11/12/2012 03:31 GMT+7

Đừng để người bệnh khổ thêm

hungthuat
hungthuat

TT - Nhiều phản hồi bài "Trò "hai ngón" ở bệnh viện" (Tuổi Trẻ ngày 10-12) là tâm sự về nỗi khổ của người từng là nạn nhân bị móc túi, và họ đề xuất phải có biện pháp khả thi để ngăn chặn tình trạng này.

7y3s6J2E.jpgPhóng to

Niễng “hai ngón” (đội mũ) hành nghề trong Bệnh viện Mắt (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: Đức Phú

Khổ còn gặp khó

Cách đây một tháng tôi đưa mẹ vào bệnh viện X khám mắt. Khi vào nộp tiền không thấy ví đâu, trong khi balô tôi mang theo sau lưng đã bị mở toang. Nghĩ lại mới nhớ trước đó trong khi làm thủ tục đăng ký khám bệnh, có vài phụ nữ áp sát tôi... Không có tiền, tôi đành phải đưa mẹ về nhà, rồi đi vay tiền người quen mới tiếp tục đưa mẹ đến bệnh viện khám lại. Ðúng là đã khổ còn gặp khó.

NGUYỄN THẾ NGHĨA

Mệt mỏi làm lại giấy tờ

Tôi năm nay 50 tuổi, có đợt vào bệnh viện Y khám bệnh. Tôi để ví tiền trong giỏ xách chen vào đám đông để làm thủ tục. Khi lấy tiền mới hoảng hồn vì mất ví. Tôi đành bỏ dang dở việc khám bệnh. Sau đó là chuỗi ngày mệt mỏi đi làm lại giấy tờ như chứng minh nhân dân, bằng lái xe, thẻ ATM... Tôi quê gốc ở Hải Phòng nên phải về quê để làm lại giấy tờ tùy thân. Thật là khổ khi gặp băng "hai ngón".

LÂM THỊ HUỆ

Đau lòng

Nạn móc túi ở bệnh viện đã tồn tại nhiều năm nay làm cho bao thân nhân, bệnh nhân rơi vào cảnh khốn cùng. Người ta thường nói lúc ốm đau thì gom tiền đi viện, có khi phải chạy vạy vay mượn mới được ít tiền, vậy mà lại bị móc túi lấy hết. Tôi từng chứng kiến cảnh một cụ già lên Bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh thì bị móc túi lấy sạch giấy tờ, tiền bạc. Cụ phải đi xin từng người, từng người để có tiền về quê ở Long An. Xin được mấy chục ngàn đồng, cụ lầm lũi ra bến xe về nhà. Nhìn thấy cảnh tiền mất, bệnh chưa chữa được của cụ mà không khỏi đau lòng.

huele207@...

Phải ngăn chặn

Cách đây bốn ngày, tôi đưa mẹ đến bệnh viện Z khám bệnh, thật không may cũng trở thành nạn nhân của những đối tượng móc túi. Tôi để tiền túi quần sau, vào làm thủ tục đăng ký khám bệnh tại khoa tim mạch, khi đến lượt đóng tiền tôi mới tá hỏa vì mình bị móc mất hơn 6 triệu đồng cộng với giấy tờ tùy thân và nhiều giấy tờ quan trọng khác. Ngay cả thẻ ngân hàng cũng mất luôn nên không có cách nào có tiền khám bệnh cho mẹ nữa, đành đưa mẹ về nhà.

Tôi thấy bảo vệ bệnh viện cũng nhiều, không hiểu sao những kẻ móc túi đó cứ nhởn nhơ hoạt động? Nếu bệnh nhân là người bệnh nặng mà gặp phải trường hợp tương tự tôi thì phải giải quyết sao, đặc biệt người dân ở tỉnh lên thành phố họ sẽ xoay xở thế nào? Cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay, hạn chế tình trạng này mới yên lòng dân được. Người dân bị bệnh vào bệnh viện đã quá mệt mỏi với việc chờ khám bệnh rồi, đừng để họ khổ thêm khi bị móc túi.

NGUYỄN SƠN

Tổ chức lại việc khám bệnh

Một số bệnh viện có số lượng người đi khám đông thường tạo điều kiện cho các đối tượng móc túi hành nghề. Nhất là chỗ làm thủ tục, khi người khám bệnh chen chúc nhau để đăng ký, chờ nộp tiền. Thiết nghĩ, nếu bảo vệ bệnh viện tổ chức tốt như kêu gọi người đi khám xếp hàng, không được chen lấn, đồng thời những vị trí tập trung đông người khám bệnh có các bảo vệ đứng canh thì chắc băng nhóm móc túi hết đường sống.

THÙY VÂN

Sửa quy định xử phạt

Người nghèo đi làm công ăn lương, có nơi trả lương bèo không tới 50.000 đồng một ngày, nếu bị móc túi số tiền 1.500.000 đồng coi như mất tháng lương. Ðó là chưa kể người bệnh không còn tiền để khám, chữa bệnh. Trong khi đó, quy định khi móc túi có giá trị không đến 2 triệu đồng thì không bị xử lý hình sự. Xử phạt như vậy e rằng tội phạm trộm cắp móc túi sẽ còn đất sống dài dài, và người nghèo tiếp tục khốn khó thêm. Nên chăng cần đề xuất sửa quy định cứ bắt quả tang móc túi hoặc nếu móc túi số tiền nhỏ nhưng vi phạm đến lần thứ hai thì phải xử phạt ngay.

MAI ĐỨC MINH

hungthuat
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên