên màn hình máy dò báo những vệt đỏ rõ to (vệt đỏ càng lớn thì luồng cá càng nhiều, chứ không phân định được luồng đó là cá lớn hay cá bé), ông Viên ra hiệu cho anh em trên tàu buông lưới bủa vây đàn cá. Sau khi lưới thả xong thì ngư dân trên tàu kéo thu lưới trở lại. Phải mất hơn một giờ, lưới mới kéo vào sát đến thân tàu. Cá trong lưới vùng vẫy liên hồi. Ông Viên nói ngư dân Trần Văn Thụ leo xuống thúng, đeo gương và nhảy vào trong đảy lưới để kiểm tra lượng cá. Sau khoảng năm phút kiểm tra, ông Thụ ngoi lên báo là có hơn 1 tấn cá nhưng toàn cá kình rất bé. Ông Viên và 21 ngư dân còn lại nghe ông Thụ nói vậy thì ngưng ngay việc kéo lưới và suy nghĩ, tính toán có nên bắt đưa lên tàu toàn bộ lượng cá kình trong lưới để lấy lại phí tổn hay không. Và rồi ông Viên quyết định mở đảy lưới thả toàn bộ hơn 1 tấn cá bé trở lại biển.
Thả 1 được 10!
Mắt tôi cứ nhìn chăm chăm vào đảy lưới, thấy cá nhiều vô số đang lần lượt bơi ra khỏi lưới lặn mất hút dưới biển sâu. “Sao không bắt hết lên anh Viên ơi?”, tôi hỏi. Ông Viên cười nói: “Thả 1 nhưng được 10”.
Thấy tôi xòe hai bàn tay và lắc lư cái đầu tỏ vẻ không hiểu, ông Viên giải thích: “Cá này là cá kình. Nó còn rất nhỏ. Loại cá này mai mốt lớn lên thì có cái tên khác là cá bù nú, con trưởng thành cũng phải cả ký. Mình thả chúng đi mai mốt chúng lớn, rồi sinh sản thêm nhiều cá thì ngư dân chúng tôi bắt sẽ đạt sản lượng gấp 10 lần so với 1 tấn cá bây giờ. Nói thiệt, thả số cá này lại biển cũng tiếc nhưng phải thả ra cho chúng lớn, chúng sinh sản nhiều. Mình làm biển lâu dài chứ đâu phải làm ngày một ngày hai mà đi tận diệt kiểu đó. Mai mốt đời con mình đi biển nữa nên phải biết vì cái lợi lâu dài hơn cái lợi trước mắt”.
Trên tàu, khi đảy lưới đã mở cho toàn bộ lượng cá trong lưới ra ngoài, anh em ngư dân lại cùng nhau bắt những con cá bé còn mắc kẹt trong lưới và trên tàu để thả chúng trở lại biển. Ngư dân Trần Minh mồ hôi nhễ nhại sau hơn một giờ vất vả kéo lưới vẫn cười tươi: “Kéo được tay lưới như thế này khổ nhọc lắm, nhưng cá nhỏ thì mình phải thả cho nó sống. Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi tha cho cá bé. Anh em nói với nhau rồi là chỉ bắt cá lớn thôi, tuyệt đối cá bé phải tha”.
Nghe những lời giải thích của ngư dân, tôi ngộ ra một điều tuyệt diệu: ngư dân đang sống rất... xanh! Điều ấy càng được chứng minh khi tôi gặp và hỏi chuyện một vài chủ tàu cá khác trên đất đảo Lý Sơn khi tàu cá chúng tôi cập về lại cảng cá Lý Sơn lúc mặt trời vừa ló. Ai cũng nói: không bắt cá bé!
Đơn vị phối hợp tổ chức
Phóng to
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận