20/08/2011 12:00 GMT+7

Xả thải ra môi trường: nên kiểm tra hàng loạt

Dân
Dân

TTO - Sau khi đăng loạt bài phản ánh về các doanh nghiệp xả nước thải bẩn ra môi trường, tòa soạn báo Tuổi Trẻ đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc. TTO xin trích đăng.

W9MKQzNZ.jpgPhóng to
Đoàn kiểm tra phát hiện dòng nước đỏ au và bốc khói từ nhà xưởng chảy ra mương thoát nước vệ sinh Công ty dệt Thái Tuấn - Ảnh: N.Triều

Báo động nguy hiểm

Ngoài Sonadezi và Dệt Thái Tuấn, chỉ nửa đầu tháng 8, C49 đã phát hiện thêm 4 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM xả thải bẩn ra môi trường. Và còn bao nhiêu trường hợp chưa được phát hiện?

Điều đáng nói là lâu nay người ta chưa coi vấn đề là nghiêm trọng. Đến khi vi phạm đến mức nghiêm trọng thì việc xử lý sẽ kèm theo những tốn kém rất lớn và môi trường rất khó có thể phục hồi.

Vì vậy hãy siết chặt việc quản lý môi trường ngay từ các dự án xây dựng, sản xuất mà trường hợp của các dự án "Đồng Nai 6" và "Đồng Nai 6A" là một ví dụ sinh động. Hơn lúc nào hết, bảo vệ môi trường phải đi trước một bước, đừng chạy theo sau các vi phạm vì lúc đó có thể đã quá muộn.

Nên kiểm tra hết

Khoảng năm 1992 trở về trước kênh này rất sạch, cứ mỗi buổi chiều dân ở hai bờ kênh đều nhảy xuống tắm và tôi đã sống gần bờ kênh Tham Lương này từ nhỏ. Theo tôi, không chỉ có Dệt Thái Tuấn mà trước đó còn có rất nhiều công ty khác, kể cả công ty của nhà nước, cũng xả xuống lòng kênh này. Vì vậy nếu đã kiểm tra thì phải kiểm tra hết.

Dòng kênh này hiện giờ rất đen và hôi mỗi khi thủy triều lên, mức độ ô nhiễm ở đây rất nặng. Theo tôi, khoảng cách 500m từ bờ kênh nếu đào đất sâu xuống chừng 1m thì ngửi thấy đất rất hôi và nếu như có nạo vét thì cũng vài chục năm nữa lòng kênh này mới có thể trong sạch lại như xưa.

Thanh tra tổng thể

Gần đây, hàng loạt vụ vi phạm xả thải ra môi trường liên tục được phanh phui nhưng rồi vấn đề được giải quyết đến đâu hay chỉ là xử phạt nhẹ và cho qua?

Tôi nghĩ cơ quan chức năng nên làm cuộc tổng thanh tra về môi trường tại tất cả các công ty, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn TP.HCM và phạm vi cả nước. Mặc dù sẽ rất tốn kém về nhân lực và tiền của, nhưng nếu không làm ngay từ bây giờ thì sau này chúng ta sẽ phải bỏ ra số tiền lớn gấp hàng chục, hàng trăm lần để khắc phục hậu quả ô nhiễm.

Nhân đây, tôi cũng gửi đến các công ty, nhà máy, xí nghiệp lời nhắn nhủ: Đừng vì lợi ích trước mắt mà gây ra những hậu quả tai hại về sau. Hãy để cái tâm của nhà doanh nghiệp lên trên lợi ích trước mắt mà chú trọng hơn về vấn đề môi trường.

Nằm ở ý thức

Ý thức bảo vệ môi trường kém như vậy, đến bao giờ nước ta mới được sạch sẽ như các nước bạn, chẳng hạn Singapore. Nếu môi trường ngày càng kém, du khách nước ngoài chạy mất vía chứ nói chi đến tham quan. Thời buổi này mà còn xả nước thải ra thẳng ra kênh sao thấy lạc hậu quá, tôi nghĩ chuyện này nằm trong ý thức của mỗi con người.

Theo tôi, cần thưởng cho bất kỳ ai phát hiện những vụ xả thải như thế này. Tiền thưởng sẽ lấy từ tiền phạt công ty xả thải, tiền thưởng phải thật cao. Điều này sẽ giúp cơ quan hữu quan phát hiện nhiều hơn nữa những vụ xả thải như thế này.

Giải pháp căn cơ

Phải phân loại ngành nghề và đưa vào các khu công nghiệp tập trung để quản lý việc xử lý chất thải của các doanh nghiệp trước khi thải ra môi trường. Đừng trông chờ vào sự thật thà của các doanh nghiệp bởi họ luôn nhận thức được rằng: đầu tư một hệ thống xử lý chất thải đã tốn kém, việc vận hành xử lý nó còn tốn kém gấp bội, nếu tuân theo quy định sẽ khiến họ phá sản. Do đó phải đưa vào khu công nghiệp vì ở đó sẽ bố trí hẳn một doanh nghiệp chuyên xử lý chất thải, nước thải.

Các nguồn thải của doanh nghiệp sẽ được đấu nối với hệ thống xử lý tập trung này. Và họ sẽ trả tiền ít hơn thay vì đầu tư một hệ thống xử lý riêng lẻ cho riêng mình. Giải pháp căn cơ nhất là phân loại các khu công nghiệp đặc thù để bố trí các ngành công nghiệp đặc thù nhằm phòng tránh và hạn chế cao nhất khả năng ô nhiễm môi trường.

Nếu phân loại được cũng giảm bớt chi phí xử lý chất thải, nước thải, vì có như vậy mới lựa chọn được công nghệ thích hợp để xử lý cho từng loại ngành nghề.

Xin một câu trả lời

Là một người từng gắn bó cả tuổi thơ với dòng kênh Tham Lương trong xanh ngày nào, giờ đây khi nhìn dòng kênh đen kịt trong tôi cảm thấy một nỗi đau xót khó tả. Những công ty, xí nghiệp trên dòng kênh này đã phá hủy dòng kênh không thương tiếc.

Thiết nghĩ với những mục tiêu thiết thực và rất tốt nên tôi đã bầu cho ông làm đại biểu HĐND, nhưng ông nói để làm gì khi công ty ông đang tàn phá môi trường, hủy hoại dòng kênh. Mong nhận được câu trả lời từ vị doanh nhân đất Việt.

Nước thải dệt nhuộm nồng độ ô nhiễm rất cao

Tôi ở kề dòng kênh Tham Lương. Hằng ngày nhìn dòng kênh đen kịt hôi kinh khủng mà ngao ngán lòng. Tôi từng làm ở những vị trí khác nhau trong một công ty dệt nhuộm, châm chỉnh màu và theo dõi các công đoạn từng mẻ nhuộm, vận hành hệ thống xử lý nước thải với công suất 5.000m3/ngày đêm.

Vải nhuộm màu đậm: xanh đậm, đỏ đậm thì nhiệt độ nhuộm 120-135 độ, dùng xút (NaOH) ph=11-12 để làm sợi vải giãn nở, muối (NaCl) để giữ màu. Do vậy mà tính chất nước đầu vào các thông số rất cao.

Vì vậy, ở hầu hết công ty dệt nhuộm, nước sau xử lý đều không đạt tiêu chuẩn xả thải. Khi đoàn kiểm tra xuống thì thông báo trước nên đối phó là pha nước sạch để pha loãng 2 lần. Như vậy nước đầu ra sẽ đạt tiêu chuẩn (chỉ khi nào kiểm tra mới đạt).

Tôi không hiểu lương tâm nhà lãnh đạo những công ty đó để đâu? Họ chỉ được lợi trước mắt mà không nghĩ đến tương lai con em chúng ta sau này.

Một kênh Tham Lương sạch đẹp như thế mà bị các công ty dệt nhuộm hại chết. Những công ty đó mang tội ác phá hoại môi trường. Hãy đồng lòng lên tiếng nói chung vì một dòng kênh xanh sạch.

Dân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên