Phóng to |
Cảnh sát giao thông xử phạt người chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Việc này đáng lẽ nên làm từ lâu rồi. Nhưng thôi, muộn còn hơn không. Bởi lẽ với tình trạng tai nạn giao thông xảy ra liên tục và đường sá đã vá chằng vá đụp, lại còn hết đào lên rồi lấp xuống như hiện nay, tham gia giao thông đã là một việc rất mạo hiểm (và mang tính hên xui) rồi. Hầu như ngày nào tôi cũng phải phẫn nộ trước cảnh người lớn đội MBH chắc chắn đèo thêm một (hoặc hai, có khi là ba) em bé không đội MBH chạy như bay trên phố.
Hoặc đáng sợ hơn, người lớn một tay điều khiển xe máy, tay còn lại bế em bé (dưới 1 tuổi, chưa tự ngồi được), thỉnh thoảng lại quay sang thơm má bé một cái hoặc trêu cho bé cười khanh khách. Trước cảnh tượng đáng lẽ ra rất cảm động ấy, tôi lại thấy thót tim!
Một khi trẻ em đã có ý thức thì nên để cho bé hiểu rằng mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, trong đó có giá trị sinh tồn nhất là Luật giao thông. Mọi người ai cũng phải “khi đi trên đường bộ/ nhớ đi trên vỉa hè/ khi ngồi trên tàu xe/ chớ thò đầu cửa sổ...“ thì khi lưu hành trên xe máy, bất cứ ai cũng phải chấp hành quy định đội MBH và trẻ em (từ 6 tuổi trở lên) không là ngoại lệ. |
Nghĩ lại thấy người Việt mình rất thiếu nhất quán. Khẩu hiệu thì “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ” nhưng thực tế những gì đang dành cho trẻ chưa chắc là những gì tốt đẹp nhất. Người mẹ được nghỉ sinh nhiều nhất là sáu tháng nhưng nhà trẻ chỉ nhận giữ trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Trường mầm non thì các khoản tiền nộp bao giờ cũng là ác mộng đối với phần lớn bố mẹ trẻ có thu nhập trung bình trở xuống...
Đến chuyện đơn giản như đội MBH cho trẻ cũng phải đợi đến khi có chế tài xử phạt mà vẫn chưa chịu chấp hành đầy đủ. Người lớn viện đủ lý do: đội mũ cho trẻ sẽ nóng, sẽ nặng, sẽ vướng víu. Đâu có ai bắt trẻ em phải đội cái “nồi cơm điện” của người lớn đâu mà sợ nặng. Mà dẫu có vướng víu đi chăng nữa thì trẻ em cũng cần được hưởng cái quyền tối thiểu của công dân là “an toàn trên hết”.
2 Để ý mà xem, hễ có chuyện gì đáng xấu hổ xảy ra ở cộng đồng là dư luận sẽ chuyển sang phàn nàn: ý thức của người Việt mình kém cỏi quá, người Việt mình xấu xí quá! Người Việt mình hay xả rác bừa bãi, hay khạc nhổ vô tư, hay chen lấn, hay vi phạm Luật giao thông... Nhưng ý thức từ đâu mà ra? Trước hết là từ thói quen có được do bắt chước những hành vi nhờ quan sát hằng ngày từ thuở nhỏ.
Quan sát thấy trước cổng trường tiểu học có đến 90% bố mẹ chở con không đội MBH. Thôi thì làm được gì hay nấy, tôi mua tặng em bé trong xóm cái MBH. Mẹ bé cảm ơn, nhận lấy rồi cất. Tôi hỏi sao không cho cháu đội mũ, mẹ bé trả lời: “Ui chà, đội làm gì cho nóng, đâu có ai phạt trẻ con mà lo”.
Vô hình trung đứa bé sẽ hình thành thói quen sợ cảnh sát, sợ bị phạt hơn là ý thức chấp hành luật pháp hay sự an toàn của bản thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận