Dưới đây là câu trả lời của chuyên gia về tội phạm học và tâm lý học.
Phóng to |
Từ một vụ va chạm xe máy không gây hậu quả gì mà hai thanh niên này đánh nhau trên đường phố ở TP.HCM - Ảnh: CHÂU ANH |
Thạc sĩ Lê Nguyên Thanh, (trưởng bộ môn tội phạm học Đại học Luật TP.HCM):
Khi tác động tiêu cực nhiều hơn tác động tích cực
Điểm lại một số vụ hung thủ ra tay giết người thời gian qua, chúng ta đều thấy bản tính côn đồ của người phạm tội khi thực hiện tội phạm (phạm tội vì lợi ích nhỏ, duyên cớ nhỏ, hay thỏa mãn tính hiếu thắng) dẫn đến giết người một cách mất hết nhân tính.
Gần đây, ở Mỹ và một số nước trên thế giới thỉnh thoảng xảy ra những vụ thảm sát. Các nhà nghiên cứu, dư luận và các nhà hoạt động thực tiễn thường nghi ngờ tội phạm này liên quan đến bệnh lý thần kinh hay tâm thần. Bởi lẽ con người bình thường không ai đi tàn sát đồng loại như vậy. Đôi khi đó chỉ là cách lý giải cuối cùng (đổ cho nguyên nhân bệnh tật của chính con người phạm tội mà không lý giải vì sao bị bệnh), cũng có thể làm an lòng người khác, khỏa lấp những mâu thuẫn xã hội cơ bản tác động tiêu cực đến tâm lý con người!
Theo tôi, cần tiếp cận tâm lý con người theo quan điểm con người là sản phẩm của hoàn cảnh, thời đại, dân tộc, tôn giáo, văn hóa. Tâm lý tốt xấu của con người có thể thay đổi cùng với điều kiện sống (kinh tế, xã hội, giáo dục, quản lý...). Vì vậy, cần giải thích nguyên nhân sâu xa của tội phạm từ môi trường sống.
Dễ thấy nhất là xã hội ngày nay còn có tình trạng ỷ mạnh hiếp yếu theo kiểu giang hồ; tình trạng bon chen, đua đòi, sống buông thả nhằm thỏa mãn các nhu cầu bản năng; coi trọng sức mạnh vật chất (tiền bạc, cơ bắp), quyền lực; hiện tượng coi thường pháp luật, coi nhẹ đạo đức.
Các hiện tượng đó còn được giới truyền thông, phim ảnh, Internet “vô tình” thổi phồng làm giới trẻ (thậm chí rất trẻ) tiếp thu nhanh chóng theo kiểu phát cuồng. Trong khi đó, các yếu tố tích cực (giáo dục, tuyên truyền, uốn nắn, quản lý, trấn áp...) từ nhà trường, gia đình, cộng đồng, cơ quan quản lý... phản ứng tỏ ra yếu ớt, chậm chạp. Con người được xã hội hóa trong môi trường mà những tác động tiêu cực nhiều hơn tác động tích cực nên dễ hình thành nhân cách phạm tội. Trong một tình huống cụ thể (va chạm, mâu thuẫn, vụ lợi, ghen tuông...), họ sẵn sàng làm điều ác mà không đủ lý trí, kiến thức để suy nghĩ đúng sai và hậu quả của nó.
Thạc sĩ Lê Minh Công (bộ môn tâm lý học ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM):
Cần đề cao những giá trị tốt đẹp
Theo tôi, có ba nhóm nguyên nhân chính lý giải vì sao các đối tượng ở độ tuổi rất trẻ (từ 16-21) trong vụ sát hại sinh viên Phạm Đức Linh lại ra tay tàn bạo như thế.
Thứ nhất, họ bị nhiễm hành vi bạo lực từ chính môi trường mà họ sống. Đó có thể là do cha mẹ của họ từng có hành vi bạo lực, có thể là do một người nào đó mà họ bị ảnh hưởng.
Thứ hai, hình ảnh trò chơi trực tuyến và phim bạo lực ngày càng tàn bạo, chính điều này hình thành một hình ảnh tâm lý ám ảnh họ khi họ ở tâm lý tuổi mới lớn chưa thật sự ổn định. Khi ra tay, có thể họ bắt chước những hành vi trên video game hoặc phim bạo lực.
Thứ ba, có thể do chất kích thích như rượu và ma túy làm họ có những hành vi nguy hiểm như vậy.
Tuy nhiên, theo tôi, đây không phải xu hướng mà chỉ là hiện tượng ở một bộ phận thanh thiếu niên. Tôi chưa thể đưa ra nhận định sâu nhưng theo tôi, dù xã hội như thế nào thì những giá trị tốt đẹp vẫn luôn được đề cao. Chúng ta cần định hướng, giáo dục và giúp những giá trị tốt đẹp phát triển để đáp ứng nhu cầu an toàn của con người.
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An (phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt):
Trang bị kỹ năng ứng phó tình huống nguy hiểm
Yếu tố giáo dục và môi trường sống có vai trò rất quan trọng dẫn đến việc hình thành và phát triển nhân cách cũng như hành vi của mỗi con người. Cha mẹ ít dành thời gian quan tâm gần gũi, chia sẻ với con cái, nhà trường ít chú trọng đến việc bồi dưỡng đạo đức, môi trường xã hội diễn biến phức tạp, lại có sự tham gia của chất kích thích (rượu bia, ma túy...) làm cho “dây cương” cảm xúc được thả lỏng khiến đối tượng hành động theo bản năng mà không cần suy nghĩ thấu đáo.
Từ đó hành động đâm chém, giết chóc trở nên bình thường với “ngưỡng tâm lý” khiến đối tượng ra tay tàn bạo...
Tôi vẫn cho rằng sống đẹp, sống nghĩa hiệp, sống vì người khác luôn có giá trị bền vững, nhưng để bảo đảm an toàn cho chính mình, mỗi người cũng cần trang bị những kỹ năng nhận diện và ứng phó với những tình huống nguy hiểm. Sự nhanh nhẹn, óc quan sát, khả năng xử lý tình huống, lấy nhu thắng cương, chuyển từ bị động sang chủ động là những kỹ năng cần được chú ý rèn luyện hằng ngày, hằng giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận