07/05/2013 04:30 GMT+7

Nạo vét sông gây sạt lở nặng

THANH TÚ
THANH TÚ

TT - Sông Cái Vừng là ranh giới giữa huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) và thị xã Tân Châu, huyện Phú Tân (An Giang).

Do sông này bị bồi lắng nên UBND tỉnh An Giang giao UBND huyện Phú Tân làm chủ đầu tư dự án nạo vét trên toàn tuyến hơn 20km với thời gian thi công từ đầu năm nay đến hết năm 2014. Người dân ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự phản ảnh công trình nạo vét sông này gây sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống bình thường của họ.

xTOguQeV.jpgPhóng to
Người dân xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự phản ứng việc nạo vét không đúng phê duyệt, gây sạt lở sông Cái Vừng - Ảnh: Thanh Tú

UBND huyện Phú Tân đã chỉ định thầu cho năm đơn vị nạo vét sông kết hợp với thu hồi cát sông. Huyện cũng yêu cầu các đơn vị thi công phải tuân thủ các quy định về cắm biển báo, phao giới hạn đúng với phê duyệt. Theo đó, bề rộng luồng 30m, nạo vét sâu 9m, chỉ được nạo vét giữa sông, cách bờ sông trung bình 40m. Quy định này là hợp lý nên được người dân tán thành.

Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn nạo vét một đoạn sông dài khoảng 300m thuộc xã Long Thuận thì nảy sinh mâu thuẫn gay gắt giữa đơn vị thi công và người dân hai bên bờ sông. Nhiều người đã phản ứng thái quá bằng cách lấy đá ném vào sà lan đang nạo vét sông vì cho rằng sà lan nạo vét quá gần bờ gây sạt lở.

Dẫn chúng tôi ra phía bờ sông bị sạt lở, ông Nguyễn Văn Hai (80 tuổi, ngụ xã Long Thuận) nói khi đơn vị thi công nạo vét sông, khu vực đất phía sau nhà ông từ từ lở toác rồi... sạt xuống sông. “Mới mấy ngày trước, tôi có thể đi bộ ra gần giữa sông khi nước cạn, còn bây giờ mới bước xuống vài mét đã lọt sông. Với đà này thì chẳng bao lâu nữa nhà của bà con ở đây lọt xuống sông hết” - ông Hai lo lắng.

Ông Dương Trung Kỉnh, trưởng Phòng tài nguyên và môi trường huyện Hồng Ngự, cho biết ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, cơ quan đã cử cán bộ đến kiểm tra, xác minh. Qua kiểm tra, phòng lập biên bản 2/3 đơn vị thi công bố trí sà lan nạo vét không đúng quy định và nạo vét sâu hơn dự án phê duyệt.

Ngoài việc nạo vét không đúng theo phê duyệt gây sạt lở, người dân hai bên bờ sông Cái Vừng còn phát hiện đơn vị thi công chỉ lấy cát, bỏ bùn. Ông Dư Thiện Hiền, một người dân ở xã Long Thuận, bức xúc: “Dự án nạo vét để thông luồng thì phải thực hiện từ đầu vàm đến cuối vàm. Đằng này họ cứ lựa chỗ nào có cát thì tập trung khai thác. Một đoạn sông dài 300m nhưng từ ngày 1 đến 23-4, tôi thấy mỗi ngày có hơn 10 sà lan tải trọng 1.000m3 đến nhận cát chở đi. Họ lấy cát quá nhiều nên không thể tránh được sạt lở”.

Nguy hiểm hơn, người dân ở đây còn thấy sà lan thả cạp xuống sông, khi kéo lên có cát thì lấy, còn bùn thì nhả ra cho rơi trở lại xuống sông.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và môi trường, công suất nạo vét trên sông Cái Vừng hơn 6.000 m3/ngày là hợp lý. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào giám sát của người dân thì mỗi ngày sà lan lấy từ sông này không dưới 10.000m3 cát. Cũng theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và môi trường, trữ lượng nạo vét sông này khoảng 3,5 triệu m3 nhưng tại quyết định phê duyệt dự án nạo vét của UBND tỉnh An Giang lại ghi trữ lượng nạo vét lên đến gần 4,8 triệu m3.

Ông Dương Trung Kỉnh thừa nhận tình trạng nạo vét sông Cái Vừng không đúng phê duyệt gây sạt lở như người dân phản ảnh là có. Riêng chuyện đơn vị nạo vét “bỏ bùn lấy cát”, ông Kỉnh nói phòng sẽ đi kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện vi phạm sẽ lập biên bản xử lý. Còn việc khai thác quá trữ lượng cho phép, ngành tài nguyên và môi trường sẽ phối hợp với chi cục thuế kiểm tra hóa đơn, chứng từ của các đơn vị nạo vét khi bán cát cho các công trình để nắm lại số liệu...

THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên