23/11/2012 07:15 GMT+7

Chúng ta không vô cảm

MAI HƯƠNG - VŨ THỦY
MAI HƯƠNG - VŨ THỦY

TT - Rất nhiều tấm lòng đã mở ra chia sẻ với nỗi đau của những người là nạn nhân tai nạn giao thông hoặc chẳng may lâm vào cảnh côi cút, bệnh tật trong vài ngày qua đã làm cuộc sống như ấm áp hơn.

Hl223QUS.jpgPhóng to

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Lê Quốc Phong thăm hỏi sức khỏe của Hiếu tại bệnh viện - Ảnh: Bình Thanh

Như đám tang của hai mẹ con là nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông ngày 18-11 tại dốc cầu Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM đã có rất nhiều người không quen biết đến chia buồn - nhiều đến mức gia đình nạn nhân đã bất ngờ.

Ước nguyện là nạn nhân cuối cùng

Hai ngày sau đám tang của con dâu và cháu nội (chị Dương Hoàng Vũ Uyên và cháu Cao Dương Cát My), ông Cao Viết Tuệ ngồi lặng trước hiên nhà. Sau thời khắc đau đớn tột cùng, giờ đây ông mới tạm bình tâm để nghĩ về những chuyện đã qua. Ông tâm sự: “Bây giờ phải chi có được cuốn sổ tang thì tôi không áy náy như vầy”.

Thì ra sáng nay ông muốn tìm địa chỉ, số điện thoại của những khách đến dự đám tang để nói một lời cảm ơn mà không cách gì làm được.

“Tang gia bối rối. Gia đình chúng tôi không giàu có, không chức tước, không nổi tiếng, quan hệ cũng không rộng, lại ở chốn khuất nẻo xa xôi nên tôi quyết định chỉ tổ chức tang lễ trong một ngày và nghĩ rằng chỉ có họ hàng thân thuộc và ít bạn bè tới thôi. Vậy mà những ngày qua, điều làm tôi bất ngờ, xúc động và thật sự không lường tới là có rất nhiều người đã đến với chúng tôi: cả người quen lẫn chưa quen, từ nhiều nơi, nhiều vùng trên cả nước”- ông nói.

Đám tang nhà nghèo mà khách tới viếng chật kín suốt từ 6 giờ sáng đến hơn 22 giờ đêm. Khoảng sân nhỏ ken chật người đến thắp nhang, chia buồn. Đến nỗi gia chủ chỉ có thể sắp xếp cho mỗi lượt viếng kéo dài trong 1 phút. Qua thông tin trên báo chí, trên mạng, những cô công nhân, những chị bán hàng rong, những người dân nghèo đã tìm đến với gia đình người bị nạn, không cần lưu lại tên tuổi, số điện thoại, không cần người đón tiếp hay trà bánh. Có người tranh thủ đến thắp một nén nhang, nói vài lời trước vong linh người quá cố rồi lại tất bật trở lại với công việc thường ngày.

Sau ngày đưa tang mẹ, bé Phúc Nghi đến trường được nhiều phụ huynh trong lớp, trong trường chia buồn. Trong bệnh viện, anh Cao Lê Cát cũng nhận được rất nhiều quan tâm từ các y bác sĩ, thân nhân cùng phòng và cả những người không quen biết. Trên các trang mạng, nhiều diễn đàn, forum dẫn lại đường truyền của những tin, bài viết về vụ tai nạn. Bên dưới bài viết là nhiều dòng chia sẻ, bình luận, nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc và hiến kế để đẩy lùi tai nạn giao thông. Có thể nói nỗi đau của một gia đình nhỏ đã được nhiều thành viên có lương tâm, có trách nhiệm trong cộng đồng quan tâm, xem đó cũng là nỗi đau của chính mình. Cộng đồng bắt đầu chịu suy nghĩ và chịu truy tận gốc nguyên nhân.

“Thông qua trang báo, chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn đến những tấm lòng hảo tâm đã đến với chúng tôi trong lúc đau khổ nhất. Tôi mong rằng cộng đồng hãy biến sự phẫn nộ, bức xúc trước thảm họa tai nạn giao thông thành thái độ, hành động để con tôi, cháu tôi là nạn nhân cuối cùng chết vì tai nạn giao thông, nỗi đau của gia đình tôi là nỗi đau cuối cùng”- ông Tuệ tha thiết.

Chia sẻ với sáu chị em mồ côi

Câu chuyện về người chị tần tảo thay cha mẹ nuôi năm đứa em nhỏ côi cút đến trường (bài “Sáu chị em côi cút giữa đời”, Tuổi Trẻ 21-11) đã nhận được nhiều sự đồng cảm, chia sẻ từ bạn đọc.

Bạn đọc Đỗ Thị Quỳnh Hoa để lại lời nhắn nhủ đầy suy tư: “Tôi tin câu chuyện về các em sẽ sớm lan tỏa như những câu chuyện thật đẹp về thân phận con người. Và chúng ta - những người không vô cảm - đọc xong sẽ biết mình cần phải làm gì, nghĩ gì để tô hồng thêm cho cuộc sống này”.

Nhiều bạn đọc ở TP.HCM đã đến báo Tuổi Trẻ đóng góp để phần nào làm vơi bớt khó khăn của sáu chị em, như gia đình anh Nguyễn Phi Hùng (quận 3) đóng góp 1 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Mai Hương (quận 10) góp 500.000 đồng...

Cả nhà bé Nguyễn Hoàng Ánh Mai (7 tuổi, quận Gò Vấp) đã rất thương cảm và khâm phục người chị tên Yến trong bài viết. Riêng bé Mai đã gửi số tiền dành dụm 510.000 đồng đến cho chị em Yến.

264 triệu đồng giúp Hiếu

Sáng 21-11, Bí thư Thành đoàn TP. HCM Lê Quốc Phong cùng các cán bộ Thành đoàn đã tới thăm bạn Phạm Trung Hiếu (học sinh lớp 11 bị suy thận mãn giai đoạn cuối - nhân vật trong bài viết “Cả trường giúp Hiếu”, Tuổi Trẻ ngày 20-11) tại Bệnh viện Nhân Dân 115 (Q.10).

Xúc động trước hoàn cảnh éo le của cậu trò nhỏ hiếu học, anh Lê Quốc Phong đã trò chuyện, động viên Hiếu cùng gia đình và khẳng định Thành đoàn sẽ nỗ lực vận động mọi nguồn lực trong khả năng để giúp em. Dịp này, Thành đoàn TP đã ủng hộ Hiếu 5 triệu đồng.

Xúc động trước hoàn cảnh nghiệt ngã của Hiếu, từ ngày 20 đến 22-11 rất nhiều bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã tới tòa soạn báo, bệnh viện và Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (Q. Bình Tân) - nơi Phạm Trung Hiếu đang theo học - để đóng góp giúp đỡ em. Được biết, tổng số tiền quyên góp được sau ba ngày là 264 triệu đồng, trong đó chị Nguyễn Thu Nguyệt (41 tuổi, Q.8) đã ủng hộ 200 triệu đồng.

Rơm rớm nước mắt, bà Phạm Thị Hồng, mẹ Hiếu, bày tỏ: “Sự giúp đỡ chân tình của các mạnh thường quân đã gieo niềm tin và hi vọng cho Hiếu và gia đình tôi. Hi vọng Hiếu sớm khỏi bệnh để tiếp tục được đến trường”.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trương Hoàng Minh (trưởng khoa ngoại niệu - ghép thận, Bệnh viện Nhân Dân 115), tổng chi phí xét nghiệm, thuốc và phẫu thuật để ghép thận cho Hiếu nếu có thận tương thích ít nhất là 350 triệu đồng.

BÌNH THANH

MAI HƯƠNG - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên