01/06/2012 08:04 GMT+7

Sao chép đến tận dấu chấm cho... yên tâm

GS.TS ĐÀO TIẾN KHOA
GS.TS ĐÀO TIẾN KHOA

TT - Là thư ký khoa học hội đồng ngành vật lý của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Nafosted, từng tham gia xét duyệt đề tài đăng ký sự tài trợ của quỹ từ Lê Đức Thông và Nguyễn Thị Thu Hương, GS.TS Đào Tiến Khoa cho biết:

rgbI8pdc.jpgPhóng to
GS.TS Đào Tiến Khoa - Ảnh: Ngọc Hà

- Qua nhiều năm hướng dẫn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh tham gia nghiên cứu khoa học và viết luận án, tôi chua xót nhận ra rằng copy - paste (sao chép - “dán” thông tin) là vấn đề quá phổ biến. Với công nghệ máy tính phát triển, các bạn trẻ thường có khuynh hướng copy và paste những nội dung cắt xén từ tài liệu của người khác cho nhanh.

Khi viết về một đề tài khoa học thì đương nhiên phải cần có sự tham khảo các kết quả nghiên cứu đã được công bố trong lĩnh vực liên quan và các bạn trẻ với kỹ năng viết tiếng Anh còn hạn chế thì dễ “dùng” luôn câu văn của các tác giả quốc tế, thậm chí copy đến tận dấu chấm, dấu phẩy cho... yên tâm. Việc copy - paste các nội dung tiếng Việt cũng là chuyện thường ngày.

Chúng ta không thể chỉ trách các em mà cần thấy rằng đây là kết quả của một nền giáo dục đào tạo đại học không đến nơi đến chốn. Đã có lần nghe báo cáo khoa học, tôi thật sự buồn khi thấy cậu học trò của mình “bê” nguyên xi những câu văn từ báo cáo của chính tôi viết cách đây hàng chục năm vào báo cáo đề tài khoa học của mình. Cũng vì thế, mỗi khi có dịp tôi luôn nhắc nhở các đồng nghiệp trẻ rằng những kiến thức khoa học chung, những kết quả nghiên cứu đã được công bố đều có thể tham khảo trong khi viết, trình bày công trình, luận án... nhưng mỗi người phải cố gắng tìm cách diễn đạt của riêng mình trong từng câu văn, tuyệt đối tránh copy - paste.

"Đáng buồn hơn là không chỉ tiếng Anh, ngay cả kỹ năng viết bằng tiếng Việt của cử nhân đã tốt nghiệp đại học vẫn còn rất kém, không thoát nổi ý diễn đạt của mình"

* GS muốn nói đến sự xuê xoa, không nghiêm túc trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học ở nhiều trường hiện nay?

- Nghiên cứu khoa học ở nhiều trường đại học trong nước hiện còn yếu kém. Giảng viên phải dạy quá nhiều tiết, đến kỳ lại hướng dẫn quá nhiều luận văn, bận như thế làm sao đọc, sửa chuẩn hết được đề tài của các em. Người hướng dẫn không nghiêm túc trong khoa học, sinh viên cứ theo “lệ” ấy mà làm, nghiễm nhiên chấp nhận những thiếu hụt kỹ năng và thiếu trung thực trong nghiên cứu.

* Trở lại với trường hợp của Lê Đức Thông, ông Nguyễn Mộng Giao cho rằng ông là nạn nhân vì bị cho tên vào đề tài nghiên cứu “đạo văn”, rằng ông “không liên quan”. Điều này có phù hợp?

- Thông thường các đồng tác giả của một công trình phải là những người trực tiếp tham gia đóng góp vào quá trình nghiên cứu. Bản thảo của công trình phải được đọc và thảo luận nhất trí giữa tất cả các đồng tác giả trước khi gửi đi công bố. Do đó, một bài báo có nội dung khoa học sai thì mỗi đồng tác giả đều có trách nhiệm trong đó. Tất nhiên, một quy trình như vậy không phải lúc nào cũng được thực thi ở Việt Nam, khi “văn hóa” làm nghiên cứu khoa học nghiêm túc còn chưa có được ở nhiều trường, viện trong nước.

Ngoài ra, giáo viên hướng dẫn còn có trách nhiệm lớn hơn vì trong quá trình thầy trò cùng làm nghiên cứu, người thầy phải luôn cố gắng truyền đạt những kinh nghiệm, kỹ năng nghiên cứu khoa học... đến học trò. Không một người thầy nghiêm túc nào có thể nói đơn giản là “tôi không liên quan” khi học trò của mình phạm lỗi lầm nghiêm trọng trong một công trình, một bài báo khoa học mà người thầy đó cũng là đồng tác giả.

* Khi những lùm xùm của vụ “đạo văn” lộ ra trên báo chí, TS Nguyễn Thị Thu Hương - vợ của Lê Đức Thông - khẳng định “lấy làm tiếc vì quá tin tưởng chồng” mà không biết những việc làm sai của Thông, nhưng có vô can thật không khi năm 2011, sau khi bài báo bị tạp chí rút xuống, TS Hương vẫn tiếp tục đăng ký đề tài “Nghiên cứu sự thay đổi của hằng số cấu trúc tinh tế theo không gian và thời gian vũ trụ” để xin tài trợ của Quỹ Nafosted?

- Đúng là năm 2011, TS Hương có đăng ký đề tài này với vai trò “chủ nhiệm đề tài” và Lê Đức Thông là “thành viên nghiên cứu chủ chốt”, nhưng sau khi công việc phản biện khoa học độc lập được nghiêm túc thực hiện và những sai sót nghiêm trọng trong phương pháp nghiên cứu đã được khẳng định, quỹ đã chính thức từ chối tài trợ đề tài này.

Việc copy - paste là điều rất đáng trách, nhưng trong đề tài này - cũng như các bài báo đã bị rút xuống - Thông đã “ngụy tạo” ra một phương pháp không có cơ sở để đạt được những kết quả nghiên cứu theo mong muốn của cá nhân.

Đó thật sự là một phong cách làm khoa học nguy hại. Mỗi nhà khoa học, mỗi người thầy phải có trách nhiệm nhắc nhở, giáo dục sinh viên kiên quyết loại trừ tác phong làm nghiên cứu không trung thực ra khỏi cộng đồng.

GS.TS ĐÀO TIẾN KHOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên