19/03/2013 06:15 GMT+7

Công trình ngàn tỉ làm ì ạch

HÀ MI
HÀ MI

TT - Cuối tháng 12-2009, cầu Đồng Nai mới được đưa vào sử dụng nhưng đến nay các nút giao thông, hầm chui ở hai tuyến đầu cầu vẫn “án binh bất động”.

DmfB41L8.jpgPhóng to
Trong khi chờ làm cầu vượt, mỗi ngày ở ngã ba Tân Vạn rất nhiều người chạy xe ngược chiều trên quốc lộ 1 xuống hầm chui cầu Đồng Nai - Ảnh: HÀ MI

Trong khi đó tại lễ khánh thành cầu Đồng Nai mới, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành hai tuyến đầu cầu vào tháng 8-2011 đúng như cam kết.

Cầu xong, đường tắc

1.877 tỉ đồng

Dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu do Tổng công ty Xây dựng số 1 làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 1.877 tỉ đồng (vốn BOT 1.255 tỉ đồng, ngân sách nhà nước 622 tỉ đồng).

Theo Tổng công ty Xây dựng số 1, quy mô các hạng mục dự án ở hai tuyến đầu cầu Đồng Nai mới gồm: cầu vượt Tân Vạn được xây dựng trên xa lộ Hà Nội theo hướng từ TP Biên Hòa về TP.HCM, đường gom chui dưới cầu. Hầm chui: nằm trên quốc lộ 1 theo hướng từ TP.HCM về TP Biên Hòa. Nút giao thông Vũng Tàu: tổng chiều dài nút 1,6km, xây dựng nút giao lập thể kết nối giao thông các tuyến xa lộ Hà Nội, quốc lộ 51, tuyến tránh TP Biên Hòa. Nút giao thông Tân Vạn: tổng chiều dài nút 1km, giải quyết kết nối giao thông giữa xa lộ Hà Nội, tỉnh lộ 16, tỉnh lộ 747 (Bình Dương).

Đến nay, chúng tôi trở lại các vị trí ở hai tuyến đầu cầu thì thấy công trình này rất ì ạch. Ở phía đầu cầu khu vực ngã ba Tân Vạn (Bình Dương), một khối ống nước đồ sộ được đơn vị thi công cầu để nằm ven đường dọc quốc lộ 1. Ông Nguyễn Văn Hải, một người dân ở đây, cho biết: “Nghe nói làm vòng xoay, hầm chui từ lâu rồi nhưng chẳng thấy hình hài đâu cả. Từ khi ngăn con lươn, phân luồng người dân chờ đường tốt để đi nhưng đợi mãi. Khi người dân sợ đi xa phải băng con lươn qua quốc lộ 1, hoặc đi ngược chiều để xuống hầm chui cầu Đồng Nai mới về ngã ba Vũng Tàu”. Theo ông Hải, trong khi chờ những con đường ở hai đầu cầu Đồng Nai mới cho “ngon lành”, người dân đã vi phạm giao thông và từng xảy ra tai nạn chết người.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các hạng mục nằm trong dự án đang chờ thi công luôn rình rập tai nạn. Ở vòng xoay ngã ba Vũng Tàu, vào giờ cao điểm các hướng xe ra vào quốc lộ 1, quốc lộ 51 trở nên dày đặc. Trong khi chờ đường thông, đã xảy ra nhiều vụ xe tuột thắng, xe chạy ẩu gây chết người. Còn ở phía ngã ba Tân Vạn, xe máy, xe ba gác đua nhau vượt biển cấm đi ngược chiều trên quốc lộ 1 xuống hầm chui cầu Đồng Nai mới để lên cầu Đồng Nai cũ về hướng TP Biên Hòa.

Chậm vì rót tiền nhỏ giọt

Đại diện Sở Giao thông vận tải Đồng Nai cho hay trước đây do vướng giải phóng mặt bằng nên chậm trễ. Còn bây giờ chủ đầu tư giải thích do điều chỉnh giấy phép đầu tư. Sau khi các cơ quan chức năng phản ảnh về việc chưa chi tiền cho giải phóng mặt bằng, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai (thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1) đã lên kế hoạch thi công chi tiết các hạng mục và cam kết hoàn thiện tất cả vào tháng 6-2014. Trong đó, công ty cũng hứa hạn chót tháng 12-2012 chi trên 195 tỉ đồng giải phóng mặt bằng cho gần 240 hộ dân.

Thế nhưng ông Trịnh Tuấn Liêm, quyền chủ tịch UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai, nơi được giao phê duyệt phương án bồi thường, giải tỏa), khẳng định phía chủ đầu tư trả tiền “nhỏ giọt” nên không thể nào chi trả cho dân được. Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các hộ dân trong năm 2011 là 83 tỉ đồng nhưng đến nay chủ đầu tư mới chuyển 20 tỉ đồng. Đất tái định cư cho dân bị giải tỏa trắng cũng chuẩn bị sẵn sàng nhưng phải chờ đủ kinh phí. Theo một lãnh đạo TP Biên Hòa, do nhà đầu tư không “bơm” kịp vốn để bồi thường nhà đất cho người dân bị giải tỏa nên với chính sách, đơn giá đất mới của tỉnh, TP phải điều chỉnh, bổ sung giá đất cho các hộ đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường.

Cũng theo TP Biên Hòa, Bộ Giao thông vận tải đồng ý đặt một trạm thu phí ở cầu Đồng Nai nên tỉnh Đồng Nai phải điều chỉnh quy hoạch. Trong tương lai, trạm thu phí sẽ đặt ở tuyến tránh tại khu vực P.Long Bình Tân, trong khi nơi này đã áp giá bồi thường xong. Do đó TP Biên Hòa phải tính toán tiếp, xem những hộ nào đang bị giải tỏa còn diện tích rơi vào nơi quy hoạch trạm thu phí để bồi thường một lúc luôn. Về thời gian dự kiến giữa năm 2014, các hạng mục còn lại của cầu Đồng Nai mới liệu có hoàn tất như hứa hẹn của chủ đầu tư? Một người có trách nhiệm ở tỉnh Đồng Nai nói: “Giờ vốn rót ì ạch, chưa thể bồi thường cho dân thì làm sao thi công nhanh được?!”.

Người dân đề nghị hỗ trợ nơi kinh doanh mới

Ở tuyến đầu cầu Đồng Nai thuộc địa phận tỉnh Bình Dương, Trung tâm phát triển quỹ đất UBND thị xã Dĩ An cho hay trong tổng số 236 trường hợp phải thu hồi đất phục vụ dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới (tổng diện tích hơn 26,7ha), đến đầu tháng 3 vẫn còn 89 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng (trong đó có 16 trường hợp chưa nhận tiền đền bù). Đây là các trường hợp có diện tích phải bàn giao mặt bằng tập trung tại khu chợ Ngãi Thắng và các trường hợp người sử dụng đất vắng mặt chưa liên hệ được.

Các tiểu thương tại khu chợ Ngãi Thắng kiến nghị ngoài việc chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, cần phải sắp xếp chỗ ở tái định cư và nơi buôn bán mới...

Ông Trần Văn Út - phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Dĩ An - cho biết địa phương tập trung mọi biện pháp để đến tháng 5 bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới. Cũng theo ông Út, UBND thị xã Dĩ An đã bố trí 2ha dành cho các hộ tái định cư, đồng thời đang tìm kiếm vị trí xây dựng chợ Ngãi Thắng mới để các tiểu thương kinh doanh. Đối với các trường hợp đã được đáp ứng quyền lợi chính đáng và được vận động, giải thích nhiều lần mà vẫn không chịu bàn giao mặt bằng, địa phương sẽ dùng biện pháp cứng rắn theo quy định của pháp luật để thu hồi đất phục vụ dự án.

BÁ SƠN

HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên