27/03/2012 18:32 GMT+7

Hiến kế thêm cho Bộ trưởng Bộ Y tế

HUỲNH SÁNG
HUỲNH SÁNG

TTO - Sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn các giải pháp để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, nhiều bạn đọc đã có những góp ý tâm huyết. TTO xin trích đăng một số ý kiến.

“Quy chế chuyển viện phải ngặt nghèo”

2wrr7MPF.jpgPhóng to
Quang cảnh buổi trả lời chất vấn kết nối trực tuyến với 63 tỉnh thành để các đại biểu Quốc hội ở địa phương cùng tham dự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức - Ảnh: Lê Kiên

Thưa bà bộ trưởng, bản thân tôi thấy ngành y tế nước ta nổi lên ba vấn đề cơ bản:

1. Trình độ chẩn đoán bệnh của bác sĩ

2. Cơ sở vật chất hỗ trợ chẩn đoán bệnh

3. Số giường bệnh thiếu thốn.

Ba giải pháp tương ứng là:

1. Thành lập bốn trung tâm tư vấn bệnh và kê đơn thuốc ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ:

Bốn trung tâm này phụ trách bệnh theo khu vực, tập hợp các bác sĩ giỏi ở các loại bệnh dễ dẫn đến tử vong và khó trị, hằng ngày xem xét xét nghiệm máu, xem chụp X-quang, phỏng vấn trực tuyến bệnh nhân nếu nghi ngờ bệnh nặng... Các thông tin bệnh án được scan và gửi vào hệ thống mạng trực tuyến, trung tâm này xem bệnh án và kê đơn thuốc trên mạng hoặc ra quyết định chuyển viện lên tuyến trên (đơn thuốc, thuốc gì, giá tiền thuốc bao nhiêu... sẽ lưu trữ trong hệ thống mạng luôn), tuyến huyện chỉ việc làm theo đơn thuốc và đúng theo quy trình điều trị. Còn nếu xảy ra chết người thì xem trong quy trình ai làm sai để biết mà xử. Có gắn camera tại nơi khám, phỏng vấn bệnh nhân. Bộ Y tế cần xem lại quy trình khám chữa bệnh.

Đề nghị tất cả bệnh nhân đều phải lấy nước tiểu và xét nghiệm máu, lưu vào hệ thống dữ liệu của Bộ Y tế.

Khâu chẩn đoán bệnh là cực kỳ quan trọng, giúp khắc phục khả năng chẩn đoán bệnh yếu kém của tuyến dưới.

2. Đầu tư các thiết bị hỗ trợ khám chữa bệnh cho bệnh viện tuyến tỉnh, huyện:

Trước hết là đầu tư, rà soát tuyến tỉnh. Xong giai đoạn này sẽ cải thiện được tình trạng như hiện nay, sau đó đến tuyến huyện.

3. Di chuyển bệnh viện ra vùng ngoại ô thành phố:

Nơi mà đất còn rẻ, diện tích 3ha thì tha hồ chữa bệnh. Điều nghịch lý là nội ô TP ồn ào, khói bụi, khó di chuyển bệnh nhân nhập viện, không thích hợp cho bệnh nhân, trong khi ngoại ô yên tĩnh, thoáng mát, rộng rãi lại không ở. Cơ sở vật chất trong nội ô bán lại cho tư nhân, một phần giữ lại phục vụ việc cấp cứu, khi bệnh nhân ổn định sẽ chuyển ra ngoại ô điều trị. Mỗi bệnh nhân chỉ cho phép hai người chăm sóc, lưu trú tại bệnh viện.

Ưu điểm của mô hình này là các bác sĩ giỏi không phải di chuyển đi đâu xa mà còn có thể dùng tay nghề giỏi của mình để giúp nhiều người bệnh trong cả một khu vực rộng lớn, chứ không chỉ bệnh viện mình phụ trách. Các bác sĩ giỏi ở gần nhau sẽ trao đổi chuyên môn với nhau, giúp tay nghề càng cao, nghiên cứu khoa học càng sâu. Hơn nữa khi xảy ra sự cố sẽ biết ai làm sai, quy trình chữa bệnh còn thiếu sót những gì để biết mà xử lý, chỉnh sửa.

Về phía người bệnh sẽ yên tâm hơn vì được bác sĩ giỏi hàng đầu của cả nước trực tiếp khám và chữa bệnh. Có như vậy bệnh nhân mới yên tâm ở lại tuyến tỉnh, huyện điều trị.

Theo tôi, đây là một giải pháp hay và đúng, từng thực hiện, tuy nhiên hiệu quả thực tế không như mong đợi. Thứ nhất là đội ngũ bác sĩ hỗ trợ chưa thật sự là những người tài giỏi, thời gian hỗ trợ ngắn, không thường xuyên... Hai là cơ sở vật chất tuyến dưới quá yếu, thiếu đồng bộ... khiến nhiều ca bệnh dù bác sĩ có khả năng cứu chữa nhưng không thực hiện được, hay nói chính xác là không dám thực hiện.

Vì vậy, theo tôi, việc hỗ trợ bác sĩ từ tuyến trên phải đi cùng với việc nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho bệnh viện tuyến dưới mới có hiệu quả thật sự. Cũng như bác sĩ hỗ trợ không chỉ làm công việc hỗ trợ đơn thuần mà phải chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ tuyến dưới. Và chỉ ngưng đợt hỗ trợ khi bác sĩ tuyến dưới tiếp thu được những phương pháp, kỹ thuật điều trị mới, đủ sức đảm đương công việc.

Khi có bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ phải thông báo trên đài truyền hình, truyền thanh địa phương cho người dân biết. Vì thực tế ít ai biết có bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ nếu không vì lý do nào đó phải đến bệnh viện.

Theo tôi, quá tải bệnh viện mang đến nhiều hệ lụy như "cò" bệnh viện, lừa đảo, trộm cắp, tình trạng tiêu cực… mà người bệnh buộc phải chịu.

Suy nghĩ kỹ trước khi phát biểu trước Quốc hội, nhân dân

Để giải đáp được câu hỏi vì sao bệnh viện tuyến trên lại luôn có tình trạng quá tải so với bệnh viện tuyến dưới, tôi thiết nghĩ bà bộ trưởng nên suy nghĩ thật kỹ trước khi trả lời, vì những câu tả lời qua loa lấy lệ không thể thỏa mãn được yêu cầu của câu hỏi.

Mọi vấn đề đều có nguyên nhân và kết quả của nó. Nếu bà bộ trưởng thấy vấn đề này phức tạp, không thể trả lời ngay tại cuộc họp Quốc hội thì nên trả lời bằng văn bản đầy đủ. Như vậy vẫn tốt hơn trả lời cho có và chưa đáp ứng được yêu cầu. Phải đưa ra hết được các nguyên nhân của vấn đề thì khi giải quyết vấn đề mới thấu đáu. Cảm ơn báo đã đăng ý kiến của cá nhân tôi.

HungDN danghung90@gmail.com

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Thực chất nguyên nhân sâu xa của tình trạng quá tải là không có người (bác sĩ giỏi) làm ở tuyến dưới, nhất là tuyến quận huyện. Đây là hậu quả của việc hoạch định chính sách không tốt nên không thể thu hút người tài làm việc ở tuyến dưới.

Ở tuyến huyện làm việc với áp lực cao từ nhiều phía (làm “đa khoa”, không được phép chọn chuyên khoa để đùn đẩy người bệnh, áp lực của dư luận, áp lực từ đòi hỏi của người bệnh và thân nhân, trong điều kiện làm việc thiếu thốn nhiều thứ, hành lang pháp lý bảo vệ không có, đạo đức xã hội có nhiều vấn đề…), trong khi chế độ chính sách đãi ngộ từ ưu đãi nghề, chế độ phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật… thấp hơn ở nơi có điều kiện làm việc tốt hơn, chỉ làm đúng theo chuyên khoa được đào tạo.

Thêm vào đó là quy định về định mức thường trực cho bệnh viện đa khoa tuyến huyện chỉ có 14 cán bộ/100 giường bệnh, mà vừa đảm bảo trực bệnh lại phải bảo đảm chuyển viện an toàn cho các bệnh nhân vượt khả năng được phân tuyến kỹ thuật nên tiền trực phải chia nhỏ ra.

Thu nhập ở bệnh viện tuyến huyện khó mà cao. Trong điều kiện như vậy thì làm sao thu hút hay giữ chân bác sĩ ở đây làm việc, chuyện chuyển dịch bác sĩ (giỏi) từ nông thôn ra thành thị, từ bệnh viện công sang bệnh viện tư là tất nhiên. Quá tải cũng tất nhiên. Xây thêm bao nhiêu bệnh viện nữa mà tuyến quận huyện không có bác sĩ giỏi làm việc thì không bao giờ giải quyết được quá tải.

Thiết nghĩ bộ trưởng cần thực tế hơn để có giải pháp giải quyết tình trạng quá tải phù hợp, hiệu quả hơn.

Cực chẳng đã mới phải vượt tuyến, chứ có sướng ích gì đâu. Lý do: nói chi đến bệnh ngặt nghèo, nói chi đến bệnh viện tuyến huyện, xã...

Bộ trưởng ơi, cái cần giải quyết là song song với việc nâng cao thu nhập cho đội ngũ y bác sĩ phải đồng hành với việc nâng cao trình độ chuyên môn... Đây là nghề đặc biệt, liên quan đến nhân mạng.

Chúng tôi không thể ngồi nhìn thân nhân đau đớn với trình độ của các bác sĩ chỉ... chuyên tu nên vượt tuyến là điều tất nhiên.

Bà bộ trưởng ơi, xem lại vấn đề này nhé... Đây là câu chuyện của con gái tôi. Bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ (hai ông bác sĩ điều trị, trong đó có một phó khoa ngoại) mà còn chữa trị kiểu đấy, thử hỏi ở tuyến huyện, tuyến xã thì thế nào nhỉ?

Câu này nhờ bà bộ trưởng trả lời hộ vậy! Rất bức xúc khi phải vượt tuyến đấy, bà bộ trưởng ơi...!

HUỲNH SÁNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên