Phóng to |
Trước HLV Phan Thanh Hùng, trong 17 năm bóng đá VN đã “xài” tám HLV ngoại gồm (từ trái qua phải, từ trên xuống): Tavares, Weigang, Murphy, Riedl, Dido, Letard, Calisto, Goezt - Ảnh tư liệu |
Phóng to |
Tôi đặc biệt nhớ đêm đội tuyển VN vô địch AFF Cup 2008. Đêm hôm đó tôi và những người bạn đã có một bữa tiệc ngoài trời. Chính xác hơn, đó là bữa nhậu trên vỉa hè gần Diamond Plaza và cùng các CĐV VN la hét chúc mừng đội tuyển. Đường phố hôm đó đông nghẹt, cờ, trống, kèn... Thật tuyệt!
Tôi có biết kết quả các trận đấu của đội tuyển VN tại AFF Suzuki Cup 2012 qua tivi. Cả hai trận thua của tuyển VN tôi đều xem trực tiếp khi đang tập trong phòng gym. Khi đội tuyển VN thua, tôi cảm nhận được sự hụt hẫng của các CĐV VN trong phòng tập những buổi tối hôm đó.
Mấy hôm nay, qua báo chí tôi cũng biết HLV đội tuyển VN đã từ chức sau những thất bại của đội tuyển tại giải đấu vừa rồi. Việc từ chức của HLV cũng tỏ ra chuyên nghiệp nhưng tôi cho rằng quyết định này chưa thật sự đúng. Nói vậy bởi HLV trưởng đội tuyển và Liên đoàn Bóng đá quốc gia phải vạch ra được một lộ trình phát triển dài hạn bóng đá nước nhà, cụ thể là của đội tuyển quốc gia. Đội tuyển có thể thua vài trận ở một số giải đấu, nhưng điều quan trọng cuối cùng là đội tuyển sẽ đạt được điều gì trong vòng vài năm tới. Chẳng hạn xếp hạng mấy trong khu vực hay có thể giành thành tích tốt khi tham gia giải đấu quốc tế lớn như vô địch châu Á, có mặt ở vòng bảng World Cup... sau bao nhiêu năm.
Ở Anh, Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) rất cẩn trọng trong việc thuê và sa thải HLV trưởng vì họ sẽ xấu hổ với CĐV nếu chọn HLV tồi để đội tuyển có những màn trình diễn dở tệ. Nhưng họ chẳng bao giờ thay đổi HLV xoành xoạch như ở VN. Phải cho HLV thời gian để họ gầy dựng đội bóng, phải nhìn xa hơn cho sự phát triển của bóng đá nước nhà chứ không phải vài giải đấu. Chẳng hạn VFF phải đặt mục tiêu bóng đá VN sẽ ở đâu trong vài năm tới và tìm HLV trưởng phù hợp cho mục tiêu dài hạn này cũng như hỗ trợ họ trong việc thực hiện mục tiêu này.
VN là quốc gia đang phát triển, trình độ bóng đá chưa thể phát triển cao như bóng đá Anh, nhưng tôi cho rằng phải phát triển đội ngũ bóng đá trẻ và phải làm sao để giải bóng đá trong nước phát triển và thu hút nhiều CĐV theo dõi.
Dù không theo dõi thường xuyên Giải bóng đá vô địch VN nhưng tôi biết rất ít người quan tâm, hào hứng với giải này. Bóng đá trẻ ở VN vì vậy chắc cũng không thể phát triển tốt. Không có bóng đá trẻ, không có CLB giỏi thì làm sao có được các cầu thủ giỏi, chuyên nghiệp có thể thi đấu ở các CLB trong khu vực và thế giới rồi trở về cống hiến cho đội tuyển quốc gia.
Tôi là CĐV trung thành của Liverpool vì cả gia đình tôi đều là CĐV trung thành của CLB này qua bao nhiêu thế hệ. Mẹ tôi có thể kể vanh vách thông tin về cầu thủ, CLB... yêu quý của mình. Chúng tôi vui mừng, đau khổ, sống cùng những thăng trầm của CLB.
Từng gia đình ở TP Liverpool như gia đình chúng tôi là một sự động viên lớn (về tài chính và tinh thần) cho CLB. Đổi lại họ thi đấu hết mình vì chúng tôi. Một khi người dân ở một địa phương nào đó của VN không yêu thương, gắn bó với cuộc sống, sinh mạng của CLB bóng đá (vì họ đã cống hiến hết mình cho các CĐV, vì sự tồn tại của CLB) thì bóng đá chưa thể phát triển bền vững được.
Còn một điều nữa, tôi cũng nghe những người bạn VN nói về thái độ không chuyên nghiệp của các cầu thủ VN nói chung và trong đội tuyển VN nói riêng. Tôi nghĩ họ cũng nói đúng “khi trong đầu bạn chỉ nghĩ đến tiền, đến thu nhập riêng của mình thì chẳng thể nào đá hết mình. Hoặc giả là họ đã quá giàu và cho rằng mình đã quá nổi tiếng không cần cống hiến hết sức vì ảnh hưởng đến phong độ thi đấu ở CLB, nơi kiếm tiền chính của họ thì quả là sai lầm. Họ đã quên rằng đang khoác lên mình màu áo đội tuyển quốc gia, niềm hãnh diện, tự hào và vinh dự của Tổ quốc”. Ở Anh mà làm như thế thì đừng hòng có được sự nể trọng ở CLB và các CĐV sẽ mắng chửi cho không còn mặt mũi nào nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận