30/08/2012 15:59 GMT+7

Phim hài Việt: đừng cứ hài là nhảm!

Nguyen Minh
Nguyen Minh

TTO - "Mong các nhà làm phim tỉnh táo hơn và tôn trọng khán giả hơn", "nên đầu tư nhiều hơn cho kịch bản"... đó là ý kiến của bạn đọc đối với thực trạng phim hài Việt "nhảm và siêu nhảm" như hiện nay.

Phim hài Việt: từ nhảm đến... siêu nhảm!

15v1I8GN.jpgPhóng to
Cảnh trong Gia sư nữ quái

* Đọc bài viết này, tôi buồn cho phim Việt quá! Không biết chừng nào phim hài Việt mới có những tuyệt tác như 3 idiots (Ấn Độ) rất ý nghĩa. Nội dung phim hài Việt rất nhảm nhí, bóp méo giới tính, phi hiện thực... Không hiểu sao các nhà làm phim thích xoáy vào khía cạnh này nhiều thế?

Tôi thích thú khi xem những trailer của phim, nhưng khi xem phim thật thì... không muốn xem tiếp nữa. Phim cứ trôi trôi nhè nhẹ theo thời gian đến hết phim mà không hề để lại một gợn sóng gì cho người xem. Thông điệp của các nhà làm phim gửi cho người xem là gì? Hay là họ chỉ muốn tạo những tiếng cười bất chợt, vô duyên cho người xem?

* Nhà làm phim Việt thiếu kịch bản rồi nên mới nghĩ ra những thước phim vô nghĩa như thế. Đồng ý là họ có đầu tư cho phim (diễn viên, trang phục...) nhưng như thế chưa đủ. Một phim hay, để lại ấn tượng cho người xem là phim biết xoáy mạnh vào kịch bản, chứ ai đâu mà nhớ tên diễn viên?

Vì thế muốn phim hay phải đầu tư nhiều hơn vào kịch bản, làm cho đa dạng, phong phú lên, chứ chỉ mãi lo xoáy vào những vấn đề giới tính, viển vông thì biết chừng nào mới có phim "bom" cho người Việt xem?

* Bộ phim "bắt đầu nhảm" là Giải cứu Thần Chết với nội dung không giống ai và kết cục thì khiên cưỡng, tùy tiện, không để lại ấn tượng khả dĩ nào ở người xem (ngoài những tiếng cười ở cường độ... nhảm đến nhạt). Chẳng lẽ khán giả mình bây giờ dễ bị gạt đến thế sao? Mong các nhà làm phim tỉnh táo hơn và tôn trọng khán giả hơn.

* Nhảm nhí và ồn ào điếc tai - đó là cảm giác chung khi xem các phim hài Việt gần đây. Các nhà làm phim lạm dụng đến mức "không còn gì để nói" nên diễn viên diễn nhăng nói cuội đến nhảm nhí. Rất ngán ngẩm khi phải tiếp xúc với những trò nhố nhăng, nhức nhối này.

* Thiết nghĩ những bộ phim có tính chất dung tục, bạo lực, nhảm nhí... thì không được phép trình chiếu. Không biết bộ phim này có qua khâu kiểm duyệt chưa? Nếu có thì xin hỏi quý vị nghĩ sao mà duyệt bộ phim này?

* Nói thật, hài Việt Nam hiện nay toàn là nhảm nhí, ăn nói không đâu ra đâu, nếu có cũng lãng nhách, đôi khi không có văn hóa chút nào. Nếu so sánh giữa hài ngày xưa và nay thì rõ nhất: hài ngày xưa có bài bản hoàn toàn, chủ đề, người kiểm duyệt nội dung... còn bây giờ ai sáng tác cũng được, miễn sao chạy cho sô diễn mà thôi.

Ngay cả diễn viên hài ngày xưa diễn rất hay, vậy mà bây giờ họ bắt chước với nhau, càng nói càng lãng nhách khiến người xem cảm thấy chán và bực (có người nói rất nhiều mà rốt cuộc chả biết mình nói gì).

Hài ở đây là đem lại tiếng cười cho khán giả sau một ngày mệt nhọc, mang nội dung vừa giáo dục vừa tuyên truyền... chứ không phải muốn nói sao thì nói. Các danh hài nên học cách diễn đạt của danh hài Bảo Liêm, Vân Sơn, họ diễn rất tự nhiên bằng những lời nói, nụ cười chân thật, bằng sự thật của con người họ chứ không phải gượng ép, giả dối theo câu thoại.

Người diễn hài ở đây phải có năng khiếu, nhất là lời nói, tuy rất đơn giản nhưng ẩn chứa bên trong đầy ý nghĩa, người xem họ suy nghĩ và cười ngay, chứ đâu phải nói thao thao bất tuyệt, phải nhíu mày, chu mỏ, méo miệng, nhắm mắt, hả họng, nhe răng… để làm người ta cười.

* Thú thật tôi rất ít khi xem hài kịch hay phim hài Việt bởi sự nhảm nhí, thô thiển và có phần khá... rẻ tiền. "Công thức" chung của những bộ phim hài Việt Nam thường là: khai thác hình thể (thường là quá khổ hoặc là yếu điểm, nhược điểm) của nhân vật; là sự chọc lét bằng những lời thoại mang tính "gài hàng" có phần dễ dãi và (xin lỗi) đôi khi dễ làm người khác suy diễn theo hướng... dung tục; là sự vô lý đến ngớ ngẩn và khó hiểu của diễn viên trong biểu hiện cảm xúc; là sự méo mó trong cái nhìn của đạo diễn về giới tính (giới tính thứ ba, nhất là gay - đồng tính nam, thường được phác họa là những người bán nam bán nữ trong ăn mặc, đi đứng, nói năng và có phần lố bịch trong cử chỉ, mặc dù ngoài đời không thiếu người như vậy song không hẳn ai cũng vậy, đôi khi là một cái lẩu thập cẩm của những tình huống nhạt nhẽo, rỗng tuếch, vô vị...

Tôi thật sự tâm đắc với nhận định của tác giả bài viết trong bài. Đúng là phim Việt "cứ hài là nhảm" và siêu nhảm! Tôi đồng ý với đạo diễn Charlie Nguyễn khi cho rằng đã làm phim hài thì yếu tố gây cười phải được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, theo tôi, khai thác yếu tố hài cũng như qua cái sự diễn hài của diễn viên, nói khác hơn là các tình huống gây hài, hiệu ứng của bộ phim hài... mới là điều quan trọng!

Để tạo nên một tình huống gây hài có thể có nhiều cách: dùng hình thể nhân vật, lời thoại, cử chỉ hoặc gây hài thông qua nội dung tình huống (thường được xem là khó so với những cách gây hài vừa nêu). Một bộ phim được xác định là phim hài ắt hẳn cũng có nhiều "loại": hài theo kiểu chọc lét, hài nhảm nhí, rẻ tiền và hài tinh tế.

Tuy được xem là hài một cách nhảm nhí "rẻ tiền", song nhiều bộ phim hài Việt vừa qua vẫn thu hút nhiều người đến rạp và đạo diễn vẫn hết sức hoan hỉ "thừa thắng xông... xuống" cho ra đời tiếp những bộ phim "hài hơn cả hài", bất chấp công luận và xem doanh thu là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá sự thành công của một bộ phim thì e rằng khán giả Việt vẫn còn phải tiếp tục được (và bị) xem phim hài một cách nhảm nhí, "rẻ tiền". Và đó là điều đáng báo động.

Đành rằng doanh thu là một trong những yếu tố đánh giá sự thành công của một bộ phim, song đó không phải là duy nhất. Sự "ở lại" nơi khán giả đối với bộ phim mới quan trọng hơn. Có những bộ phim doanh thu không cao vì nhiều lý do, song là những bộ phim "kinh điển" trong lòng khán giả. Ngoài ra, doanh thu cần được đánh giá qua số lần "tái chiếu" của một bộ phim, không nên chỉ đánh giá doanh thu phim này so với phim khác qua một vài lần chiếu, bởi tò mò luôn là yếu tố tồn tại nơi bản năng con người.

Có lẽ đã đến lúc đạo diễn các phim hài Việt cần hướng đến "thực đơn" khác cho phim hài, đó là những bộ phim hài "đinh", hài tinh tế, hài mang tính "đắc địa" hơn là cứ mãi cho ra lò những phim hài nhảm. Muốn vậy, có lẽ đạo diễn cần tự hệ thống lại tư duy và tự nâng tầm của chính mình trước đã (?!).

Nguyen Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên