Phóng to |
Cần tạo điều kiện để ĐH Quốc gia TP.HCM thành đại học nghiên cứu. Trong ảnh: sinh viên chương trình tiên tiến Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) trong giờ thí nghiệm - Ảnh: Như Hùng |
Phân tầng cao thấp là đặc tính của đại học. Bậc học phổ thông chủ yếu nhằm đào tạo những công dân có trình độ học vấn nhất định khi tốt nghiệp, nên căn bản không cần phân tầng cao thấp. Còn bậc đại học là đào tạo nhân lực theo nghề nghiệp chuyên môn, bồi dưỡng phát triển nhân tài trong các điều kiện, lĩnh vực khác nhau nên cần phân tầng, phân cấp khác nhau. Đây không phải là “chiếu trên chiếu dưới”, mà là một đòi hỏi khách quan.
Thực chất của việc phân tầng đại học liên quan đến phương pháp và cơ chế quản lý, nhằm thúc đẩy quyền tự chủ của đại học cùng trách nhiệm giải trình xã hội của chúng. Đây chính là xu hướng phát triển của đại học thế giới. Sẽ là phản khoa học và góp phần gây nên tình trạng tiếp tục tụt hậu của nền đại học nước nhà nếu áp dụng cùng một cơ chế và cách thức quản lý cho tất cả các đại học, trong khi chúng có vai trò và sứ mạng lịch sử rất khác nhau, tiềm lực và sức mạnh khoa học công nghệ cũng rất khác nhau.
Ở nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, sự phân tầng đại học diễn ra một cách tự nhiên, từ đó dẫn đến việc hình thành các đại học tinh hoa, trở thành niềm tự hào cho trí tuệ và nền khoa học của dân tộc họ.
Ở nước Nga, vào năm 1996 Viện Đuma quốc gia đã thông qua Luật giáo dục liên bang, lấy phạm trù “đại học nghiên cứu quốc gia” làm chuẩn mực để phân tầng đại học. Gần đây, năm 2009 tổng thống Nga đã ký quyết định ban hành một sắc luật liên bang, cấp quy chế đặc biệt cho hai trường đại học quốc gia hàng đầu là Đại học Lomonosov và Đại học Saint Petersburg, đặt lên vai hai trường này vai trò và sứ mệnh dẫn đầu nền đại học Nga trong cuộc cạnh tranh phát triển với các đại học hàng đầu quốc tế.
Các nước quanh ta như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... cũng thực hiện phân tầng đại học thông qua việc đầu tư và đưa chính sách đặc biệt cho các trường đại học hàng đầu của họ. Các trường này trở thành đại học nghiên cứu, làm đầu tàu cho cả hệ thống đại học trong nước.
Ở Việt Nam, việc hình thành hai đại học quốc gia (ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM) chính là bước đầu luật hóa việc phân tầng hệ thống đại học. Trong hơn chục năm qua, Nhà nước đã đầu tư cho hai đại học này khá nhiều nguồn lực với kỳ vọng xây dựng ĐHQG trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trình độ tiên tiến, nòng cốt của hệ thống đại học cả nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời kỳ hội nhập.
Trong khi những đại học hàng đầu ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã và đang trở thành những đại học nghiên cứu, thì ở nước ta hai ĐHQG và một vài trường đại học lớn khác mới bắt đầu đặt vấn đề trở thành những đại học định hướng nghiên cứu - tức là bước quá độ phát triển lên tầm đại học nghiên cứu. Để có đại học nghiên cứu thực thụ, với đà này có lẽ chúng ta còn phải mất nhiều thập niên nữa.
Ngày 27-7-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006-2020, có đề cập đến việc phân tầng mạng lưới đại học, trong đó có đại học định hướng nghiên cứu. Nhưng câu chuyện về phân tầng đại học và đại học định hướng nghiên cứu đến nay vẫn chưa có gì tiến triển.
Vì thế, trong Luật giáo dục đại học ban hành sắp tới đây, rất cần thể hiện sự phân tầng đại học triệt để nhằm tạo điều kiện cho các đại học hàng đầu của chúng ta một hành lang pháp lý minh bạch, chặt chẽ, nhất quán. Thậm chí cần phải dành cho ĐHQG một sắc luật riêng, hoặc ít ra cũng phải một chương riêng trong Luật giáo dục đại học, trong đó quy định cụ thể, rõ ràng về chức năng quyền hạn, mô hình tổ chức, cơ chế quản lý, tài chính...
Tóm lại là gỡ bỏ mọi cản trở của lối tư duy quản lý cũ để thật sự thay đổi nội thể của đại học Việt Nam, ngõ hầu để đại học Việt Nam thật sự hội nhập vào xu hướng phát triển của đại học thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận