04/11/2011 07:34 GMT+7

Trường Sa và tuổi thơ tôi

DUY
DUY

TT - Là con của lính hải quân nên tôi đương nhiên là con, là cháu của đồng đội bố. Những năm 1990, căn nhà tập thể nơi tôi ở luôn rộn ràng tiếng nói cười của các chú vào mỗi cuối tuần.

5juLGtYy.jpgPhóng to
Công trình góp đá xây Trường Sa đã đổ bêtông - Ảnh: Đức Thanh

Những gương mặt thân quen trong trí nhớ tôi luôn cười những nụ cười hào sảng. Đó là chú C., chú L., bác C.... Tôi khen chú C. “ngoan” nhất vì da trắng và không hút thuốc lá. Các chú bộ đội hải quân gửi nỗi nhớ con trong cái xoa đầu tôi: “Con em cũng lớn như bé D. vậy”.

Có một dạo tôi không còn gặp các chú thường xuyên nữa. Trẻ con cũng chẳng thắc mắc nhiều khi lâu không thấy các chú, các bác đến nhà chơi. Một ngày, tôi hét toáng lên ở chân cầu thang nhà tập thể khi nhìn thấy chú C., chú L.. Mẹ và bố mừng mừng tủi tủi, còn tôi ôm rịt lấy cổ chú.

Trong câu chuyện của người lớn lần đầu tiên tôi được nghe đến Trường Sa. Những tháng sống ở đảo biến những ông chú “ngoan” của tôi thành những người cháy nắng, tóc tai xơ xác. Mẹ tôi mừng, luống cuống đi chợ mua đồ ăn. Chú giữ tay mẹ lại, bảo: “Chị mua rau thôi, đừng mua gì khác”. Mẹ tủi thân, tưởng chú giữ ý. Nhưng chú bảo: “Em chỉ thèm mỗi rau”. Nhìn các chú ăn ngon lành những cọng rau xanh mới thấy chú nói thật.

Lính công binh ở đảo một ngày được cấp 2 lít nước ngọt. Sự sống của đất liền xa lạ với người lính đảo chìm. Đồ ăn đóng hộp, hết luộc, nấu lại hấp. Ban ngày đảo trồi lên khỏi mặt nước, đêm đến nước phủ xăm xắp sàn nhà. Những ngôi nhà sàn trên mặt nước làm chỗ trú gió mưa cho lính đảo được gọi đùa là những ngôi “nhà cẳng”.

Xa đất liền, lính đảo làm quen với những đàn cá mập lượn lờ dưới nước hay cọ mình vào chân sàn. Đó là thiên đường của trẻ con tôi, nhưng với chú, với bố, đó là những gian khổ không thể đo đếm. Trong câu chuyện loáng thoáng có những người không bao giờ trở về, bởi những tai nạn bất ngờ bỗng thành thảm họa giữa biển khơi mênh mông.

Quà cho tôi là những vỏ ốc được khắc chữ Trường Sa, Hoàng Sa xinh xắn. Những vỏ ốc to hơn bàn tay người lớn, ngân nga tiếng sóng biển khi áp vào tai. Đó là quà của lính đảo, của những người chú thân thương. Giữa mênh mông của sóng biển, giữa mong manh của con người trên doi đất nhỏ nhoi, chú tôi vẫn sống, vẫn bám trụ với mảnh đất bé tí ấy vì đó là đất mẹ Việt Nam.

Câu chuyện về Trường Sa, về lính hải quân tạm khép lại khi những người bạn đồng đội của bố tôi xuất ngũ, chuyển công tác. Tôi vô tư tận hưởng cuộc sống hòa bình. Trong thế hệ trẻ chúng tôi, chiến tranh đã lùi xa, gian khó đã thành dĩ vãng. Những người lính âm thầm hiện diện trong cuộc sống đời thường. Có lúc họ đứng ở vị trí khiêm tốn trong hệ tiêu chuẩn giá trị mới của giới trẻ. Với bố tôi và những người lính sau này, đó không phải là vấn đề. Khi đã chọn làm người lính, có ai chọn mình là người nổi tiếng.

Tôi sẽ giữ lại những kỷ niệm về biển và những người lính biển như một ký ức êm đềm nếu như những đòi hỏi về chủ quyền đất nước không bùng nổ trên các diễn đàn mạng. Có những người trẻ sục sôi, có những người trẻ tức giận.

Chỉ người lính âm thầm chuẩn bị cho mọi tình huống bảo vệ chủ quyền đất nước. Nỗi chia ly trên một đất nước mà chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm lại một lần nữa được cơi lên. Những chia ly của gia đình lính cũng âm thầm như người lính thời bình này.

DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên