02/04/2012 07:15 GMT+7

Gợi ý nhiều tên gọi cho hang động mới phát hiện

H.TR.
H.TR.

TT - Đến 20g ngày 1-4, đã có hàng trăm phản hồi và gần 600 email gửi về địa chỉ dulichtt@tuoitre.com.vn đặt tên cho hang động mới ở Phong Nha - Kẻ Bàng đã cho thấy sự hào hứng, lòng tự hào dân tộc của bạn đọc dành cho quê hương đất nước mình.

Howard Limbert & 15 lần khám phá Phong NhaTiếp tục tìm hang động mới ở Phong Nha - Kẻ BàngĐón xem hình ảnh tuyệt đẹp hang động mới phát hiện

iTbbUXbL.jpgPhóng to
Những cây măng đá trong hang động chưa được đặt tên - Ảnh do đoàn thám hiểm cung cấp

Ngắn gọn, dân dã, mộc mạc nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa, nhiều bạn đọc đã đặt tên hang động mới là hang Mầm, hang Chồi, Mầm Đá, Chồi Đá... Lý giải như bạn đọc Lê Văn Ôn (chung cư Vạn Đô, 348 Bến Vân Đồn, P.1, Q.4, TP.HCM): “Chữ “mầm” liên tưởng đến các lớp mầm, chồi, lá. Hàng triệu năm, thiên nhiên mới tạo được những măng đá như thế này, cũng như 4.000 năm qua, ông bà ta đã gầy dựng nên một nhà nước Văn Lang - Việt Nam như ngày nay. Măng tơ, măng non cũng cần được chúng ta chung tay gìn giữ, như lời Bác Hồ từng căn dặn”. Cũng là một hình ảnh quen thuộc với người Việt Nam, cái tên hang Măng, động Măng, Búp Măng và hang Cờ, Quân Cờ, Cờ Việt, Bàn Cờ Thạch, Tháp Cờ, hang Cờ Lim, Bàn Cờ Của Limbert (Limbert Chessboard)... cũng được nhiều bạn đọc lựa chọn.

Hàng hàng nhũ đá quây quần bên nhau cùng hướng về một phía như những bô lão đang bàn luận việc hệ trọng quốc gia đại sự khiến người ta liên tưởng cuộc hội nghị lịch sử của dân tộc: Hội nghị Diên Hồng. Đó là cảm xúc của bạn đọc haotamle@... khi nhìn tấm ảnh tuyệt đẹp, vì thế cùng với rất nhiều bạn đọc khác, tên hang Diên Hồng, Hội Nghị Diên Hồng đã được chọn.

Đặc biệt, không hẹn mà gặp, đã có gần 100 bạn đọc chọn tên hang là Bạch Đằng, Bạch Đằng Giang, Nhị Bạch Đằng, Thủy Thạch Trận, Thủy Trận hang hoặc hang Cọc... “Những măng đá, nhũ đá trong hang gợi nhớ đến hàng cọc gỗ mà đức Trần Hưng Đạo cho đóng trên sông Bạch Đằng để chống lại đoàn thuyền của quân Nguyên xâm lược năm 1288 hoặc trận Ngô Quyền phá quân Nam Hán cũng trên sông Bạch Đằng năm 938. Khi người dân xem ảnh hoặc thăm hang, họ sẽ liên tưởng đến chiến công năm xưa của cha ông ta, từ đó nuôi dưỡng lòng yêu nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay” - bạn đọc Trương Công Yến Như tâm sự.

Hào hứng với việc đặt tên, nhưng cũng không quên công người đã khai phá và dành cho bạn đọc Tuổi Trẻ một cuộc chơi thú vị và ý nghĩa, đã có rất nhiều bạn đọc chọn những cái tên liên quan đến ông Howart Limbert như Phong Nha Howard, Cọc Lim... hoặc chỉ đơn giản là hang Limbert, hang Howard Limbert. Bạn đọc Lã Mạnh Cường phân tích rất sâu sắc: “Cọc là do trong hang có rất nhiều cọc thạch nhũ. Lim là một phần tên ông Limbert. Dùng một phần tên ông đặt tên hang để nhớ ơn người đã khám phá ra hang. Lim cũng là một loại gỗ cứng và cọc lim là một từ khá quen thuộc ở Việt Nam, dễ gọi, dễ hiểu, dễ nhớ đối với người Việt Nam”.

Cũng có không ít bạn đọc đề xuất được đặt tên hang là Tuổi Trẻ. Lý giải theo bạn đọc Phạm Việt Truyền (Đại học Cần Thơ) là bởi trong hang “có hàng ngàn đá măng nhú lên trời tượng trưng cho sức sống của tuổi trẻ”. Kèm theo đề xuất này còn có một bài thuyết trình dài 1.000 chữ, theo đó bạn đọc Nguyễn Văn Toàn (287 Chi Lăng, P.Phú Hiệp, TP Huế) cho rằng: tên Tuổi Trẻ “là một kỷ niệm đẹp, một minh chứng cho niềm tin và sự gửi gắm của ông Howard Limbert dành cho báo Tuổi Trẻ và bạn đọc của báo”. Đó cũng là “minh chứng cho khát vọng của lớp trẻ Việt Nam ngày nay. Khát vọng chinh phục, khát vọng khám phá, khát vọng vươn ra biển lớn và khát vọng đưa đất nước Việt Nam hóa rồng vào thế kỷ 21”.

Cuộc chơi vẫn còn mở ra đến hết ngày 20-4-2012. Mời bạn đọc tiếp tục gửi tên mình đề xuất cho hang mới về địa chỉ: dulichtt@tuoitre.com.vn.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng:

“Vẻ đẹp hang động khiến tôi ngây ngất cả ngày”

Tôi không mong đoạt giải, chỉ muốn cùng Tuổi Trẻ gợi mở để tìm ra cái tên hay, độc đáo cho hang động. Xem những bức ảnh hang động mới trên báo, tôi đã nghĩ đến rất nhiều tên nhưng quyết định chọn tên Hùng Linh Bạch Đằng Trận để đặt cho hang động với hàng ngàn khối đá măng này. Hình ảnh trong hang khiến tôi nghĩ đến những cọc nhọn trong trận thủy chiến lịch sử mà Trần Hưng Đạo đã dàn trận trên sông Bạch Đằng để đánh đuổi quân Nguyên. Tôi nghĩ mình có thể gọi là Bạch Đằng hang cho ngắn gọn và dễ nhớ. Tuy nhiên, tôi vẫn thích tên Hùng Linh Bạch Đằng Trận hơn vì tên này lột tả được tính chất hùng mạnh, linh thiêng của trận chiến lịch sử. Ngoài ra, chữ Hùng Linh nếu viết tắt là H.L. có thể hiểu là tên của nhà thám hiểm Howard Limbert - người đã tìm ra hang động tuyệt vời này. Vẻ đẹp của hang động đã khiến tôi ngây ngất cả ngày và cứ nghĩ mãi tới những tên gọi hay dành cho hang.

Q.N. ghi

H.TR.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên