31/12/2012 08:28 GMT+7

Mơ bữa cơm no trong vùng động đất

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TT - Những đứa trẻ vùng động đất ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) có nét chung: hom hem và đen trũi, tóc khét nắng. Áo quần xộc xệch đủ màu, các em đến trường với đôi chân lấm lem bùn đất.

Những học sinh “chẳng có chi”

aZpLkTa0.jpgPhóng to

Nhiều em học sinh ở xã vùng cao Trà Ka (Bắc Trà My, Quảng Nam) hằng ngày ăn cơm độn đầy sắn lát - Ảnh: Tấn Vũ

Lên Bắc Trà My lần này, chúng tôi không viết về động đất mà chỉ để tìm gặp các em - những đứa trẻ mỏng manh sống trong vùng đất mà người dân phải cam chịu sự thịnh nộ của thiên nhiên gần hai năm nay.

Lấy chi mặc đẹp?

Nằm ở thượng nguồn của thủy điện Sông Tranh 2 có ba xã khó khăn là Trà Giác, Trà Giáp và Trà Ka. Riêng Trà Ka khó khăn nhất bởi nằm cách trung tâm huyện Bắc Trà My hơn 40km, lại cách trở về giao thông. Khi biết chúng tôi có ý định tìm gặp học trò của mình, thầy Nguyễn Thanh Tùng, trưởng Phòng giáo dục huyện Bắc Trà My, níu balô nhắn nhủ: “Nếu các anh có về hãy ghé Trà Ka, lần đi lần khó, phải lên tới nơi để thấy các em thiếu thốn thế nào mà giúp đỡ. Các em ở trường xa tít trên đó thiệt thòi lắm, chẳng ai tìm tới”.

Tỉnh lộ 616 chạy dọc theo lòng hồ Sông Tranh 2 đang giữa cơn mưa rừng xối xả. Sương mù đặc quánh, từng cơn lạnh xé da thịt. Trường tiểu học Võ Thị Sáu nằm lọt thỏm dưới thung sâu của xã Trà Ka. Ngôi trường không có sân, bởi mưa rừng đã biến đám cỏ trước trường thành ao bùn bì bõm. Thấy khách lạ, mấy đứa trẻ rụt rè thò đầu ra cửa sổ nhìn, có em dạn dĩ hơn vòng tay cúi đầu “chào chú” rồi bẽn lẽn chạy vào góc khuất trốn rét. Những đứa trẻ người Cor tôi bắt gặp trên cung đường từ Trà Giáp, Trà Giác rồi đến Trà Ka này có một nét chung là hom hem và đen trũi. Nhiều em mặc áo dài đến đầu gối, bởi tất cả những gì có thể chống chọi lại cái rét lúc này đều được tận dụng làm trang phục cho các em.

“Ở đây chẳng ai mơ đến đồng phục anh à, toàn trường 100% học sinh thuộc diện nghèo. Động viên các em đến lớp là quý rồi, lo cái ăn đã khó, cái mặc lấy chi?” - thầy Tùng xót xa. Em Nguyễn Văn Sơn, lớp 5/1 Trường tiểu học Võ Thị Sáu, đến lớp hay ngồi bàn chót. Sơn mặc mỗi chiếc áo vá vai đã nhiều ngày nay và xấu hổ nếu bạn bè thấy. Sáng tranh thủ đến trường, về đến nhà việc đầu tiên của Sơn là cởi chiếc áo ra suối giặt, phơi. Gặp hôm trời mưa, em chất củi xông khói cho chiếc áo cũ nhanh khô. “Hắn đi ngang qua mình là biết, bởi chiếc áo hắn mặc có mùi khói bếp đặc trưng. Rứa cũng chịu thôi chứ tôi nằm một chỗ, mẹ hắn đi tìm cái ăn, lấy chi mặc đẹp tới trường” - ông Nguyễn Văn Bình, cha Sơn, nói vọng ra từ sạp bằng tre nứa sát vách bếp. Ông Bình bị dị tật từ nhỏ, một chân bị teo và cuộc sống gia đình trông cậy vào người vợ đi làm thuê cho các chủ rừng cao su.

Bữa cơm lặng lẽ...

Chị Nguyễn Thị Lan (thôn 2, xã Trà Ka) đang dọn bữa trưa, cái nồi cơm đầy sắn lát, điểm một vài hạt gạo đỏ nổi bật ở giữa, dành cho sáu người. Chị Lan xới nồi tìm được gần nửa chén cơm đỏ, rưới muối bột tẩm mỡ vào chén, rồi đưa cho chồng (anh Nguyễn Văn Thuận, bị mù nhiều năm nay nên tất cả cuộc sống gia đình sáu miệng ăn đều trông vào đôi vai gầy gò của chị). Nhưng khi vừa nhận chén cơm, anh Thuận đã mò tay tìm nồi cơm và úp nhanh cái chén xuống giữa nồi rồi dùng đũa xới đều. Anh cười như mếu: “Ăn cơm không nhạt miệng lắm. Em cứ bới cơm có sắn nhiều vào cho anh. Sắn ăn nó bùi, dễ nuốt mà...”. Hiểu ý chồng nhường cơm cho cha mẹ và các con, chị Lan không nói lời nào. Bữa cơm diễn ra lặng lẽ...

Cưới nhau được 10 năm thì anh Thuận bất ngờ bị mờ hai mắt rồi ngồi một chỗ đến giờ. Chị Lan đi trồng cao su thuê cho các nông trại gần đó, mỗi ngày thu nhập khoảng 70.000 đồng. Hai đứa con nhỏ đang học ở Trường tiểu học Võ Thị Sáu ngày ngày ngoài giờ học phải ra rẫy cùng mẹ. “Lúa thóc năm ni đâu có hạt nào. Hễ có rung chấn là vợ tôi bỏ rẫy chạy về trông coi tôi và hai con vì sợ nhà sập. Cứ rứa cuộc sống nghèo còn khổ thêm” - anh Thuận nói. Vợ chồng anh Thuận tính sẽ giã luôn 2 ang lúa giống còn lại nếu cơn mưa mấy ngày nay không dứt.

Em Nguyễn Thị Thiên, học lớp 5/1, con gái út của chị Lan, là học sinh giỏi của trường nhiều năm nay. Đã lớp 5 nhưng cô bé trông như đứa trẻ lớp 1 ở miền xuôi, đôi mắt lồ lộ mệt mỏi và cái bụng phình to là điểm đầu tiên đập vào mắt người lạ. Thiên cũng như hàng trăm trẻ em nơi rẻo cao giá lạnh này, thịt cá chỉ là điều mơ hồ hiếm hoi khó thấy. Mọi thứ dễ hiểu, bởi bữa cơm trắng no đầy đã là khó, nói chi đến cá thịt! Những chiếc xe Minsk thồ hàng của các thương lái buôn thịt, cá từ miền xuôi chạy ào qua trước cổng trường cứ làm bụng các em thóp lại.

Thiên kể hôm tết mẹ em để dành được 30.000 đồng. Mẹ mua 1 cân mỡ từ những chuyến xe này. Mỡ rán lấy nước rồi đổ vào bình để dành, mỗi lần ăn sắn, cơm, mẹ em quẹt một ít mỡ quấy đều cùng muối bột rồi xào lên ăn với ớt và tiêu rừng. “Sắn ăn ngon hơn khi có mỡ heo xào cùng tiêu rừng chú ạ!” - Thiên khoe.

Anh Trần Văn Co, bảo vệ Trường Võ Thị Sáu, kể: “Có hôm Thiên đi học về giữa đường thì ngất xỉu, người vã mồ hôi, da xanh xám. Hoảng quá tôi bế thốc chạy ra trạm y tế. Các y tá cho hay em ngất vì đói. Cho uống trà đá đường, em khỏe lại”.

Từng là hiệu trưởng nhiều trường học ở vùng cao trước khi về công tác tại Phòng giáo dục huyện, thầy Nguyễn Thanh Tùng đọc vanh vách sự khốn khó của việc dạy và học ở Bắc Trà My. Có nhiều bản làng, thầy và trò cùng khắc khoải nếu mưa rừng, nước suối dâng cao, hoặc lở đường giao thông chia cắt. Cuộc sống các thầy cô cũng khó, không có nhiều để chia cho các em. “Bây chừ thầy cô biết hết rồi. Em nào xanh xao, ngả mệt lúc đứng trưa là biết ngay đói. Nước sôi đâu có sẵn trong bếp. Các thầy cô chuẩn bị mì gói đưa các em nhai sống rồi uống nước vào, nằm nghỉ tí là các em khỏe ra. Một kinh nghiệm chua chát nhưng cũng có thể nói là “sáng kiến” bất đắc dĩ trong giáo dục ở vùng khó khăn này” - thầy Tùng nói trong xót xa.

Áo tết cho học sinh vùng cao

Thưa quý bạn đọc,

Khi chúng ta đang chuẩn bị áo mới và những phong bao lì xì cho con em chúng ta đón tết mừng xuân thì trên những rẻo cao biên giới, hàng ngàn em bé đang co ro trong giá rét, chỉ ước mơ có một manh áo ấm, một bữa ăn no.

Một năm qua, chúng ta đã sẻ chia những gian nan khó nhọc vì bão lũ của đồng bào miền tây vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, cảm thông cùng những em bé ở miền núi Quảng Nam nơm nớp sống trong vùng động đất Sông Tranh, chăm sóc những em bé ở vùng cao Quảng Ngãi đang bị vây bọc bởi căn bệnh kỳ bí chưa tìm được nguyên nhân...

Báo Tuổi Trẻ mong muốn được cùng với bạn đọc tiếp tục mang đến cho các em ở những vùng đất còn nghèo khó này manh áo ấm trong mùa giá rét, đôi dép cho đôi chân trần và bữa cơm ngon đón Tết. Hãy cùng chúng tôi góp những món quà mùa xuân chan chứa yêu thương trong chương trình “Áo tết tặng bạn” gửi đến các em học sinh vùng cao.

Mỗi phần quà cho học sinh là 300.000 đồng (gồm bao lì xì 200.000 đồng để mua quần áo mới và 1 phần quà tết trị giá 100.000 đồng) và phần quà cho giáo viên khó khăn đón tết tại các điểm được trao quà cho học sinh là 400.000 đồng. Mọi đóng góp sẽ được tiếp nhận tại tòa soạn và các văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ trên cả nước. Để thêm thông tin xin vui lòng liên hệ: ban công tác xã hội, ĐT: (08) 39973838 hoặc anh Phan Đắc - ban công tác xã hội: 0913999009 hoặc qua mail: congtacxahoi@tuoitre.com.vn

Trân trọng cảm ơn.

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên