03/04/2011 05:30 GMT+7

Đi chậm thay cho bóp còi

ALI SHARIPOV (người Nga, tiến sĩ ngôn ngữ học)
ALI SHARIPOV (người Nga, tiến sĩ ngôn ngữ học)

TT - Khảo sát được tiến hành ở những thủ đô lớn trên thế giới chứng tỏ tiếng còi xe làm tăng số lượng tai nạn giao thông... thay vì phải ngăn chặn chúng. Thực tế đã chứng minh giả thuyết này.

8znXWeSi.jpgPhóng to
Tiếng còi xe trên đường thường làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông (ảnh minh họa) - Ảnh: M.C

Một tai nạn xảy ra ngày 18-5-2010 ở quốc lộ 1A thuộc khu vực phường Tam Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nạn nhân là nữ công nhân đi xe máy lưu thông cùng chiều với xe tải. Khi vượt qua xe máy của nạn nhân, tài xế xe tải đã bóp còi làm nạn nhân giật mình, ngã xuống và bị bánh sau của xe tải cán chết tại chỗ.

Sáng 14-6-2010, một vụ tai nạn khác gây xôn xao dư luận khi người mẹ trẻ chở bé gái 2 tuổi lưu thông bằng xe máy trên đường Kha Vạn Cân (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM) đã té xuống đường và bị bánh xe bồn cán qua. Theo biên bản của công an, chiếc xe bồn chạy phía sau bất ngờ bóp còi lớn làm người mẹ giật mình và thắng gấp nên ngã xe.

Người ta vẫn chưa thật sự hiểu hết độ nguy hiểm của tiếng còi xe - thứ vượt xa tầm hiểu biết của mình. Tiếng còi xe tạo ra một tần số âm thanh đặc biệt khiến não người bị nhiễu loạn trầm trọng. Hơn thế nữa, còi xe đã bị lạm dụng để trở thành bộ mặt của sự hung dữ, hơn là một thiết bị đem lại cho ta sự an toàn khi tham gia giao thông.

Vì lẽ đó, ngày càng nhiều quốc gia ra lệnh cấm còi xe vì sức khỏe của cộng đồng.

Ở Berlin vào năm 1936, cảnh sát giao thông dán những tờ giấy phạt màu vàng lên xe những người bóp còi một cách tùy tiện. Nhờ thế, thảm họa tiếng ồn này chấm dứt. Memphis - một thành phố nhỏ nằm ở bang Tennessee của Mỹ - được mang tên “thành phố yên tĩnh nhất” cũng nhờ luật cấm còi xe. Ở Bangkok, ngay cả khi tình trạng giao thông rất hỗn độn, không một ai bấm còi.

Tại sao vậy? Bởi vì họ nhận thức được việc đó khiếm nhã và vô ích như thế nào.

Câu hỏi đặt ra là tại sao mọi người lại dùng đến còi xe? Những chuyên gia về an toàn giao thông nói rằng: “Người lái xe sử dụng còi xe như một sự thay thế cho việc suy nghĩ”. Hay nói một cách đơn giản, họ thổi còi của mình thay vì đi chậm lại. Họ dùng tiếng “bi-bi-biiii-bi-bi...” thay cho câu nói: “Này anh kia, tránh ra ngay cho tôi đi!”, trong khi đáng lẽ họ nên dùng tới thắng xe của mình.

Thực tế mà nói, việc sử dụng còi xe được xem là khôn ngoan nhất khi phanh của bạn đột nhiên bị đứt - lúc đó mới chính là lúc bạn dùng tới thiết bị âm thanh của mình để báo cho những người xung quanh biết bạn không thể dừng lại được.

Tôi đã quan sát xe cộ đi lại ở khu nhà mình trên con phố nhỏ ở Hà Nội hơn một năm nay. Một số người đi rất bình thường, họ đi chậm lại trước khi rẽ và chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Nhưng một số khác thì lại bấm còi không ngừng nghỉ. Chính thiểu số những người lái xe vô ý thức này đã tạo ra sự ô nhiễm tiếng ồn đáng ghét mà chúng ta phải chịu đựng ngày qua ngày.

Có thể họ tin rằng tiếng còi của mình làm người khác sợ. Nhưng thực tế thì chẳng ai sợ và chẳng ai thèm chú ý cả. Tai nạn chưa bao giờ xảy ra ở những con phố nhỏ, mặc dù tiếng còi xe vô ý thức của một số lái xe quấy phá sự yên tĩnh hay cuộc sống của dân cư nơi đây, biến cả khu phố yên bình thành địa ngục.

Giải pháp của chuyện này là gì? Tôi xin có một đề xuất nhỏ: mỗi lần bạn chuẩn bị bóp còi, hãy thử đi chậm lại xem sao. Bạn biết kết quả nhận được là gì không? Đó là bạn đã chứng minh được mình có khả năng suy nghĩ và tôn trọng người khác. Còn nếu bạn vẫn muốn sử dụng còi thì bạn lại chứng minh điều ngược lại.

Chúng ta luôn tin rằng những vấn đề của môi trường đều do người khác gây ra, không phải chúng ta. Kể từ thời điểm này, sao mỗi chúng ta không thử đóng góp một chút gì đó vào công cuộc làm sạch sự ô nhiễm tiếng ồn của thành phố này?

ALI SHARIPOV (người Nga, tiến sĩ ngôn ngữ học)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên