20/04/2011 14:34 GMT+7

Bác xe ôm tốt bụng

ĐỨC TUYÊN - SƠN BÌNH
ĐỨC TUYÊN - SƠN BÌNH

TT - Gặp hai đứa trẻ lơ ngơ bước xuống xe ở bến xe miền Đông (TP.HCM), sợ các cháu bị kẻ xấu dụ chở đi tìm việc, rơi vào các xưởng may bóc lột sức lao động, bác xe ôm Thạch Ngọc Khanh đã báo với Tuổi Trẻ. Một lần nữa chúng tôi vào cuộc và các bậc phụ huynh đã tìm được hai đứa con “đi bụi”.

Read this on Tuoitrenews.vn

Qw4U4ftP.jpgPhóng to
Ông Thạch Ngọc Khanh - Ảnh: đ.tuyên

16g40 ngày 18-4, chuyến xe cuối ngày từ huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến bến xe miền Đông. Hai trẻ chừng 14 tuổi từ xe đò bước xuống lơ ngơ hỏi đường về “P.2, Q.12”. Cũng tiện đường về nhà người em tại huyện Hóc Môn, ông Khanh nhận chở hai đứa trẻ về Q.12.

Thế nhưng Q.12 không có P.2, hai đứa trẻ lại lơ mơ không nhớ địa chỉ nơi đến. Trên đường đi, một trong hai đứa trẻ luôn miệng hỏi ông có việc gì không giới thiệu cho chúng làm. Ông Khanh không yên lòng...

Gọi cho đường dây nóng của Tuổi Trẻ

“Tôi đã lưu số điện thoại đường dây nóng của báo Tuổi Trẻ từ rất lâu trong danh bạ điện thoại. Hễ thấy chuyện gì bất thường, tôi luôn gọi đến Tuổi Trẻ” - ông Khanh nói. Lần này cũng vậy, sợ các cháu trốn nhà “đi bụi” và có thể rơi vào tay kẻ xấu, ông Khanh vội gọi đến Tuổi Trẻ báo tin. Và chúng tôi nhanh chóng đến điểm hẹn tại ngã tư Lê Đức Thọ - Nguyễn Văn Lượng (Q.Gò Vấp), nơi hai đứa trẻ cùng ông Khanh đang ngồi đợi trong một quán cà phê.

Hai đứa trẻ mặt sáng sủa, lanh lợi, nói năng gãy gọn. “Chú có việc gì làm thì thuê chúng cháu. Không cần trả lương nhiều, chỉ cần nuôi ăn ở, việc gì cháu cũng làm” - V.A., một trong hai cháu, năn nỉ khi vừa gặp chúng tôi. Ông Khanh kể khi đi đến đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), hai cháu kêu ông dừng xe gấp có chuyện, rồi một trong hai đứa móc một cọc tiền trong giỏ (khoảng 700.000 đồng) ra nhét vào bụng nói phòng hờ bị trấn lột.

Thấy các cháu đem tiền nhiều, trời lại sẩm tối, ông Khanh sợ chúng bị kẻ xấu trấn lột. Ông cho biết mới đọc bài “Giải cứu nhóm trẻ bị “bán sống”” (Tuổi Trẻ ngày 16-4) nên không thể để chúng bơ vơ giữa đất Sài Gòn. “Tôi lại hỏi cụ thể địa chỉ nơi đến nhưng hai cháu nói chỉ biết có một quán cà phê tên Phương Nam ở “P.2, Q.12” và nói tôi cứ chở đến Q.12 rồi chúng đi tìm. Tôi rất sợ các cháu rơi vào tay kẻ xấu nên đã gọi cho Tuổi Trẻ nhờ giúp các cháu” - ông Khanh nói.

Trở về nhà

Hai trẻ tên A.T. (14 tuổi) và V.A. (13 tuổi), nói cùng học chung lớp 7A4 tại một trường THCS thuộc huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). Chúng tôi đã đưa T. và A. về nhà tại Q.Gò Vấp cho tắm rửa, cơm nước vì lúc này trời đã tối và cũng để tiện chuyện trò, tìm hiểu nhân thân, lý do các cháu rời nhà đi tìm việc...

“Cháu và A.T. là anh em ruột, cách nhau một tuổi. Bố cháu mất từ khi chúng cháu còn nhỏ, mẹ mới mất hồi học kỳ 1. Chúng cháu không có nhà cửa. Hai anh em cháu ở nhờ nhà một người hàng xóm, bị mắng hoài nên phải nghỉ học để đi tìm việc làm. Chú có việc gì làm, có quen ai không giới thiệu cho chúng cháu đi làm. Nếu không, sáng mai hai đứa tự đi tìm việc cũng được” - V.A. vừa ăn cơm vừa nói với chúng tôi.

Sáng 19-4, từ tên trường, lớp trên phù hiệu đính trên áo của T. và A., chúng tôi đã gọi điện đến trường các em học để tìm hiểu sự việc. Thầy Trần Thiện Tống, giáo viên chủ nhiệm của em T. và A. (cùng học lớp 7A4), cho biết hai em bỏ học từ ngày 18-4 và hiện nay phụ huynh của cả hai em đang tất bật đi tìm con. “Gia đình đã hỏi bạn bè, người thân, chỗ quen biết nhưng tới giờ vẫn chưa tìm thấy hai em. Học lực của các em cũng trung bình nhưng có vẻ ham chơi nên nghe bạn bè rủ rê đi bụi” - thầy Tống nói.

Chúng tôi thật bất ngờ khi được biết T. và A. không phải là anh em ruột và cha mẹ các cháu vẫn còn đầy đủ. Thông qua thầy Tống, chúng tôi có được số điện thoại của phụ huynh em A. và vội gọi điện thoại báo tin. Ông K., phụ huynh của A., như nghẹn giọng khi biết tin con. Sau đó, phụ huynh của A. và T. cấp tốc thuê taxi đi TP.HCM đón hai cháu về nhà.

Phải ngăn chặn cái xấu

Đó là lời của bác xe ôm tốt bụng Thạch Ngọc Khanh. Hiện vợ chồng ông Khanh đều hành nghề chạy xe ôm tại bến xe miền Đông và ở nhờ nhà người em tại Hóc Môn. Ông Khanh tâm sự thêm: “18 năm ở nhà thuê quanh bến xe miền Đông và 20 năm cùng vợ chạy xe ôm tại đây, tôi đã chứng kiến bao điều xấu xảy ra. Các cháu ở những tỉnh xa về đây lơ ngơ là bị lừa, rất tội. Tôi coi chúng như con cháu của mình nên giúp được điều gì cho các cháu thì giúp”.

ĐỨC TUYÊN - SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên