Phóng to |
Từ bản Liệp Muội di chuyển lên bản Lóng, xã Chiềng Bằng, gia đình chị Bạc Thị Lược (trái) gồm tám nhân khẩu đã không còn đất trồng lúa. Không đất sản xuất, mọi người cứ quanh quẩn ở nhà, chị Lược chỉ biết ngồi dệt khăn - Ảnh: Việt Dũng |
Thủy điện lớn nhất Đông Nam Á về đích trước ba năm (khánh thành tháng 12-2012) một phần nhờ có những người dân như ở Quỳnh Nhai thực hiện công tác di dân đúng tiến độ. Nhưng sau khi di chuyển đến nơi ở mới, hầu hết người dân chưa được chia đất ruộng, thiếu nước sinh hoạt và gặp nhiều khó khăn khác.
Bao giờ trở lại ngày xưa
Đất sản xuất vừa thiếu vừa xấu Theo ông Lò Văn Thích, trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai, lòng hồ thủy điện đã nhấn chìm khoảng 3.000 ha đất sản xuất, trong đó có gần 900ha lúa nước hai vụ, trên 1.900 ha đất nương, trên 200ha đất vườn, cây ăn quả... Trước bình quân mỗi hộ nông nghiệp trong huyện có 2ha lúa nước thì nay gom đất chia lại phấn đấu bình quân 1ha/hộ. Tuy nhiên việc dồn đất để chia cho dân cũng khó khăn nên hiện các xã vẫn đang trong quá trình rà soát để chia lại. Hiện mỗi hộ di dân mới được tạm chia 1-1,2 ha đất nương, nhưng phần lớn diện tích đất đều xấu, chỉ có thể trồng được ngô, sắn. |
Gắn bó với mảnh đất, con người Quỳnh Nhai mấy chục năm nay, nhà báo Điêu Chính Tới - một người con dân tộc Thái hiện làm trưởng phân xã Thông tấn xã VN tại Sơn La - cứ day dứt: “Người Quỳnh Nhai hi sinh quá nhiều cho thủy điện Sơn La. Nhưng hiện giờ cuộc sống của hàng ngàn hộ dân đã nhường đất cho thủy điện vẫn rất khó khăn. Khó khăn lớn nhất là thiếu hoặc chưa có ruộng nương sản xuất lúa.
Đến nơi ở mới, họ mới chỉ được nhận một diện tích đất nương ít ỏi, nhưng đất nương được chia lại quá xấu, chủ yếu chỉ trồng được sắn, cao su, ngô...”.
Đã nhiều lần tới Quỳnh Nhai từ những ngày huyện lỵ còn nằm mãi trong Mường Chiên xa tít, những ngày huyện lỵ yên bình này chưa thực hiện công cuộc đại di dân, tái định cư để nhường mảnh đất ruột thịt gắn bó bao đời cho công trình thủy điện Sơn La, chúng tôi phần nào hiểu được nỗi day dứt của đồng nghiệp Điêu Chính Tới.
Huyện lỵ mới chuyển về Phiêng Lanh (bên bờ sông Đà, cách trung tâm huyện cũ khoảng 30km) có thể gần tỉnh hơn, trung tâm huyện có đường đôi, với san sát các dãy nhà 3-4 tầng nằm dọc hai bên đường. Đó là điều mà huyện lỵ cũ chưa bao giờ có. Nhưng đời sống của người dân thì chưa biết bao giờ trở lại bình thường như xưa.
Đây là thực tế, là tồn tại lớn nhất thời “hậu di dân” được chính ông Lưu Bình Khiêm, phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, thừa nhận. Theo ông Khiêm, để có thủy điện Sơn La, hơn 20.000 hộ dân (với gần 100.000 nhân khẩu) của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã phải di dời. Chỉ riêng huyện Quỳnh Nhai đã “đóng góp” số hộ phải di dời, tái định cư lên tới 8.435 hộ ở 99/190 bản của 9/13 xã và toàn bộ khu vực huyện lỵ.
Chủ trương thì dân đến nơi ở mới phải có cuộc sống ít nhất là bằng hoặc hơn nơi ở cũ, nhưng quả thật để làm được điều này không phải một sớm một chiều. Chính vì thế, đến giờ phút này người di chuyển sau cùng cũng đã được ba năm nhưng cuộc sống ở nơi mới vẫn đầy khó khăn.
Ông Lường Văn Luấn (60 tuổi) chán nản nói: “Nhà cũ ở bản Huẩy Nghịu (xã Chiềng Ơn) có nhiều ruộng lúa hơn, đến 3.000m2 lúa hai vụ, mỗi năm thu 60-70 bao thóc. Vậy mà từ tháng 1-2008, theo yêu cầu của huyện di dời về bản tái định cư mới này, chẳng còn tí đất nào có thể trồng được lúa. Nhà chưa được chia đất lúa, mà đất nương cũng chỉ là tận dụng diện tích nương cũ chưa bị ngập để trồng ít ngô, sắn. Giờ tám người trong nhà không có công ăn việc làm, suốt ngày ở nhà chờ việc, cũng chẳng có tiền để mở mang làm ăn gì, chỉ trông chờ đi làm thuê. Mấy đứa con trai có sức khỏe thì đi (lái) thuyền tôm thuê buổi đực buổi cái kiếm 150.000-200.000 đồng/ngày công”.
Vợ ông và mấy người con gái thì nhặt tôm, nạo sắn kiếm 50.000 đồng/ngày. Bản thân ông cũng chỉ hằng ngày đi chăn trâu thuê...
Còn ở bản tái định cư bản Lóng, xã Chiềng Bằng, ông Bạc Cầm Xáo kể: “Nhà ở bản cũ (xã Liệp Muội) đất đai rộng rãi, về bản mới từ đầu năm 2008 đến nay vẫn chưa được chia đất ruộng, thành ra cả nhà gần chục người chỉ trông vào diện tích ít ỏi ruộng nương trồng sắn, ngô”.
Ông Cà Văn Bình, bí thư chi bộ bản Lóng, thừa nhận ngoài hệ thống điện, đường, trường, trạm có sẵn thuận tiện hơn, nhưng cùng cái khó về quỹ đất sản xuất thì người dân bản mới còn đối diện với khó khăn thiếu nước sinh hoạt. Hầu hết các bản mới đều thiếu nước sinh hoạt liên tục trong 3-4 tháng mùa khô. Ngay các bể nước công cộng tại trung tâm bản Lóng, tại các điểm trường luôn trong tình trạng mạng nhện giăng, quanh năm khô ráo...
Hi vọng vào ngày mai
Ông Cầm Văn Thược, phó chủ tịch UBND xã Mường Giàng, vẫn lạc quan vì xã nằm dọc dòng sông Đà, bám vào lòng hồ thủy điện thì người dân có thể phát triển nuôi trồng thủy sản, đánh bắt thủy sản thay vì trồng lúa, làm nương. Đã có rất nhiều tổ hợp tác, mô hình nuôi trồng thủy sản thành công. Ngay tại bản Pá Uôn cũng đã có một hợp tác xã nuôi trồng thủy sản ra đời với 10 hộ gia đình tham gia góp vốn làm chung. Hơn nữa, khi chưa di dân, hầu như cả xã 21 thôn, bản chưa có điện lưới, thiếu hệ thống đường giao thông đến bản. Nhưng kể từ năm 2008, khi tiếp nhận nhiều bản tái định cư lên thì tình hình có nhiều thay đổi tích cực hơn. Điện lưới đã về đến 16/21 thôn, bản. Có đường đi xe máy từ trung tâm xã đến bản xa nhất.
Ông Khiêm cho biết thiếu đất sản xuất thì huyện chủ trương chuyển đổi cơ cấu từ trồng trọt sang nuôi trồng thủy sản, thủy cầm để tận dụng gần 11.000ha diện tích mặt nước lòng hồ, nuôi đại gia súc, làm dịch vụ. Trong năm 2012 huyện đã lập được bảy mô hình hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, thu hút gần 200 hộ dân. Đặc biệt đã có hợp tác xã thử nghiệm nuôi thành công cá nước lạnh nhập khẩu (cá tầm) tại lòng hồ. Trong năm huyện cũng nhận về gần 1.500 con bò, phát triển trồng gần 1.000 ha cây cao su... và tất cả những mô hình, cách làm này sẽ tiếp tục được triển khai, nhân rộng trong năm 2013 và các năm tiếp theo.
Về văn hóa, tuy chưa thể khôi phục các lễ hội, phong tục như truyền thống ở nơi cũ, nhưng từ năm 2011 đến nay, dịp tết năm nào huyện cũng mở lễ hội đua thuyền, và ngày cuối cùng của năm Nhâm Thìn vừa rồi, lần đầu tiên huyện đã phục dựng lễ hội gội đầu truyền thống của người Thái bên dòng Đà Giang...
Hi vọng một tương lai gần, Quỳnh Nhai khởi sắc, người dân có đất, có việc, có cuộc sống mới hơn hẳn nơi ở cũ để họ bớt đi những nhớ nhung một Quỳnh Nhai cũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận