“Nước biển tại đây rất hôi và bẩn khiến tôm cá ngày càng ít đi, mỗi lần xuống tắm là tối về ngứa rất khó chịu” - ông Trần Văn Hội ở tổ 23 cho biết.
Phóng to |
Nước thải từ các cống đổ ra bãi biển đường Nguyễn Tất Thành (TP Đà Nẵng) - Ảnh: Hoàng Điệp |
Chỉ hơn 100m đường bờ biển từ chân cầu Phú Lộc đến ngã ba Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành đã có bốn cống nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc chảy trực tiếp ra biển. Đây lại là bãi tắm, khu vui chơi thể thao của hàng trăm người dân địa phương, sinh viên và công nhân tại các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, một đường ống thoát nước thải của trạm xử lý nước thải Phú Lộc cũng được đấu nối xả trực tiếp ra biển tại khu vực cửa sông Phú Lộc.
Theo ông Mai Mã, giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, tình trạng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý được đổ ra bờ biển đường Nguyễn Tất Thành tồn tại từ nhiều năm qua. Từ năm 2011, Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng đã triển khai dự án mở rộng hệ thống thoát nước thải tại các quận Liên Chiểu - Sơn Trà. Tuy nhiên đến nay hệ thống thu gom nước thải dọc tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành, đoạn từ đường Nguyễn Đình Tri đến đường Lý Thái Tông có chiều dài 1.700m, mới hoàn thành hơn 30% khối lượng thi công và toàn bộ dự án phải đến giữa năm 2013 mới hoàn thành.
“Việc xử lý nước thải tại trạm Phú Lộc được áp dụng bằng công nghệ kỵ khí bậc 1, xử lý trong môi trường yếm khí nên khi đổ ra bên ngoài thì có mùi hôi nhưng nguồn nước vẫn đạt chuẩn B cho phép. Nếu muốn giải quyết vấn đề này phải nâng cấp công nghệ xử lý nước thải lên bậc 2, thậm chí bậc 3. Khi đó nguồn nước sẽ đạt chuẩn A, không còn mùi hôi và có thể nuôi trồng thủy hải sản được. Tuy nhiên đây là một quá trình đầu tư lâu dài và đòi hỏi nguồn vốn rất lớn” - ông Mã cho biết thêm.
* Cảnh sát giao thông giữ người vì nghi bị quay phim? Khoảng 19g30 ngày 24-7, một bạn đọc phản ảnh cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Q.8 (TP.HCM) đã khống chế một thanh niên đi đường chở về trụ sở kiểm tra do nghi người này quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ. Người thanh niên nói trên là anh Lê Thế Thiên (19 tuổi, ngụ P.4, Q.8). Anh Thiên kể vào thời điểm trên, anh đi dưới chân cầu Chánh Hưng và thấy nhiều CSGT đang xử phạt người đi xe nên dừng lại mở điện thoại định thông báo cho một người bạn đang chạy xe không đội mũ bảo hiểm phía sau. Bất ngờ, một số CSGT đi lại chỗ Thiên và hỏi anh có thẻ phóng viên không mà quay phim, chụp ảnh? Khi Thiên trả lời anh không phải phóng viên, cũng không quay phim thì bị CSGT khống chế nên Thiên chống cự và sau đó bị đưa lên xe chuyên dụng chở về trụ sở đội CSGT Công an Q.8. “Tại đây ngoài bị kiểm tra điện thoại, tôi còn bị một CSGT tát vào đầu từ phía sau” - anh Thiên cho biết. Chiều 25-7, trung tá Lê Văn Bạn, phó đội trưởng đội CSGT Công an Q.8, cho biết theo lời kể của tổ tuần tra thì đêm 24-7 tại cầu Chánh Hưng, họ phát hiện anh Lê Thế Thiên đứng lấp ló có những biểu hiện nghi vấn nên chặn lại kiểm tra. Khi ấy, anh Thiên chống đối quyết liệt và lớn tiếng chửi CSGT. Việc này gây ra sự hiếu kỳ từ người đi đường khiến mọi người dừng lại xem làm xe cộ bị ùn tắc nên anh em CSGT quyết định khống chế đưa Thiên về trụ sở và giữa hai bên có xảy ra xô xát. “Chúng tôi sẽ cho người xác minh lại, nếu anh Thiên bị đánh hay bị giữ lại vì CSGT nghi quay phim, chụp ảnh, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm tổ tuần tra vì đó là những hành vi sai trái” - ông Bạn nói. S.BÌNH
* Giết mổ gà vịt gây ô nhiễm chợ. “Chợ Xuân Mỹ Tây (khu phố 6, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) mỗi ngày giết mổ hàng trăm con gà, vịt..., thải nước ra ngoài rất hôi. Người dân đã phản ảnh lên UBND phường nhưng chưa được giải quyết” - một bạn đọc báo tin. Qua ghi nhận tại chợ, gà vịt được bày bán tràn lan ra đường. Phân gà vịt bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm nặng làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân sống gần khu vực chợ. Ông Lê Tấn Tài, chủ tịch UBND P.Trung Mỹ Tây, cho biết phường đã xử lý người bán gà vịt nhiều lần nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn. Trong thời gian tới, phường sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý, không cho bán và giết mổ gia cầm tại khu vực chợ để tránh gây ảnh hưởng đến người dân. HỮU KHOA * Cống nghẹt gây ngập đường. Hệ thống cống trên đường Lưu Hữu Phước (P.15, Q.8, TP.HCM) bị nghẹt khiến đường ngập nước mỗi khi mưa. Những khi mưa lớn, nước cống tràn cả vào nhà dân. Người dân sống ở đây cho biết mặc dù đường bị ngập thường xuyên nhưng chưa thấy đơn vị chức năng nạo vét cống. Mỗi khi mưa, có đơn vị tới dùng máy bơm hút nước chống ngập, nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời. Ông Lê Minh Thông, phó chủ tịch UBND P.15, Q.8, cho biết gần một tháng nay phường đã phối hợp với Công ty Dịch vụ công ích Q.8 nạo vét toàn bộ hệ thống cống rãnh trên địa bàn phường nhưng chưa làm tới đoạn đường nêu trên. Theo ông Thông, dự kiến trong tháng 8 sẽ nạo vét xong hệ thống cống tại khu vực trên. CAO NGUYÊN * Nâng cao đường để chống ngập. Bạn đọc Hồ Ngọc Long phản ảnh: “Công trình cải tạo mở rộng đường Trường Sa (P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) làm vỉa hè cao hơn nhà dân cả mét nên nhiều hộ bị bít lối vào nhà. Sao làm đường không tính toán để người dân đỡ bị thiệt hại?”. Ông Lê Quyết Thắng, giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, cho biết dự án mở rộng đường Trường Sa nâng cao mặt đường và vỉa hè (cao độ nền đường phải cao hơn mức triều cường) để chống ngập nước. Khi nâng cao vỉa hè thì nền nhà một số hộ dân thấp hơn vỉa hè, đặc biệt là các hộ dân ở trong hẻm. Việc này Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã làm việc với ban giám sát cộng đồng ở các phường trên tuyến đường thi công để phổ biến lại cho bà con. Để việc đi lại của người dân được thuận lợi, khu sẽ yêu cầu các nhà thầu thi công vuốt độ dốc từ mặt đường vào hẻm. N.ẨN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận