Tôi nói được tiếng Anh và có học thêm tiếng Pháp, tiếng Việt là ngôn ngữ châu Á đầu tiên của tôi bên cạnh tiếng mẹ đẻ.
Phóng to |
Tác giả Evelyne bên tượng Bác Hồ trước trụ sở UBND TP.HCM - Ảnh: Kevin M |
Hai tuần sau khi đáp máy bay đến VN, tôi bắt đầu tham gia một lớp học tiếng Việt với mục đích đơn giản để hòa nhập cuộc sống và giao tiếp với những người xung quanh. Tuy nhiên, trong thâm tâm tôi còn nuôi dưỡng một ước mơ nữa là để hiểu ngôn ngữ này khó đến nhường nào và chinh phục được nó.
Lớp học của tôi khá đa dạng về quốc tịch, gồm có người Anh, Pháp, Nhật và Hàn Quốc. Tuy là lớp vỡ lòng nhưng cô giáo luôn cố gắng giảng dạy mọi thứ bằng tiếng Việt và chỉ dùng tiếng Anh trong trường hợp bất khả kháng.
Ngoài hai cô giáo trên lớp, tôi còn có những giáo viên tiếng Việt thực thụ trong cuộc sống. Đó là chị giúp việc, người tỏ ra rất vui khi biết tôi học tiếng Việt. Chị luôn cười mỗi khi thấy tôi nghe băng tiếng Việt và lẩm nhẩm nói theo. Chị dạy tôi cách phát âm cho đúng và đôi khi hướng dẫn tôi làm bài tập về nhà. Đó là những người bạn VN, những người luôn nhiệt tình giải thích nguồn gốc, ý nghĩa của những món ăn khiến tôi cảm thấy ngon hơn khi thưởng thức.
Một trong những điều học được mà tôi tâm đắc là cách xưng hô trong tiếng Việt. Tùy theo người đối diện, tôi có thể là “em”, “chị” hay “con” và gọi người nhỏ tuổi hơn là “em”, lớn hơn là “anh”, “chị” hay “cô”, “bác”... Điều này rất độc đáo trong ngôn ngữ các bạn, thể hiện sự kính trên nhường dưới của người Việt trong giao tiếp hằng ngày.
Càng học tiếng Việt, tôi càng cảm thấy mọi thứ dường như trở nên dễ dàng. Khi đọc địa chỉ rõ ràng bằng tiếng Việt, tôi không sợ anh tài xế taxi nhầm lẫn hay đi lòng vòng, làm mất thời gian. Tôi nhận được nụ cười từ người phục vụ ở quán nước mỗi lần tôi gọi: “Em ơi, cho tôi một ly cà phê sữa đá!”.
Gần đây tôi đi du lịch ở Hà Nội, Sa Pa và vốn tiếng Việt học được đã giúp tôi rất nhiều trong chuyến đi. Tôi biết cách đổi vé, hỏi thăm thông tin thời gian tàu chạy, tìm ga đi... Tôi có cảm giác khi nói tiếng Việt, mọi người như cười với tôi và “chăm sóc” tôi nhiều hơn. Bây giờ, mỗi lần đi dạo ở trung tâm Sài Gòn, tôi thường cười thầm khi thoáng nghe bác xe ôm khen: “Đẹp quá!”.
Tiếng Việt đã tạo nên mối dây liên kết giữa những người nước ngoài sống ở VN với người dân địa phương, giữa người học và giáo viên. Ngoài giờ học trên lớp, cô giáo thường mời sinh viên về nhà làm bánh xèo đãi chúng tôi. Khi không còn dạy nữa, có cô còn giữ liên lạc bằng cách viết tin nhắn hay email cho sinh viên và tất nhiên chỉ bằng tiếng Việt. Có lẽ đây cũng là cách cô giáo kiểm tra xem chúng tôi còn nhớ ngôn ngữ này hay không.
Thời gian nhanh chóng trôi qua và tôi sắp sửa phải rời VN. Tuy không thể nói rằng tôi đạt được đích đến cuối cùng trong quá trình học tiếng Việt, nhưng tôi vui vì mình có thể nói cho mọi người hiểu được.
Tôi cảm thấy tự tin nếu sau này cần học thứ tiếng khác vì tôi đã “sống sót” được ở VN bằng cách sử dụng ngôn ngữ được so sánh là “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp VN”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận