Trở lại làng bệnh “lạ”Lo ngại bệnh “lạ” lây lanBệnh lạ: Nhiều khả năng do nhiễm độc
Phóng to |
Cái lạnh ở vùng núi cao này se sắt hơn, nhưng học sinh Trường tiểu học - THCS Ba Điền em nào cũng phong phanh áo nhàu nhĩ, cái quần lâu ngày thun lại lòi đôi chân đen nhẻm, dính đất bùn trên đôi dép cũ.
Dì, cháu mồ côi
Em Phạm Thị Trên, lớp 9, co ro trong chiếc áo trắng ngả màu lầm lũi vào lớp học, mắt nhìn xuống như đếm từng bước đi. Thầy Phạm Nam, chủ nhiệm lớp 9, nói: “Từ ngày chị của Trên (chị Phạm Thị Triêu) bị bệnh “lạ” mất, em buồn, ít trò chuyện với bạn bè”.
Năm anh em gia đình Trên mồ côi cha mẹ từ sớm nên phải lần lượt bỏ học kiếm cơm nuôi thân. Riêng Trên là con út ở với chị Triêu, được chị cho đi học. Nhưng rồi bệnh “lạ” về làng Rêu và tháng 5-2012 chị Triêu ra đi. Từ ấy Trên bơ vơ cùng hai cháu gái thơ dại không còn nơi nương tựa. Cuộc sống của Trên khốn khó hơn, ba dì cháu cầm cự cái ăn, cái mặc từng ngày. Sau giờ đến trường, Trên phải làm tất cả mọi việc, từ việc nhà, làm mướn kiếm tiền nuôi ba người, chăm sóc cháu. Gánh nặng cuộc sống đè lên đôi vai tuổi 15 nhưng Trên vẫn cố gắng học hành. “Biết em khó khăn nên nhà trường cho mượn sách để học, còn vở được cấp miễn phí. Dù thiệt thòi đủ đường, Trên vẫn thuộc diện học sinh ngoan của lớp, sức học tiên tiến” - thầy Nam cho hay.
Ở Ba Điền có 224 người mắc bệnh “lạ”, 24 người tử vong, tất cả đều thuộc những gia đình nghèo khó, thiếu thốn quanh năm. Căn bệnh “lạ” quái ác đã làm các gia đình kiệt quệ hẳn. Những em học trò của các gia đình này có em mất mẹ, em mất cha, không ít em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thế nên các em đến trường thường xuyên với những gương mặt tím xanh vì lạnh và cả vì thiếu đói. Mỗi khi cơn gió lùa qua, những đôi vai mỏng manh lại run nhè nhẹ. Em Phạm Thị Tiên, lớp 5, ngơ ngác khi chúng tôi hỏi đã sắm áo quần mới mặc tết chưa. Tiên kể mẹ em bị bệnh “lạ” nằm bệnh viện nhiều hơn ở nhà, nên cái ăn mỗi ngày giờ nhờ gạo của Nhà nước, còn thức ăn thì có gì ăn nấy. “Cả năm chỉ có những bữa ăn rau, tiền đâu mà mua áo quần hả chú” - Tiên tâm sự.
Thầy Nguyễn Văn Dương cho biết: “Trường có 161 học sinh thì toàn là con nhà nghèo, quần áo lành lặn đến trường là mừng rồi, chẳng mấy em có chiếc áo ấm”. Quần áo ấy là nhờ hỗ trợ của Nhà nước cho vùng đặc biệt khó khăn, phần lớn mỗi em chỉ có một bộ. Những ngày mưa lạnh này, có em đành mặc áo bẩn đến lớp vì quần áo đi học giặt chưa khô kịp. “Nhiều em đi học, mặt xanh mét vì đói, nên giáo viên nhường cơm cho các em chống đói để học là chuyện thường” - thầy Dương kể.
Chưa biết “mùi” quà tết
Nhưng giáo viên dạy ở đây cũng không khá hơn học trò bao nhiêu để mà san sẻ được nhiều cho các em. Trong 23 giáo viên dạy tại trường, phần lớn giáo viên ăn ở tạm bợ. “Bọn tôi tá túc trong nhà làm việc bỏ hoang của UBND xã. Nhà mối mọt đã rệu rã nên sợ sập lắm. Tối nào ngủ cũng phập phồng lo” - cô Mỹ Loan bảo. Nói về tiền thưởng, quà tết, thầy cô Trường Ba Điền cười lặng lẽ, vì chỉ là... mơ thôi. Thầy Bùi Nguyên Vũ bộc bạch: “Mười năm rồi mình chưa biết mùi quà tết thế nào”. Còn cô giáo Phạm Thị Phúc thở dài: “Tôi dạy ở xã Ba Vinh, rồi đến Ba Điền, dạy ở đâu cũng chưa thấy quà tết, tiền thưởng là gì”. Cô Phúc ở TP Quảng Ngãi, vượt 80km lên huyện miền núi Ba Tơ công tác, ngày tết mong có tí quà mang về quê nhưng chưa từng được.
Phía sau mỗi lời tâm sự của thầy cô ở đây dường như là sức chịu đựng. Có mấy ai biết được trong những ngày dịch bệnh “lạ” hoành hành, giáo viên lo lắng, sợ bị lây nhiễm nhưng vì thương học sinh nên không ai bỏ về, mà bám lấy trường lớp, trấn an tinh thần học sinh yên tâm học hành.
1.000 chiếc áo đầu tiên Sáng 3-1, bà Đỗ Thị Kim Liên, tổng giám đốc Công ty cổ phần bảo hiểm AAA, đến báo Tuổi Trẻ đóng góp 50 triệu đồng cho chương trình “Áo tết tặng bạn” với một nụ cười tươi rói. Nụ cười ấy được bà lý giải: “Với tôi, khi trao một món quà gì đó cho những người nghèo khổ thì chính mình được nhận lại rất nhiều. Đó là niềm vui, là sự hăng say làm việc, yêu đời và biết yêu thương. Chính vì vậy tới đây đóng góp cho chương trình này tôi rất vui”. Bà chia sẻ tiếp: “Ngày còn nhỏ, tôi luôn mong chờ đến sáng mồng 1 tết, được mặc chiếc áo còn thơm mùi vải mới, được mẹ cho ăn những món ăn ngon nhất. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của một năm. Thế nhưng bây giờ vẫn còn có những em nhỏ vùng cao không thể hưởng niềm vui đơn sơ giản dị đó. Thương quá! Tất cả chúng ta cần suy nghĩ về điều đó và tìm cách giúp các em bớt phần khổ cực”. Sau khi trao đổi thêm về chương trình “Áo tết tặng bạn”, xem lại một lần nữa những hình ảnh và bài viết về các em học sinh đói khổ ở những vùng cao đăng trên báo Tuổi Trẻ, bà Kim Liên quyết định: “Chúng tôi sẽ đóng góp thêm 1.000 chiếc áo cho các em nhỏ và sẽ tự bỏ chi phí để vận chuyển. Hi vọng những tấm áo này sẽ mang thêm niềm vui cho các em”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận