Phóng to |
Taxi đưa đón khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: Châu Anh |
Xin giới thiệu một ý kiến:
Cuối tháng 7-2011, cả bốn người trong gia đình tôi đi Malaysia để dự lễ tốt nghiệp đại học của con trai tôi. Từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), chúng tôi đi máy bay giá rẻ đến sân bay LCCT (Low cost carrier terminal - sân bay giá rẻ) ở ngoại ô Kuala Lumpur là đã 12g đêm. Trước khi đến Malaysia, gia đình tôi đã đặt phòng khách sạn ở khu Chowkit - nội ô Kuala Lumpur. Không rành đường sá ở Kuala Lumpur, chúng tôi chọn taxi để đi từ sân bay về khách sạn.
Con trai tôi học ở Malaysia nên biết đa số taxi ở đây không tính tiền cước dựa trên đồng hồ, mà chỉ theo thỏa thuận giữa tài xế và hành khách. 12g đêm, liệu tài xế taxi có “chặt chém” không? Tôi thoáng lo lắng như vậy nhưng ngay sau đó nỗi lo này đã tan biến khi bác tài tuổi trung niên ra giá cho cuốc xe vào lúc nửa đêm về nội ô Kuala Lumpur chỉ tương đương 750.000 đồng cho quãng đường khoảng 60km.
Dẫu đã thỏa thuận tiền trước nhưng tài xế vẫn chịu khó chạy đi tìm khách sạn cho chúng tôi qua nhiều con đường mà không hề mè nheo hay đòi thêm tiền. Sau đó, gia đình tôi còn hai lần đi taxi ở Malaysia và lần nào cũng may mắn gặp được tài xế tử tế.
Lần đầu tiên đến Malaysia, ấn tượng của tôi về đất nước này thật dễ chịu nhờ những bác tài taxi vui vẻ và không “chặt chém” khách lạ dẫu vào lúc đêm hôm khuya khoắt. Tuy nhiên, sau cảm giác dễ chịu tôi thấy như mình có lỗi vì trước khi đi Malaysia khoảng hai tháng, qua báo chí trong nước tôi biết có vụ ba du khách người Malaysia đi từ chợ Bến Thành ra sân bay Tân Sơn Nhất bị tài xế taxi dù (nhái nhãn hiệu một hãng taxi lớn) “chém” đến 4 triệu đồng và 300 ringgit (khoảng 2 triệu đồng)!
Tôi nghĩ ở đâu cũng có người tốt và người xấu. Tài xế taxi ở Malaysia từng bị mang tiếng “hét giá trên trời” và tài xế taxi ở VN cũng có nhiều người trả lại tiền, hành lý của hành khách bỏ quên trên xe. Vấn đề là chúng ta đừng để nạn tài xế taxi “chặt chém” du khách trở thành chuyện phổ biến. Gần đây báo chí thông tin không ít vụ tài xế taxi “chặt chém’ và có hành vi như “ăn cướp” khi hành khách vừa xuống xe là họ vọt xe bỏ chạy mang theo hành lý, hàng hóa của khách.
Trước vụ nữ du khách người Nhật bị tài xế taxi bắt chẹt này, dư luận chưa quên vụ hai hành khách người Singapore đến Hà Nội dự kỳ họp Đại hội đồng Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế vào cuối năm 2011 bị tài xế taxi buộc phải trả hơn 200 USD và hơn 100 đô la Singapore cho quãng đường chưa đầy 10km...
Tình trạng tài xế taxi bắt chẹt, làm tiền du khách khi họ vừa đặt chân đến VN là ác mộng đối với nhiều du khách nước ngoài. Để đối phó với tình trạng này, sách hướng dẫn du lịch của các hãng du lịch nước ngoài đã hướng dẫn du khách cách chọn taxi để đi và cả cách đối phó khi bị “chặt chém”. Còn các hãng taxi và cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động taxi của chúng ta thì sao? Họ đã làm gì để tài xế taxi không làm xấu hình ảnh đất nước?
Hãng taxi chưa làm tròn trách nhiệm Đại diện Hãng taxi Sài Gòn Hoàng Long (có tài xế bắt chẹt du khách Nhật nêu trên) cho rằng các hãng rất khó kiểm soát hết hành vi của tài xế. Theo quy trình, hãng có biện pháp đào tạo, giám sát và kỷ luật đối với tài xế taxi trong suốt quá trình hoạt động. Trường hợp tài xế Nguyễn Thanh Hải thu tiền quá giá và lấy đồ của khách vừa qua là việc ngoài mong muốn của hãng. Đại diện Hãng taxi Sài Gòn Hoàng Long thừa nhận có những bộ phận hoặc thời điểm việc quản lý tài xế chưa tốt. Trước khi xảy ra vụ việc vừa qua, tài xế Nguyễn Thanh Hải đã có những biểu hiện bất thường như nợ doanh thu nhưng hãng chưa có biện pháp xử lý ngay. Rút kinh nghiệm về điều này, Hãng taxi Sài Gòn Hoàng Long cho biết từ ngày 5-4 sẽ làm việc với gần 1.000 tài xế của hãng để chấn chỉnh nội quy và tác phong phục vụ hành khách, yêu cầu tài xế thu cước đúng giá và kiên quyết phải trả lại đồ nếu khách để quên. Trong khi đó, ông Đặng Tuấn Tú - giám đốc Trung tâm An ninh sân bay Tân Sơn Nhất - cho rằng để xảy ra tình trạng tài xế taxi bát nháo như hiện nay do các hãng taxi chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Như trường hợp nữ du khách Nhật này, ban đầu khi khách tới hãng trình báo thì hãng chỉ nhận diện được tài xế mà chưa buộc được tài xế thừa nhận vi phạm và trả lại tài sản cho khách. Phải tới khi khách tới sân bay xác minh qua camera và trình báo với công an thì sự việc mới được giải quyết. Ông Tú cho biết sắp tới sân bay Tân Sơn Nhất sẽ xây dựng quy định yêu cầu các hãng taxi phải có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của khách, ngoài ra phải bồi thường chi phí phát sinh cho khách nếu lỗi do tài xế của hãng mình. Đại diện Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng ngoài việc kiểm soát đầu vào, các hãng cũng cần thường xuyên tập huấn, giáo dục kỹ năng và đạo đức cho tài xế taxi. Đối với các tài xế taxi vi phạm, các hãng cần có sự thông báo lẫn nhau để không tái tuyển dụng những trường hợp này. BÁ SƠN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận