Phóng to |
Không giải quyết rành rẽ vấn đề giao thông, đô thị sẽ là ác mộng với số đông - Ảnh: Thuận Thắng |
Đó thật sự là một bài toán khó khi nhu cầu đi lại, nên phương tiện giao thông cá nhân tăng lên chóng mặt, trong khi đường sá nhỏ hẹp, xuống cấp, và lượng người ồ ạt đổ về thành phố lớn, như TP.HCM, Hà Nội... để học tập, làm việc và định cư.
Thời gian qua dư luận đặc biệt quan tâm đến đề án thu phí phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc và nâng cấp hệ thống đường mà Bộ GTVT vừa đề nghị Chính phủ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Nếu đề án này được thông qua, phạm vi chịu ảnh hưởng của nó sẽ rất lớn vì đại bộ phận người dân đều có phương tiện giao thông cá nhân từ xe máy trở lên. Sẽ có thêm những khoản phí mà người dân phải chi trả, trong khi nền kinh tế vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tất nhiên, bất kỳ đề án nào khi được đệ trình đều có những lý giải theo hướng rất tích cực. Theo giải trình của Bộ GTVT, việc thu phí sẽ giúp hạn chế gia tăng xe cá nhân, hướng người dân đến việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đồng thời tạo ra một nguồn thu không nhỏ cho Nhà nước nhằm tu sửa, mở rộng đường sá, nâng cao chất lượng của giao thông và hạn chế tai nạn.
Nhưng cũng có nhiều điều phải suy nghĩ bởi việc thu phí chứa đựng nhiều bất cập nếu đưa vào thực tiễn. Chính vì vậy đã có những phản biện với Bộ GTVT về vấn đề này từ các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học, hay tiếng nói của một số nhân vật nổi tiếng khác. Nhìn chung đó là những phản biện về áp lực kinh tế đè nặng thêm lên người dân và tính hiệu quả của đề án.
Thiết nghĩ là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong vấn đề giao thông của cả nước, Bộ GTVT đã, đang và sẽ phải có những hướng nhằm giải quyết tình trạng giao thông đang rất hỗn loạn như hiện nay. Là công dân, đa số chúng ta đều chia sẻ với những khó khăn của bộ trong việc khắc phục vấn nạn này. Nhưng thật sự rất khó để người dân vui vẻ thực hiện đề án này, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, khi những lời giải thích chỉ chung chung là “nếu thực hiện đề án, đa số người dân được hưởng lợi, vì đi lại an toàn, đỡ ô nhiễm hơn”.
Chúng ta từng tăng học phí, đi kèm với lời giải thích là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Tuy nhiên, có lẽ thành quả cũng chưa như chúng ta mong đợi. Đơn cử như thu nhập của giảng viên đại học chưa tăng là bao, nên khái niệm “dành thời gian để nghiên cứu khoa học” với họ vẫn còn là điều xa xỉ, khi tất cả phải “chạy sô” để kiếm thêm thu nhập.
Do vậy, theo ý kiến chủ quan của tôi, để nâng cao tính thuyết phục của đề án, Bộ GTVT nên thông tin trước toàn dân một kế hoạch cụ thể hơn nữa về cách thức thực hiện và những thành quả rõ ràng, cụ thể sẽ phải đạt được nếu đề án được đưa vào áp dụng. Chẳng hạn, về mặt thời gian, đến ngày tháng năm nào tình trạng kẹt xe sẽ giảm và giảm như thế nào, tỉ lệ tai nạn giao thông sẽ giảm xuống cụ thể bao nhiêu phần trăm, hay những con số về độ bao phủ của phương tiện giao thông công cộng, chất lượng cũng như tần số hoạt động của nó.
Điều quan trọng hơn nữa là nếu đến thời điểm đó những chỉ tiêu, những con số cụ thể đó không đạt được thì những đơn vị, cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm (một mức kỷ luật nghiêm khắc chứ không phải là hình thức) trước toàn dân. Bộ cũng nên có kế hoạch công khai những khoản thu chi từ thuế, phí thu được, và những biện pháp cụ thể nhằm triệt để chống thất thoát (chủ yếu là tham nhũng) với những khoản thu đó.
Một khi những chính sách liên quan đến các khoản thuế, phí do Nhà nước ban hành, có tính thuyết phục cao, chắc chắn người dân sẽ đồng tình, vui vẻ thực hiện và xem đó thật sự là “niềm tự hào khi được đóng góp xây dựng cho đất nước”. Chúng ta tin và mong rằng thời gian tới Bộ GTVT sẽ đưa ra những giải pháp hợp lý hơn, thuyết phục hơn, nhằm cùng với toàn dân giải quyết bài toán hóc búa này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận