28/09/2012 08:39 GMT+7

Trắng tay về nhà mới

TRÀ GIANG
TRÀ GIANG

TT - Nhà tái định cư (TĐC) làm quá chậm, tiền đền bù giao nhỏ giọt, đất sản xuất chưa được bố trí... khiến cuộc sống người dân vùng lòng hồ dự án Nước Trong (Tây Trà, Quảng Ngãi) rơi vào cảnh quá khó khăn.

haesX2Ea.jpgPhóng to
Người dân bó gối trong ngôi nhà mới ở khu tái định cư vì không có đất sản xuất - Ảnh: Trà Giang

Tây Trà mùa này sáng nắng gắt, chiều mưa dông ngút ngàn. Ven những con đường bụi mù, lầy lội về các khu TĐC xã Trà Thọ, Trà Xinh là những căn nhà sàn lá đơn sơ, xuống cấp, xập xệ của các hộ dân di dời từ lòng hồ Nước Trong.

Sống tạm nơi bìa rừng

Dù UBND tỉnh Quảng Ngãi ra thời hạn ngày 31-8 phải làm xong nhà cho bà con vào ở, nhưng đến nay các căn nhà lẫn hạ tầng khu TĐC vẫn chưa xong. Đường vào khu TĐC đi lại khó khăn, đường nội bộ dang dở, điện, nước chưa có, hơn 10 căn nhà TĐC cùng hai trường tiểu học và mẫu giáo, nhà văn hóa ở khu TĐC xã Trà Xinh còn ngổn ngang, bề bộn. “Các đơn vị đang xin dời đến ngày 31-9 sẽ hoàn thành, nhưng mùa này ngày nào cũng mưa nên đến tết chưa chắc đã xong” - ông Đỗ Minh Lâm lo lắng.

Bà Đinh Thị Đoàn (53 tuổi) thiu thiu ngủ trưa trên sàn nhà được đan từ những thanh tre bắt đầu rã mục. Căn nhà bà đang ở nằm ngay ven đường, bên dưới là lòng hồ Nước Trong. Bà Đoàn ngồi bó gối nhìn xuống lòng hồ mỏi mệt nói: “Hơn năm trước, nước lòng hồ dâng lên, vợ chồng con cái chúng tôi vơ vội đồ đạc chạy lên ven đường làm nhà ở tạm, sống thiếu thốn trăm bề”. Gần nhà bà Đoàn là căn nhà sàn chừng 10m2 nhưng chứa tới năm người của vợ chồng chị Đinh Thị Út (26 tuổi). Ngày nước lòng hồ dâng, chị Út bỏ nhà cửa chạy lên bìa rừng dựng lán ở tạm. Sau được nhận hỗ trợ 6 triệu đồng chị mới dựng căn nhà này. Nhà thấp nên khách muốn vào phải cúi rạp người, mái nhà lá đã mục khiến ánh nắng rọi vào mặt. “Mùa mưa thì nhà dột, nước chảy róc rách” - chị Út thật thà kể.

Ông Đỗ Minh Lâm, phó chủ tịch UBND huyện Tây Trà, cho biết toàn huyện có 171 hộ nằm trong vùng dự án được bố trí TĐC. Mặc dù UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo đến ngày 31-8 phải hoàn thành các khu TĐC để đưa dân vào, tuy nhiên đến cuối tháng 8 mới chỉ có 113 hộ được nhận nhà mới, còn 29 hộ đang sống trong nhà tạm ở bìa rừng. “Họ đã sống hơn một năm qua, chịu cảnh thiếu thốn mọi bề. Vừa rồi đi thăm, trao gạo hỗ trợ nhìn ai cũng thấy thương thấy xót” - ông Lâm tâm sự.

Ở nhà mới phải xin cứu đói

Không chỉ các hộ ở tạm sống trong cảnh thiếu thốn, những hộ đã nhận nhà vào khu TĐC cũng lo triền miên khi thiếu cái ăn, cái mặc do về nhà mới nhưng chưa được nhận đất sản xuất. Từ ngày di dời từ lòng hồ lên ven đường, nay chuẩn bị vào ở khu TĐC, ông Đinh Văn Dương chẳng làm gì nên luôn bị thiếu đói. Trước ở lòng hồ, gia đình ông Dương làm hơn 4.000m2 đất, mỗi năm thu về hơn 50 bao lúa rẫy. Còn gia đình ông Đinh Văn Hoa trước đây làm 3.000m2 đất nhưng nay nước nhấn chìm, số tiền đền bù 250 triệu đồng đã mua các vật dụng gia đình đắt tiền. Họ về nhà mới với bụng đói và trắng tay.

Ông Đỗ Minh Lâm cho biết 22,8ha đất dự kiến khai hoang để cấp cho bà con chăn nuôi, trồng lúa... hiện còn ở giai đoạn rà phá bom mìn, chưa biết bao giờ xong. “Không đất sản xuất, không công ăn việc làm, chi tiêu hằng ngày đã “gặm nhấm” hết số tiền bồi thường dân được nhận. Trước mắt họ đang là những chuỗi ngày thiếu thốn và lo lắng. Cái khó nhất hiện nay đối với huyện là quỹ đất sản xuất để bố trí cho dân. Bài toán di dời dân giải chưa xong, nay lại lo đến mưu sinh, bí lắm. Huyện đã làm văn bản đề xuất tỉnh hỗ trợ gạo 15kg/khẩu/tháng cho những hộ dân này từ nay đến qua tết nhưng tỉnh chưa trả lời” - ông Lâm nói thêm.

TRÀ GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên