23/02/2013 09:40 GMT+7

Đủ kiểu hành dân

GIA MINH
GIA MINH

TT - Ba câu chuyện dưới đây do bạn đọc phản ảnh cho thấy đây đó vẫn còn xảy ra trường hợp người dân bị “hành là chính” khi có việc cần tới cơ quan chức năng giải quyết thủ tục hành chính.

Wl4iRgP8.jpgPhóng to
Anh A. với tập hồ sơ nhiều lần bổ sung trong hơn ba tháng để rút hồ sơ gốc xe máy - Ảnh: Gia Minh

1. Gian nan đăng ký xe có nguồn gốc xe bị tịch thu

Ông Nguyễn Đình Hưng (ngụ Q.1, TP.HCM) phản ảnh ông mua môtô từ một cửa hàng tại Q.11. Trước đó, chiếc xe này được cửa hàng mua từ Trung tâm Đấu giá TP (thuộc Sở Tư pháp TP). Ngày 5-10-2012, ông Hưng bắt đầu hành trình đi đăng ký xe theo quy định. Sau khi đóng đủ các loại thuế, phí, ông Hưng mang hồ sơ tới trung tâm đăng ký, quản lý xe của Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM tại 282 Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) để đăng ký xe. Xem qua hồ sơ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại đây cho biết quyết định tịch thu xe của Chi cục Hải quan cửa khẩu khu vực 1 (thuộc Cục Hải quan TP) không phải bản chính và trong quyết định này không ghi chi tiết số khung, số sườn, loại xe, năm sản xuất nên không thể đăng ký. Cán bộ này hướng dẫn ông Hưng tới Cục Hải quan TP đề nghị họ cung cấp bản chính quyết định tịch thu xe có kèm các chi tiết theo quy định.

Ông Hưng bức xúc kể: “Theo hướng dẫn nói trên, tôi tới Cục Hải quan TP gặp cán bộ tại phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm. Cán bộ này dẫn tôi gặp lãnh đạo phòng, lãnh đạo phòng chỉ tôi ra Hải quan Cát Lái (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1) gặp lãnh đạo. Tại Hải quan Cát Lái, lãnh đạo chi cục hướng dẫn tôi gặp lòng vòng 3-4 người, cuối cùng cũng ra được quyết định tịch thu xe mới chuyển về cho phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, quyết định tịch thu xe được làm lại này cũng không ghi rõ các chi tiết cần thiết nên vẫn không đăng ký được xe”.

Ngày 6-12-2012, PC67 có công văn gửi Cục Hải quan TP thông báo quyết định tịch thu mà cơ quan hải quan vừa làm lại cũng không có các chi tiết cần thiết nên không thể đăng ký được xe. Sau khi PC67 gửi công văn này, mọi chuyện rơi vào im lặng nên ông Hưng không biết khi nào mới đăng ký được xe.

Đầu tháng 1-2013, sau nhiều lần liên lạc để trao đổi không thành công, chúng tôi gửi công văn đề nghị Cục Hải quan TP trả lời những thắc mắc của ông Hưng nói trên. Ngày 14-1, Cục Hải quan TP có công văn cho biết Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã khắc phục việc ông Hưng phản ảnh. Sau đó, ông Hưng mới thở phào nhẹ nhõm vì đã đăng ký được xe.

2. Rút hồ sơ gốc của xe cũng khổ

Cuối tháng 11-2012, anh V.V.A. (ngụ P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM) ký hợp đồng bán xe máy cho chị V.T.T.X. (ngụ Khánh Hòa). Anh A. mang hồ sơ tới đội cảnh sát giao thông Công an Q.Bình Tân gặp thượng úy Phan Phương Tuấn, cán bộ phụ trách tại đây, để hỏi thủ tục rút hồ sơ gốc cho chị X. đăng ký xe tại Khánh Hòa. Được hướng dẫn lần 1, anh A. làm theo nhưng khi mang hồ sơ tới nộp thì thượng úy Tuấn trả lời hồ sơ làm thiếu, phải bổ sung lần 2. Mỗi lần thượng úy Tuấn hướng dẫn, anh A. lại gửi hồ sơ từ TP ra Nha Trang để chị X. bổ sung, gửi lại mất từ 3-6 ngày.

Tổng cộng anh A. được thượng úy Tuấn hướng dẫn tới... tám lần! Trong đó, mỗi lần hướng dẫn thượng úy Tuấn lại chỉ ra lỗi mới như: hộ khẩu photocopy có công chứng nhưng đã quá hạn sáu tháng, phải làm lại; xe của anh A. đã bán cho chị X. nên anh A. không còn là chủ, không được rút hồ sơ gốc, muốn rút hồ sơ gốc phải có giấy ủy quyền của chị X.; địa chỉ ghi trong tờ khai thiếu chữ “khóm Đông Môn” so với hộ khẩu... “Từ nhà tôi tới Công an Q.Bình Tân hơn 10km mà tôi phải liên tục chạy qua chạy lại cả chục lần. Mỗi lần tới công an quận xong phải chạy cả chục kilômet nữa để gửi hồ sơ đi Nha Trang. Sau đó nhận hồ sơ lại và làm lại từ đầu. Tôi quá mệt mỏi với cách làm việc của họ” - anh A. bức xúc nói.

Sau khoảng mười lần đến Công an Q.Bình Tân, ngày 9-1 anh A. mới được tiếp nhận hồ sơ xin rút hồ sơ gốc của chiếc xe nói trên nhưng bị hẹn tới ngày 1-2 mới trả hồ sơ.

Trao đổi với chúng tôi, trung tá Tăng Văn Nhứt, đội trưởng đội cảnh sát giao thông Công an Q.Bình Tân, cho biết có thể do hồ sơ phức tạp, thượng úy Tuấn hướng dẫn chưa đầy đủ khiến người dân phải đi lại nhiều lần. “Chúng tôi đã nhắc nhở thượng úy Tuấn và tôi đã trực tiếp xin lỗi anh A., trả hồ sơ để chị X. đăng ký xe đúng quy định” - trung tá Nhứt nói.

3. Đăng ký tạm trú không dễ

Cuối tháng 12-2012, chị N.T.H. (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) vì một số lý do riêng phải chuyển tới nhà người quen trên đường Điện Biên Phủ, P.17, Q.Bình Thạnh ở. Nhiều lần chị H. cầm hồ sơ tới Công an P.17, Q.Bình Thạnh tìm đại úy Trần Minh Nhựt - cảnh sát khu vực - để làm thủ tục đăng ký tạm trú nhưng không gặp, chỉ liên lạc được qua điện thoại. Sau đó, chị H. nhiều lần nhờ chủ nhà cầm hồ sơ tới thì được đại úy Nhựt hướng dẫn không đầy đủ, phải đi lại nhiều lần...

Thấy việc đăng ký tạm trú quá khó khăn, chị H. phản ảnh đến báo Tuổi Trẻ. Ngày 9-1 vừa qua, trao đổi với chúng tôi về việc này, trung tá Phạm Thị Loan - phó trưởng Công an P.17, Q.Bình Thạnh - cho biết: “Do anh Nhựt đi học tập trung nên anh và chị H. chưa gặp mặt nhau. Khi chủ nhà mà chị H. ở nhờ mang hồ sơ tới nộp lần đầu, anh Nhựt đã hướng dẫn, nhưng lần thứ hai người này nộp hồ sơ lại thiếu sơ yếu lý lịch và lần thứ ba thì không có dấu công chứng”. Theo trung tá Loan, việc hướng dẫn của đại úy Nhựt không sai, tuy nhiên đại úy Nhựt có thể hướng dẫn chủ nhà nộp hồ sơ tại phường, không nhất thiết phải gặp trực tiếp đại úy trong khi đại úy Nhựt phải đi học tập trung. Cũng theo trung tá Loan, chị H. đã được đăng ký tạm trú tại P.17, Q.Bình Thạnh.

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên