17/06/2011 03:45 GMT+7

"Thương cho roi cho vọt"?

NGUYÊN
NGUYÊN

TT - Hơn 150 email của bạn đọc gửi về tòa soạn trong ngày 16-6 về câu chuyện “Người cha bắt con bò ngoài phố vì nghiện game”, nâng số ý kiến trong hai ngày qua lên đến gần 300.

Hôm nay, chúng tôi xin trích ý kiến của những người trong cuộc thành công với “biện pháp mạnh” và những đề xuất cách dạy con khác.

QtFttqZN.jpgPhóng to
Trẻ em chơi bóng đá ở sân vận động Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: N.C.T.
Con nghiện game bị bố bắt bò ngoài phốTôi thà mang tiếng ác với con!

* Có lúc phải dùng đến roi

Đọc bài viết này tôi thật sự cảm thông với anh N. và chị H. vì tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tôi cũng đã dạy con theo phương châm “thương cho roi cho vọt”. Con tôi vốn là đứa bé ngoan và chăm chỉ học hành nhưng rồi cũng không thoát khỏi nghiện game. Tôi đã khuyên cháu rất nhiều nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Một lần cháu dám nói dối tôi để vào quán net chơi game mà không về nhà khi nhà trường cho nghỉ học vì trời mưa rất to. Tôi biết được nên bỏ cả làm đi tìm cháu.

Thay vì tỏ ra hối lỗi, cháu lại làm bộ mặt rất lì lợm và đi một mạch lên phòng đóng cửa lại, không thèm nghe lời khuyên bảo của tôi và nhất định không mở cửa phòng. Tôi rất tức giận, quyết định làm một việc mà đến bây giờ tôi vẫn cho rằng mình đúng. Đó là dùng búa đập vỡ cửa kính rồi mở chốt cửa vào phòng đánh cho cháu một trận rất đau. Tôi đánh mà không nói một lời nào.

Tôi thấy cháu khóc và van xin vì đau, tôi rất xót xa nhưng vẫn đánh (tôi chỉ đánh vào mông và chân thôi). Đánh xong, tôi bỏ đi xuống và coi như cháu không hiện diện trước mặt tôi cả ngày hôm đó và hôm sau. Đến lúc đó cháu chủ động sang phòng, vừa khóc vừa xin lỗi tôi và hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa.

Tôi chỉ nói rằng: “Mẹ sẽ chờ đợi hành động của con thay vì lời con hứa”. Từ đó đến nay cháu không bao giờ chơi nữa và chăm chỉ học hành. Khi tôi dùng búa đập vỡ kính cửa phòng và đánh cháu tôi cũng nghĩ rằng mình đã làm sai..., nhưng bây giờ tôi hoàn toàn yên tâm khi hành động của tôi đã đúng và rút ra kinh nghiệm cho bản thân rằng trẻ con cũng có cháu ưa ngọt nhưng có cháu phải dùng đòn roi mới thành công.

Thuy

* Cảm ơn ba đánh đòn

Lúc trước tôi nghiện game thuộc hạng nặng. Tôi cúp cua, trốn học, bỏ thi, dành mọi thời gian chơi game. Nhưng sau khi bị ba phát hiện và phạt đòn trước hàng xóm rồi bắt quỳ ở đó tới chiều (gần ba giờ), ai đi ngang cũng thấy. Tôi cảm thấy rất xấu hổ (vì trong xóm tôi rất ngoan và hiền, ai cũng yêu mến). Qua vụ việc đó tôi sửa đổi hoàn toàn, mỗi ngày chỉ dành một giờ chơi game thư giãn và cuối cùng mình cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp THPT loại giỏi. Xin cảm ơn ba rất nhiều.

Akai

* Nên cho chơi game ở nhà

Dù là con gái nhưng con cũng là người nghiện game, con thấy đã nghiện game rồi thì không thể nào bỏ vì xấu hổ đâu chú N. ạ. Suy nghĩ và mong muốn của chú chắc cũng giống ba mẹ con. Lúc con nghiện game, ba mẹ con có làm gì đi nữa, thậm chí nhốt con lại thì con vẫn tìm cách trốn đi chơi game. Bây giờ nghĩ lại thì con cũng không hiểu game có gì mà con lại ghiền như vậy. Lúc đó ba mẹ con rất buồn, con cũng biết như vậy nhưng con không biết làm cách nào để quên game được.

Và cách nhẹ nhàng con thấy là ba mẹ con tìm cách cho con quên game, tìm cách để con không có thời gian rảnh để nhớ tới game. Con nghĩ chú nên cho hai em làm việc giúp cô chú chứ đừng cho hai em rảnh rỗi như vậy, học thêm thì cũng coi chừng hai em trốn đi chơi nữa. Con nghĩ chú nên dùng lời nói nhẹ nhàng, tuổi các em ngang bướng mà bồng bột lắm, có làm gì đi nữa cũng không thay đổi được. Nhà chú có máy tính thì chú hỏi hai em thích game gì thì cài cho hai em. Lúc đó các em sẽ ở nhà chơi, không ra đường. Khi đó chú cũng kiểm soát được giờ giấc của các em.

Chắc chắn chơi một thời gian sẽ tự động chán.

Bay (baby_cute1307@...)

* Bắt trẻ phụ việc

Tôi cho rằng nên bắt trẻ làm việc phụ giúp mình. Vì khi đó trẻ mới biết quý trọng đồng tiền, quý trọng sự vất vả, yêu thương chăm lo của cha mẹ. Ngày xưa tôi phải một buổi đi học còn một buổi ra đồng phụ giúp công việc ruộng vườn, buổi tối mới lo học bài và làm bài rồi tôi vẫn đạt kết quả tốt. Tôi nghĩ có nhiều người cũng giống tôi, vì vậy chuyện ra đồng phụ giúp cha mẹ không ảnh hưởng nhiều đến việc học mà ngược lại nó còn giáo dục trẻ em giá trị của lao động và trưởng thành.

Lấy trò chơi làm căn bản giáo dục trẻ

Với kinh nghiệm gần một năm hướng dẫn hai nhóm học sinh cấp II vui chơi, tôi chiêm nghiệm rằng trò chơi là thứ không thể thiếu với trẻ. Qua trò chơi, trẻ phát triển một cách tự nhiên, hoàn thiện. Nhưng trò chơi cho trẻ nhất định phải có định hướng của người lớn. Giống như cây kiểng, có uốn nắn thì mới thành hình. Trường hợp trẻ mê chơi game không thể trách trẻ được, vì không ai chỉ cho trẻ cách chơi, không ai bày cho trẻ chơi khiến trẻ phải tự giải quyết ham muốn được chơi của mình.

Hành động phạt trẻ, đánh đập, quát nạt, viết bản kiểm điểm là sai lầm, sai lầm cơ bản của nó chính là chặn mong muốn tự nhiên của trẻ, sai lầm kế đến là phạt trẻ vì lỗi không phải do trẻ gây ra (nguyên nhân chính là không hiểu tâm lý trẻ của người lớn). Tại Việt Nam, sân chơi ngoài trời cho trẻ hiếm vô cùng, trong khi quán net thì như nấm sau mưa.

Ngay tại TP.HCM, tình trạng cũng tương tự. Người lớn đang giành hết sân chơi của trẻ cho công việc của họ và đổ lỗi cho trẻ hư vì trẻ tự tìm chỗ để chơi. Giải pháp cho trẻ mê game là cho trẻ chơi trong các câu lạc bộ, các trại hè. Tại đó trẻ được hoạt động nhóm với các bạn cùng lứa tuổi, lấy thiên nhiên làm căn bản, lấy trò chơi tập thể để hoạt động, lấy các kỹ năng để rèn luyện, lấy tình bạn đội nhóm làm niềm ham thích.

Lấy trò chơi làm căn bản giáo dục trẻ, đó mới chính là biện pháp lâu dài.

Phan Nguyễn Toàn

NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên